Thi vào lớp 10 ở TPHCM:

Lãnh đạo Sở Giáo dục khuyên học sinh tránh "tủ đè", chạy sô học thêm

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Sát ngày thi, Phó giám đốc Sở Giáo dục TPHCM Nguyễn Bảo Quốc khuyên học sinh hãy hệ thống lại kiến thức thay vì học thêm quá nhiều.

Lãnh đạo Sở Giáo dục khuyên học sinh tránh tủ đè, chạy sô học thêm - 1

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Tránh bị "tủ đè"

Chỉ còn 10 ngày nữa, hơn 98.600 thí sinh sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM. Là kỳ thi cuối cùng theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006, vì thế, nhiều học sinh, phụ huynh chịu áp lực không nhỏ.

Trước những lo lắng của thí sinh, phụ huynh, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM, cho biết đề thi vẫn giữ sự ổn định để đảm bảo quyền lợi tối đa cho học sinh.

Đề thi tuyển sinh ở cả 3 môn thi văn, toán, ngoại ngữ đều có cấu trúc, mức độ kiến thức tương tự như năm 2023. Mức thông hiểu, nhận biết sẽ chiếm khoảng 70% nội dung; 30% còn lại ở mức độ vận dụng, vận dụng cao nhằm phân hóa học sinh.

Lãnh đạo Sở Giáo dục khuyên học sinh tránh tủ đè, chạy sô học thêm - 2

Hơn 98.600 thí sinh chuẩn bị bước vào Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Ông nhấn mạnh, định hướng dạy và học gắn với phát triển phẩm chất, năng lực học sinh sẽ tiếp tục được thể hiện trong đề thi tuyển sinh. Đề thi sẽ không dừng ở việc kiểm tra kiến thức môn học thuần túy mà được gắn với các vấn đề thực tế cuộc sống.

Qua đó, đề kiểm tra được khả năng tư duy, năng lực vận dụng kiến thức của học sinh để giải quyết các vấn đề. Điều này đòi hỏi học sinh trong quá trình học phải thực hành, không thể học tủ, học vẹt, học theo kiểu ghi nhớ máy móc.

Với cách thức ra đề như vậy, ông Quốc cảnh báo việc học tủ, học vẹt sẽ khiến các em gặp khó khi làm bài thi. Đặc biệt, việc học tủ thường xảy ra ở môn ngữ văn, trong quá trình ôn tập, nhiều học sinh thường dùng phương pháp loại trừ các tác phẩm đã ra trong đề thi tuyển sinh những năm trước đó để đỡ mất nhiều thời gian ôn tập.

Tuy nhiên, việc một tác phẩm đã ra trong đề thi tuyển sinh các năm trước không có nghĩa là không được đề cập đến trong năm nay. Đồng thời, môn ngữ văn thường đòi hỏi liên hệ với các tác phẩm khác có chung chủ đề, do đó việc học theo phương pháp loại trừ sẽ khiến các em có thể thiếu tư liệu để bài viết phong phú.

"Để làm bài thi đạt điểm cao không thể nhờ vào may rủi từ việc học tủ, học lệch mà trong quá trình ôn tập các em phải có chiến lược ôn tập hiệu quả và nghiêm túc ở từng môn thi", ông Bảo Quốc căn dặn.

Theo ông Bảo, nội dung kiến thức trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 nằm trong chương trình trung học cơ sở (THCS), chủ yếu ở khối lớp 9. Cấu trúc đề thi ở từng môn thi đã được Sở GD&ĐT công bố từ sớm để các trường THCS và giáo viên có hướng giảng dạy, ôn tập phù hợp cho học sinh.

Vì vậy, đề thi có thể ra vào bất cứ phần nội dung kiến thức nào mà các em đã học, đặc biệt là kiến thức lớp 9.

Không "chạy show" học thêm quá nhiều

Thời điểm này, các em đã lựa chọn đặt nguyện vọng vào trường mình yêu thích, vì vậy lãnh đạo Sở khuyên thí sinh hãy tự tin và cố gắng hết mình. Ông khuyên học sinh cần hệ thống lại kiến thức ở từng môn thi, nắm chắc những phần kiến thức trọng tâm, dành thời gian để ôn tập các phần kiến thức chưa vững.

Thực tế trong các mùa tuyển sinh 10 hàng năm, nhiều học sinh bị mất điểm đáng tiếc vì lạc đề, làm sai yêu cầu của đề. Do đó, khi bước vào phòng thi, các em không nên hấp tấp vội vàng làm bài ngay mà nên đọc thật kỹ đề.

Bí quyết đạt điểm cao khác là nên phân bổ thời gian làm bài hợp lý. Câu dễ làm trước, làm đến đâu chắc đến đó; câu nào khó làm sau. Thí sinh không quá sa đà mất nhiều thời gian vào việc giải một câu nào đó, sẽ dẫn đến tình trạng làm bài không kịp thời gian, ảnh hưởng đến kết quả chung.

Lãnh đạo Sở Giáo dục khuyên học sinh tránh tủ đè, chạy sô học thêm - 3

Phụ huynh, học sinh nghiên cứu thông tin tuyển sinh lớp 10 TPHCM năm học 2024-2025 (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM khuyên học sinh không nên thức quá khuya ôn bài. Việc ôm đồm "chạy show" học thêm quá nhiều trong giai đoạn này là không cần thiết, thậm chí có thể khiến các em đuối sức, sức khỏe không tốt ảnh hưởng đến kết quả bài thi.

"Việc học là cả một quá trình, xuyên suốt năm học chứ không phải chỉ 1-2 ngày mà kiến thức đã có thể vững vàng ngay được. Các em cần chú ý giữ sức khỏe, phân bổ thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý", ông Quốc nói.

Với các bậc phụ huynh, ông Nguyễn Bảo Quốc cho rằng cha mẹ hãy thực sự chia sẻ cùng với các em, động viên và theo sát con nhưng không nên gây áp lực cho trẻ.

Cách giảm áp lực cho con là thường xuyên trò chuyện để nắm bắt, giải tỏa những khó khăn, áp lực mà con đang gặp phải trong kỳ thi, giúp con giữ được tâm lý thoải mái và sức khỏe tốt nhất.

Sự động viên, theo sát của phụ huynh lúc này có vai trò rất quan trọng với mỗi học sinh, tiếp thêm sự tự tin cho các em bước vào kỳ thi nhẹ nhàng.

Lãnh đạo Sở chia sẻ thêm, sau THCS, học sinh có rất nhiều hướng đi. Ngoài vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) công lập, các em có thể học nghề, học giáo dục thường xuyên…

Đây là hệ thống trường công lập được thành phố đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác dạy và học không hề thua kém hệ THPT công lập mà các em học lại nhẹ nhàng, vừa sức.

"Hướng đi nào cũng đều có thể dẫn đến thành công, điều quan trọng là với mỗi hướng đi, các em học sinh định hướng được mục tiêu phát triển nghề nghiệp của bản thân sau này và nỗ lực cố gắng", Phó giám đốc Nguyễn Bảo Quốc cho hay.