Hiệu trưởng các trường đại học cùng giải bài toán việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp
(Dân trí) - Hôm nay, 7/1, tại hội nghị "Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học", 271 hiệu trưởng các trường đại học trên cả nước sẽ tập trung bàn nhiều giải pháp để giải quyết việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, thực hiện kiểm định chất lượng và tự chủ đại học.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị "Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học", các hiệu trưởng sẽ đề cập tới 3 vấn đề lớn của giáo dục đại học là Đổi mới quản trị ĐH/thực hiện tự chủ đại học, Các giải pháp tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng và nâng cao chất lượng đào tạo và Các giải pháp nâng cao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Về việc làm của sinh viên, trong báo cáo điều tra lao động việc làm Quý 1 năm 2016 của Tổng cục thống kê, Bộ kế hoạch đầu tư, cả nước có 1.12 triệu người lao động trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên bị thất nghiệp trong tổng số 54.4 triệu người thuộc lực lượng lao động, chiếm tỷ lệ 2.25%, chiếm 2.05% tỷ lên ở dân số 15+. Trong đó số lao động thất nghiệp này có 38,7% (khoảng 431 nghìn) là số lao động đã qua đào tạo chuyên nghiệp hoặc nghề từ 3 tháng trở lên.
Theo tỷ lệ phân bổ trong số lao động thât nghiệp có trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật này thì nhóm lao động có trình độ từ đại học trở lên chiếm thị phần lớn nhất, khoảng 44,7%. Tỷ lệ lao động có trình độ từ cao đẳng trở đến hơn 80%.
PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM cho biết, với con số trên 200,000 lao động có trình độ chuyên môn trở lên thất nghiệp chúng ta thấy lớn. Nhưng so với thế giới thì con số này có thể chấp nhận được. Tỷ lệ thất nghiệp cao là tình trạng chung của thế giới không chỉ ở mỗi Việt Nam. Ở Trung quốc, năm 2010 tỷ lệ thất nghiệp chiếm 7% phần trăm số người trong độ tuổi lao động, giảm còn 4% trong năm 2013.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động có trình độ trên thế giới trong độ tuổi từ 25 đến 64 tuổi trong năm 2014 được thống kê. Ngay cả những nước phát triển tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thất nghiệp vẫn cao. Phần Lan là quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp có trình độ vẫn chiếm khoảng 12%. Như vậy con số 431 nghìn lao động đã qua đào tạo thất nghiệp ở nước ta là tình trạng bình thường.
Mặc khác, theo thống kê điều tra dân số nước ta năm 2014 của Tổng cục thống kê thì trong hơn 90 triệu dân, có khoảng 4.5 đến 5 triệu người có trình độ đại học trở lên, chiếm tỷ lệ 7%. Và với 200 ngàn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, chiếm tối đa 4.4%. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế, ngưỡng cần quan tâm là 5%. Tổ chức này cũng cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp sẽ thúc đẩy quá trình cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải quan tâm nghiên cứu những nguyên nhân và các giải pháp để giảm thiểu được con số thất nghiệp này nhằm giảm chi phí của xã hội.
PGS.TS. Đỗ Văn Dũng cho rằng, nguyên nhân những nguyên nhân chính có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp như hiện nay là tỷ lệ nguồn nhân lực cung vượt cầu hoăc cơ cấu cung – cầu không gặp nhau; Chất lượng nguồn nhân lực cung không phù hợp với chất lượng cầu; Sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế, dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi; Tư vấn hướng nghiệp còn chưa được chú trọng dẫn đến sự hiểu biết hạn chế của học sinh lẫn phụ huynh về cơ cấu ngành nghề và tầm quan trọng của các bậc đào tạo...
Không phải trường đại học nào cũng đủ nhân lực để đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, với con số hơn 425 trường đại học và cao đẳng, chất lượng đào tạo ở mỗi trường là khác nhau. Và chắc chắn rằng không phải tổ chức đào tạo nào cũng đảm bảo được chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Đây cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến việc thất nghiệp sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Không phải trường đại học, cao đẳng nào cũng đủ nhân lực để có thể xây dựng và triển khai chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngay cả những trường đại học tốt cũng không thể đảm bảo đáp ứng được nhu cầu xã hội 100%. Vì vậy vấn đề này là tất yếu và bình thường giống như một lớp sinh viên đại học, dù là đã đạt chuẩn đầu vào, nhưng sau 4 năm học thì có em học vượt, có em học xuất sắc, có em học khá và có em không thể ra trường.
Cơ chế thị trường cũng vận hành theo cách đó, tổ chức đào tạo nào không đáp ứng nhu cầu của khách hàng thì tất yếu sẽ tự bị loại trừ. Tuy nhiên, vấn đề dễ thấy là từ trước đến nay có trường đại học, cao đẳng nào bị đóng cửa? Nhưng con số trường trung cấp nâng cấp thành cao đẳng, trường cao đẳng nâng cấp lên đại học thì thường xuyên.
Bên cạnh đó, sự biến động không ngừng của nền kinh tế, dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi, theo PGS.TS Dũng, đây là nguyên nhân khách quan của sự phát triển kinh tế, kỹ thuật. Thời gian đào tạo người lao động có trình độ đại học trung bình là 4 năm. Sau thời gian đào tạo, sự biến động của nhu cầu nhân lực là việc tất yếu. Trong những năm gần đây, khi kỹ thuật công nghệ phát triển mạnh, nguồn nhân lực đã thay đổi cơ cấu. Những dây chuyền sản xuất tự động đã thay thế rất nhiều nhân lực.
Ngoài ra, việc truyền tải nội dung hướng nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Ở các trường THPT chỉ có một vài giáo viên hướng nghiệp. Các giáo viên hướng nghiệp cũng chỉ được “tập huấn” “cưỡi ngựa xem hoa” cho có như mỗi lần tập huấn “cán bộ coi thi”. Việc hướng nghiệp cần được chuyên nghiệp hóa, cần được quan tâm nhiều hơn. Tư vấn hướng nghiệp không chỉ tư vấn cho học sinh, mà còn phải tư vấn cho phụ huynh.
PGS.TS Dũng cho rằng, lâu nay các trường đại học tự thân vận động. Tự tổ chức tư vấn và quảng bá. Một số trường thì chỉ lo quảng cáo mà quên mất trách nhiệm của mình là chuyên gia tư vấn, cần mang lại sự hiểu biết đúng đắn, trung thực về ngành nghề và các bậc đào tạo. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều em học sinh và phụ huynh “dở khóc dở cười” với quyết định chọn ngành, chọn nghề của mình. Quan điểm “học đại học để đổi đời” cứ dẫn dắt thế hệ này rồi đến thế hệ khác. Dẫn đến việc ai cũng muốn vào đại học.
Hiệu trưởng phải tự chịu trách nhiệm với người học
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, cần thiết lập hệ thống quản lý chuỗi cung ứng nguồn nhân lực giữa đào tạo và doanh nghiệp sử dụng. Hệ thống này hỗ trợ các trường có được cơ sở để xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng như Bộ giáo dục và Đào tạo có cơ sở để quy hoạch lại cơ cấu ngành nghề ở các trường đại học. Tuy nhiên, trở ngại ở đây sẽ là quyền tự chủ của các đơn vị đào tạo.
Giải pháp này cũng chỉ đáp ứng được phần nào việc giảm sự lệch pha giữa nguồn cung và nguồn cầu. Nhưng như phân tích ở trên, người lao động tự chọn nhà tuyển dụng và ngược lại. Nhà tuyển dụng có quyền lựa chọn người lao động phù hợp nhất với mình.
Theo ông Dũng, cơ sở đào tạo phải tự chịu trách nhiệm với người học về việc đảm bảo việc đào tạo người học đáp ứng nhu cầu xã hội. Mà cụ thể nhất là Hiệu trưởng nhà trường. Nếu trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, trường đại học cần có các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới các hình thức đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho từng cá nhân học tập theo kế hoạch riêng, đưa người học vào môi trường của doanh nghiệp, tạo môi trường để người học phát triển năng lực bản thân và phát triển cái “khác biệt” của họ.
Nếu không thì kết quả đào tạo cũng sẽ như cũ, người học sẽ mất nhiều cơ hội. Ví dụ, nếu như kỷ nguyên số hỗ trợ được học trực tuyến (hoặc các hệ thống MOOC), thì người học sẽ có thời gian với doanh nghiệp. Tố chất của người học là rất sáng tạo, cần tạo ra môi trường để họ phát huy sáng kiến và hỗ trợ tạo ra những nhân tố khởi nghiệp, những nhân tố tự tạo ra việc làm cho mình và cho người khác. Có như vậy mới giảm được tình trạng thất nghiệp của người học.
Khi cơ cấu ngành nghề thay đổi thì các ngành nghề mới sẽ ra đời, thay thế một số ngành không còn được xã hội quan tâm. Cần lưu ý với các trường đại học ở thời gian đào tạo. Xã hội luôn luôn biến động, vì vậy chúng ta không nên giữ người học quá lâu để đào tạo. Phải kịp thời trả người học về với thị trường lao động càng sớm càng tốt. Như vậy phải rút ngắn thời gian đào tạo, đồng nghĩa với thay đổi hàng loạt các phương pháp giảng dạy, thay đổi tư duy, cách học của người học. Đào tạo ra một kỹ sư toàn diện hơn.
Mặt khác, theo PGS.TS Dũng, cần chú trọng tư vấn hướng nghiệp và phân luồng giáo dục. Tư vấn hướng nghiệp cần triển khai sâu rộng đến cho thí sinh và cho phụ huynh học sinh. Lưu ý rằng bản chất giá trị thông tin được tạo ra trong các kỷ nguyên trước đây là sự thiếu thốn. Nhưng trong kỷ nguyên số hiện nay thì giá trị cốt lõi của thông tin được tạo ra bởi sự đầy đủ. Và đó là nhiệm vụ của chúng ta: cung cấp thật đầy đủ, thật rõ ràng tất cả thông tin đến khách hàng.
Đồng tình với ý kiến của PGS.TS Dũng, tại hội thảo, nhiều ý kiến hiệu trưởng cho rằng, cần thay đổi cơ chế quản lý. Tăng cường triển khai tự chủ đại học, để cho các trường tự chủ trong mọi vấn đề. Theo đó, cần gỡ bỏ rào cản học phí “thấp nhất thế giới” càng sớm càng tốt.
Theo đó, nên để cho xã hội chung tay xây dựng giáo dục ngày càng vững chắc. Nếu học phí thấp, các trường sẽ chạy theo số lượng để có thể đủ kinh phí vận hành đơn vị. Để duy trì đáp ứng nhu cầu phổ cập hóa giáo dục đại học, cũng có nhiều giải pháp để thực hiện, không nhất thiết phải tất cả khách hàng đều phải đóng một học phí thấp như nhau.
Tại hội nghị "Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học" sáng nay, 271 hiệu trưởng các trường đại học trên cả nước sẽ bàn sâu về các vấn đề trên.
Hồng Hạnh