Lắng nghe và chia sẻ sẽ dạy con tốt hơn bạo lực

Các chuyên gia tâm lý và nhà xã hội học đều có chung nhận định: cha mẹ cần biết lắng nghe con, để hiểu rõ tâm tư cũng như nắm chắc từng bước trưởng thành của con mình. Người lớn tôn trọng ý kiến của con trẻ sẽ giúp chúng nhận biết rõ giá trị của bản thân.

Một cuộc khảo sát thăm dò ý kiến của hơn 2.800 người (chủ yếu là trẻ em) ở ba tỉnh An Giang, Lào Cai và Hà Nội vào năm 2003 cho thấy, trừng phạt thân thể (đánh đập) là hình thức bạo lực phổ biến ở gia đình và trường học, các hình thức bạo lực khác như lạm dụng từ ngữ (miệt thị), bắt nạt và chứng kiến bạo lực gia đình cũng khá phổ biến.

 

Theo anh Đào Sơn Hà, điều phối viên Trung tâm Hỗ trợ vì sự phát triển phụ nữ và trẻ em, người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng vẫn còn sống theo thuyết Khổng giáo, nghĩa là con cái phải phục tùng người lớn, và người lớn có mọi quyền năng với trẻ nhỏ. Bên cạnh đó tư tưởng "yêu cho roi vọt, ghét cho ngọt ngào" và tính gia trưởng đã thấm sâu vào nhiều gia đình. Điều này khiến các bậc phụ huynh coi chuyện dạy con bằng đánh đập, mắng mỏ là bình thường. Thậm chí nhiều ông bố bà mẹ lôi con ra trút giận mỗi khi gặp phiền muộn ngoài xã hội. Khi mắng oan con cái, khái niệm xin lỗi dường như không bao giờ tồn tại với các ông bố, bà mẹ.

 

Trước thực trạng trẻ em bị xâm phạm về thể chất và tinh thần ngày càng nghiêm trọng và phức tạp, Liên hợp quốc đã đề nghị các quốc gia, khu vực tổ chức điều tra và báo cáo về tình hình này.

 

Trong năm nay, tổ chức Plan hỗ trợ Việt Nam mở một chiến lược về phòng chống xâm hại trẻ em trong gia đình và nhà trường.

 

Ngay trong tháng 7 này, chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng về chống bạo hành trẻ em đã được triển khai trên phạm vị toàn quốc.

 

Một nhân viên tư vấn tâm lý tình cảm kể lại, chị từng tư vấn cho một bà mẹ không thể kiềm chế bản thân khi dạy con. Mỗi khi đứa con làm phật ý, là chị lại thấy muốn cầm roi đánh con. Chị nghĩ rằng những trận đòn ngày xưa giúp chị trưởng thành, không mắc phải những sai phạm, nên nó cũng là một cách giáo dục tốt để chị áp dụng dạy con. Song càng ngày chị càng thấy con xa cách mình hơn nên đã suy nghĩ lại và xin đến tư vấn.

 

Chị Tâm Lan, cán bộ phụ nữ tại quận Thanh Xuân cho biết, tại địa phương của chị có gia đình thường xuyên đánh con một cách thậm tệ. Trên mình đứa trẻ chi chít những vết sẹo do bố, mẹ đánh. Thế nhưng mỗi khi tổ dân phố đến can ngăn, hòa giải thì cả ông bố và bà mẹ đều nổi nóng. Họ viện lý đây là chuyện riêng trong nhà, hơn nữa họ có quyền dạy con mình. Khi cán bộ phường nói đánh con là vi phạm pháp luật họ còn thách thức: "Làm gì có luật đấy, ông bà cứ thử đưa luật ra cho tôi xem".

 

Không chỉ gia đình này mà thực tế có rất nhiều người chưa hiểu rõ quyền trẻ em và thế nào là vi phạm Luật bảo vệ trẻ em, mặc dù Việt Nam đã có Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em từ năm 2001 và thực hiện Công ước về quyền trẻ em từ năm 1991.

 

Theo tiến sĩ tâm lý Hoàng Dũng, biện pháp răn đe mạnh không hề đem lại hiệu quả trong dạy dỗ con cái. Đánh trẻ em không phải là biểu hiện của tình yêu thương như câu nói "yêu cho roi cho vọt" mà chỉ là biểu hiện bất lực của cha mẹ trong giáo dục con cái.

 

Hơn nữa hành vi đánh đập là xâm phạm thân thể cá nhân. Những gia đình nào dùng vũ lực với con sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề, trước hết thể chất của đứa trẻ sẽ phải chịu thương tật, còn tâm lý sẽ bị tổn thương. Việc bạo hành diễn ra thường xuyên khiến đứa trẻ sống trầm uất hơn. Hậu quả dễ nhận thấy nhất là con cái sẽ tạo khỏang cách với cha mẹ, tình trạng này đang khá phổ biến ở Việt Nam. Điều này hết sức nguy hiểm, vì khi cha mẹ không gần gũi với con, họ sẽ không hiểu con nghĩ gì, muốn làm gì.

 

Điều quan trọng nhất theo bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc đường dây tư vấn chống bạo hành, là người lớn cần lắng nghe trẻ nhỏ bày tỏ những mong muốn, ý kiến của mình, từ đó sẽ phân tích cho trẻ thấy cái gì đúng, cái gì sai và định hướng hành vi nhận thức cho trẻ. Cha mẹ tốt là người đưa ra được những lý lẽ thuyết phục chứ không phải dùng bạo lực để bắt con cái tuân theo mình.

 

Để có thể xóa bỏ tận gốc thói quen dùng vũ lực với trẻ em, anh Đào Sơn Hà cho rằng, những chương trình giáo dục trong nhà trường cũng cần phải có những bài tập dạy con người biết lắng nghe, biết giãi bày. Hiện nay, không chỉ trong gia đình mà ngay cả nhà trường cũng chỉ có sự phản ảnh một chiều, nghĩa là thầy cô luôn đúng, học sinh không được có ý kiến trái chiều. Đây là một thói quen không phù hợp với xã hội hiện đại.

 

Theo Trịnh Vũ

 Vnexpress