Làm thế nào để tránh "gian lận" công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm?

(Dân trí) - Công khai tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm là một trong những giải pháp để xã hội giám sát về chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo tự công bố liệu có đáng tin cậy? làm thế nào để giám sát số liệu này?

Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQGHN về vấn đề này.


GS.TS Nguyễn Quý Thanh

GS.TS Nguyễn Quý Thanh

Công khai tỷ lệ việc làm để xã hội giám sát chất lượng

Phóng viên: Tại sao các cơ sở giáo dục đại học cần công khai tỷ lệ sinh viên chính quy có việc thưa ông?

GS.TS. Nguyễn Quý Thanh: Công khai tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm là một trong những giải pháp để xã hội giám sát về chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, đây cũng là trách nhiệm giải trình của trường đại học cần thực hiện khi được giao quyền tự chủ đại học.

Năm 2018, Bộ GD&ĐT chủ trương giao các trường tự chủ trong xác định “ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào” - một chính sách quan trọng của tuyển sinh, cho nên yêu cầu về trách nhiệm giải trình cũng cần nâng cao hơn.

Việc công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp dưới hình thức này hay khác được thực hiện khá phổ biến thế giới, thí dụ thông qua hệ thống QS Xếp hạng Toàn cầu về Tình hình việc làm của Sinh viên tốt nghiệp (The QS Graduate Employability Rankings), hay theo yêu cầu các Bộ Giáo dục quốc gia như ở Singapore, Trung Quốc,... Nhiều trường đại học nước ngoài yêu cầu sinh viên khi đăng ký dự lễ tốt nghiệp phải trả lời phiếu khảo sát về việc làm.

Tất nhiên, tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác (thí dụ, bối cảnh của nền kinh tế), nhưng khách quan mà nói những kiến thức, thái độ và kỹ năng được đào tạo trong trường đại học có ý nghĩa rất quan trọng để sinh viên dễ dàng hơn trong tiếp cận thị trường lao động.

Do vậy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là một trong các chỉ báo quan trọng (nhưng không phải là toàn bộ) về chất lượng đầu ra của nhà trường. Chính vì vậy, việc công khai chỉ số này là cần thiết để xã hội có thêm thông tin về bức tranh chất lượng các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay.

Quy chế tuyển sinh đại học mà Bộ GD&ĐT vừa công bố yêu cầu các trường, kể từ năm 2018 phải công bố tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp sau 12 tháng đối với 2 năm gần nhất. Động thái này cũng là để tăng tính minh bạch, giúp xã hội thấy rõ hơn xu thế việc làm của sinh viên. Điều này cũng cung cấp thêm thông tin để thí sinh và phụ huynh lựa chọn ngành, nghề đào tạo một cách phù hợp.

Thông tin việc làm gắn với cơ chế giám sát và chế tài trong tuyển sinh đại học

Phóng viên: Theo ông, thông tin việc làm của sinh viên do các có sở giáo dục đại học tự công bố liệu có đáng tin cậy?

GS.TS. Nguyễn Quý Thanh: Thông tin này có đáng tin cậy hay không phụ thuộc vào sự nghiêm túc thực hiện của các cơ sở giáo dục đại học và sự chặt chẽ, nghiêm túc trong việc kiểm tra lại thông tin. Thực tế trước đây khi thực hiện "3 công khai", nhiều trường đại học cũng đã tự khai các thông tin về việc làm của sinh viên tốt nghiệp.

Tuy nhiên, một mặt nhiều trường thực hiện chưa nghiêm túc, không cập nhật hằng năm. Mặt khác, các thông tin đã công bố không được kiểm tra, thẩm định và cũng chưa có trường nào bị xử phạt về việc không công bố hay công bố thông tin chưa chính xác. Chính điều này đã khiến nhiều người cảm thấy “băn khoăn” về tính xác thực của các thông tin tỷ lệ việc làm nếu không nó không được thẩm định một cách khoa học và khách quan.

Tuy nhiên, tôi thấy lần này việc yêu cầu công bố thông tin việc làm này có điểm khác là vừa vừa gắn với cơ chế giám sát và chế tài trong tuyển sinh đại học.

Thí dụ, trong Quy chế tuyển sinh đại học mà Bộ GD&ĐT vừa công bố nêu rõ: “Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thẩm định độc lập” các thông tin trong về việc làm của sinh viên tốt nghiệp của các trường đại học. và nếu thông tin không đúng thực tế bị dừng tuyển sinh và các chế tài liên quan khác.

Để thực hiện “thẩm định độc lập”, Bộ GD&ĐTsẽ không phài là đơn vị kiểm tra, cũng như không can thiệp vào kết quả của người được giao kiểm tra. Ngân sách để thực hiện việc này cũng theo cơ chế độc lập.

Do vậy, theo tôi Bộ GD&ĐT nên đặt hàng các tổ chức độc lập đánh giá có đủ năng lực để thực hiện. Các Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục có thể thực hiện nhiệm vụ này bởi vì, trên thực tế khi đi đánh giá ngoài cho các cơ sở giáo dục đại học, các đoàn chuyên gia của các trung tâm cũng đã phải thẩm định rất kỹ lưỡng về tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp sau 12 tháng của nhà trường.


Trách nhiệm của các trường công bố về tỷ lệ việc làm (chú trọng về số lượng) của sinh viên tốt nghiệp

Trách nhiệm của các trường công bố về tỷ lệ việc làm (chú trọng về số lượng) của sinh viên tốt nghiệp

Thực hiện khảo sát độc lập dựa theo danh sách sinh viên tốt nghiệp

Phóng viên: Vậy, phương pháp mà các Trung tâm kiểm định chất lượng sử dụng để kiểm tra các thông tin này như thế nào?

GS.TS. Nguyễn Quý Thanh: Trên thế giới bên cạnh trách nhiệm của các trường công bố về tỷ lệ việc làm (chú trọng về số lượng) của sinh viên tốt nghiệp, cũng còn có thêm những kênh thông tin khác để xã hội kiểm tra, đối chứng.

Thí dụ, Bộ Giáo dục Singapore tổ chức khảo sát và công bố tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường hàng năm. Tổ chức xếp hạng đại học thế giới QS cũng thực hiện khảo sát toàn cầu và công bố về tình hình việc làm (chú trọng mặt tính chất) của các trườngđại học trên phạm vi thế giới.

Bên cạnh đó, trong các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học cũng như chương trình đào tạo của Việt Nam cũng như của Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN) hiên nay, tỷ lệ sinh viên có việc làm là một chỉ số cần đánh giá.

Cho nên, việc này đã được các Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của nước ta triển khai trên thực tế với những trường đã được đánh giá ngoài (đến nay là hơn 30 trường). Về bản chất, việc này cũng tương tự như việc kiểm tra độ xác thực, độ tin cậy, tính đại diện của các thông tin khảo sát xã hội học.

Do vậy, thường có nhiều cách để kiểm tra, như kiểm tra minh chứng gốc (hồ sơ, dữ liệu khảo sát gốc, kể cả khảo sát trực tuyến), và (hoặc) là khảo sát độc lập. Vì có nhiều có nhiều cách thức kiểm tra, cho nên vấn đề là phải chọn phương pháp nào khả thi nhất về mọi phương diện (ngân quỹ, thời gian, độ chính xác và độ tin cậy cần có).

Thí dụ, có thể tham khảo phương pháp mà các đoàn chuyên gia đánh giá ngoài của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐHQGHN đã sử dụng. Theo đó, các chuyên gia kiểm tra xem có phiếu điều tra gốc hay không, phiếu có bị làm giả không, có cơ sở dữ liệu khảo sát gốc không, số liệu có bị làm giả không, phần mềm xử lý và phương pháp xử lý như thế nào, có được thực hiện định kỳ hằng năm hay không? Nếu khảo sát trực tuyến thi kiểm tra thống kê về tỷ lệ người trả lời so với tổng số, thời điểm trả lời, khoảng thời gian khảo sát, yêu cầu chạy thử quy trình khảo sát...

Nếu các minh chứng là được xác minh là “thực”, việc khảo sát được thực hiện đúng phương pháp và công cụ khoa học thì có thể kết luận số liệu việc làm của nhà trường là “đáng tin cậy”.

Bên cạnh cách kiểm tra thông qua minh chứng, Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài cũng có thể thực hiện khảo sát độc lập dựa theo danh sách sinh viên tốt nghiệp trong khoảng 12 tháng trước đó bằng cách phỏng vấn trực tiếp qua điện thoại. Chỉ sau khi kiểm tra chéo đầy đủ các nguồn tin Đoàn chuyên gia mới “chốt” tỷ lệ việc làm nào là xác thực nhất, vì vậy, hoàn toàn có thể tin tưởng vào số liệu đã được xác thực.

Những Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục khác cũng sử dụng nhiều phương pháp và công cụ khoa học, chặt chẽ để xác minh các thông tin về tỷ việc làm của sinh viên tốt nghiệp, vì đây là một tiêu chuẩn kiểm định chất lượng quan trọng đối với đầu ra về đào tạo.

Phóng viên: Các Trung tâm kiểm định chất lượng thẩm định tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp của các trường, vậy ai sẽ “kiểm định” các cơ quan này, thưa ông?

GS.TS. Nguyễn Quý Thanh: Việc “kiểm định người kiểm định” là vấn đề quan trọng để đảm bảo tính khách quan và là cơ chế kiểm soát lẫn nhau. Việc giám sát hoạt động của các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục nói chung, trong việc thẩm định về tỷ lệ việc làm nói riêng (nếu được giao) cũng là cần thiết để tạo ra sự minh bạch và từ đó tăng cường lòng tin của xã hội.

Thực ra các chế tài đối với việc này đã có. Thí dụ, các chế tài như phạt hành chính, buộc bồi thường thiệt hại, tịch thu giấy phép, thậm chí là giải thể đối với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đều đã được quy định trong các văn bản pháp quy hiện hành ( Nghị định số 138/2013/NĐ-CP: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ; Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT về Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục”.

Bên cạnh đó, các Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục chỉ được triển khai theo đúng giấy phép hành nghề đã được cấp. Vì vậy, các Trung tâm này không thể có “quyền lực tuyệt đối”, mà phải chịu sự giám sát của nhiều bên như Bộ GD&ĐT, các trường được thẩm định và xã hội. Nếu các Trung tâm này cố ý làm sai lệch kết quả thẩm định sẽ bị xử lý nghiêm theo các quy định của phát luật.

Xin trân trọng cám ơn GS!

Nhật Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm