Làm thế nào để kiểm tra trực tuyến phản ánh đúng năng lực học trò?
(Dân trí) - Nhiều ông bố, bà mẹ vì muốn con đạt điểm cao nên đã "ra tay" trợ giúp. Nếu tình trạng này diễn ra, liệu rằng điểm số có phải là thực chất, và thi trực tuyến có đánh giá đúng năng lực của học sinh?
Trong hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học ứng phó dịch Covid-19 vừa ban hành, Bộ GD-ĐT cho phép các trường tổ chức kiểm tra cuối học kỳ 1 linh hoạt bằng nhiều phương thức.
Theo đó, đối với những khu vực đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch, việc kiểm tra định kỳ sẽ được tổ chức trực tiếp. Ở những địa phương học sinh không thể tới trường do dịch bệnh, các trường tổ chức kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ cho học sinh theo hình thức trực tuyến.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, việc kiểm tra định kỳ này nhằm mục đích cuối cùng là đánh giá đúng thực chất quá trình tổ chức dạy học và năng lực của học sinh sau thời gian dài học trực tuyến; từ đó đưa ra kế hoạch điều chỉnh phù hợp.
Mong mỏi kiểm tra trực tuyến
Nhiều ngày nay, phụ huynh Vũ Ngọc Phương (Đống Đa, Hà Nội) sống trong tâm trạng thấp thỏm, đợi chờ thông báo từ phía giáo viên chủ nhiệm về việc kiểm tra cuối kỳ của cô con gái hiện đang học lớp 2.
"Tại Hà Nội, dịch bệnh đang căng thẳng. Nếu tổ chức cho học sinh lớp 1, 2 đến trường kiểm tra trực tuyến sẽ rất nguy hiểm vì các con còn nhỏ, rất khó thực hiện 5K".
Phụ huynh này cho biết thêm, thời gian vừa qua, học sinh đã thực hiện khảo sát giữa kỳ theo hình thức trực tuyến, quá trình làm bài diễn ra suôn sẻ. Do đó, chị Phương mong mỏi bài kiểm tra cuối kỳ sắp tới, các con được làm theo hình thức trực tuyến để đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh.
Trao đổi với Dân trí, thầy Nguyễn Văn Minh (giáo viên tại một trường tiểu học ở Thường Tín, Hà Nội) cho biết, trong điều kiện dịch Covid-19, học sinh vẫn tiếp tục chương trình học thì việc cho các em kiểm tra để kết thúc học kỳ là điều tất yếu; bởi quy trình học - đánh giá phải gắn liền với nhau.
Đặt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Hà Nội, thì kiểm tra trực tuyến là giải pháp tối ưu nhất.
"Thực tế, thời gian qua, việc dạy học trực tuyến đã đi vào nề nếp, đồng thời phát huy hiệu quả trong việc duy trì học tập và đảm bảo an toàn cho học sinh. Do đó, cũng giống như học online, tôi cho rằng việc kiểm tra cuối kỳ theo hình thức trực tuyến sẽ không gặp quá nhiều khó khăn, trở ngại".
Thầy Minh chia sẻ thêm, hiện tại, giáo viên chủ nhiệm các lớp đang trong quá trình khảo sát, tổng hợp ý kiến phụ huynh và gửi về nhà trường. Nhà trường cũng sẽ chờ chỉ đạo từ trên để bàn bạc kỹ lưỡng, thống nhất kế hoạch kiểm tra định kỳ sao cho an toàn, phù hợp nhất.
Giảng dạy tại một trường liên cấp trên địa bàn quận Cầu Giấy, nhà giáo Trần Thị V. chia sẻ, với tình hình dịch như hiện tại, việc tổ chức cho học sinh đến trường ôn tập, kiểm tra cuối kỳ chắc chắn không thể thực hiện.
Do đó, căn cứ vào tình hình thực tiễn, nhà trường đã thống nhất cho học sinh tiểu học làm bài kiểm tra định kỳ môn Toán, Tiếng Việt vào cuối tháng 12 theo hình thức trực tuyến. "Kế hoạch kiểm tra này cũng đã được thông báo cho phụ huynh, hầu hết mọi người đều ủng hộ, tán thành".
Kiểm tra trực tuyến vẫn đánh giá đúng năng lực học sinh?
Khẳng định kiểm tra trực tuyến là biện pháp tốt nhất trong bối cảnh dịch bệnh, song, không ít ý kiến bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng kết quả kiểm tra, đánh giá trực tuyến liệu có đảm bảo tính công bằng, chính xác như các kỳ thi trực tiếp hay không.
"Kiểm tra trực tuyến sẽ tránh được việc học sinh tụ tập, từ đó giúp đảm bảo an toàn. Nhưng nếu tạm bỏ qua vấn đề sức khỏe, tôi không khỏi lo ngại về mức độ thực chất khi kiểm tra bằng hình thức này.
Do chưa thành thạo công nghệ, các con ở bậc tiểu học sẽ phải dựa rất nhiều vào sự hỗ trợ của phụ huynh trong việc kết nối với máy móc, bài thi. Nhiều ông bố, bà mẹ vì muốn con đạt điểm cao nên đã "ra tay" trợ giúp. Nếu tình trạng này diễn ra, liệu rằng điểm số có phải là thực chất, và thi trực tuyến có đánh giá đúng năng lực của học sinh?" - phụ huynh Đoàn Lê Quân bày tỏ.
Nêu quan điểm về vấn đề này, nhà giáo Trần Thị V. cho biết, so với kiểm tra trực tiếp, kiểm tra trực tuyến sẽ đánh giá được khoảng 80% năng lực người học; bởi việc kiểm tra, thi cử online vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như trục trặc công nghệ, tâm lý áp lực ngồi máy tính của con trẻ, thậm chí là trường hợp phụ huynh nhắc bài, trả lời thay học sinh…
Tuy nhiên, giáo viên này cho biết, những trường hợp gian lận như trên chỉ mang tính cá biệt.
"Học kỳ 2 năm học trước, trường tổ chức kiểm tra trực tuyến, dù còn chập chững nhưng sau đó mọi thứ đều ổn. Theo đó, trong suốt quá trình làm bài, học sinh phải mở mic, bật camera. Một phòng thi có 2 giáo viên giám sát, bao gồm một giáo viên chủ nhiệm lớp và một giáo viên lớp ngoài để đảm bảo tính khách quan.
Nhìn chung các con đều làm bài nghiêm túc, phụ huynh cũng không thắc mắc, băn khoăn. Sau khi học sinh nộp bài, thầy cô sẽ kiểm tra xem con đã nộp đúng chưa, ảnh chụp bài tự luận có đủ hay gặp vấn đề gì không thì mới cho học sinh "out" lớp".
Cô V. cho biết thêm, đối với kiểm tra trực tuyến, chúng ta không nên đặt câu hỏi "Có nên tin tưởng vào kiểm tra trực tuyến hay không?", bởi khi đã lựa chọn hình thức kiểm tra này, lẽ dĩ nhiên là phải đặt niềm tin vào đó. Vấn đề nằm ở việc con người cần tìm cách thích ứng và nỗ lực sao cho niềm tin được đặt đúng nơi.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Minh bày tỏ, bản thân hoàn toàn tin tưởng vào kết quả kiểm tra trực tuyến. Thực tế, trải qua thời gian dài học trực tuyến và một số kỳ thi online, nhà trường và đội ngũ giáo viên cũng đã có kinh nghiệm, vận dụng thành thạo công nghệ trong khâu tổ chức thi với mục đích đảm bảo sự trung thực, công bằng.
Ví dụ, khi học sinh kiểm tra trực tuyến, nhà trường sẽ ứng dụng công nghệ có đầy đủ các tính năng hỗ trợ như đếm giờ, ngắt giờ, ngắt kiểm tra… trước khi nộp bài. Các chỉ định cho phép thí sinh được làm việc trên màn hình; nếu mở ứng dụng khác, lập tức hệ thống cảnh báo hoặc phát tín hiệu dừng ngay cho giám thị.
"Công nghệ giúp hạn chế tối đa những tiêu cực còn tồn đọng khi thi trực tuyến, do đó, các bậc cha mẹ cũng hãy yên tâm và tin tưởng vào kết quả thi này" - thầy Minh mong mỏi.
Không nên tạo áp lực điểm số cho trẻ
Liên quan tới vấn đề kiểm tra trực tuyến với trẻ tiểu học, TS. Hoàng Trung Học (Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục) khẳng định, việc kiểm tra, đánh giá online tại những địa phương có dịch bệnh phức tạp là hoàn toàn cần thiết, giúp đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch.
Xét về chất lượng khi triển khai kiểm tra trực tuyến, chuyên gia cho biết, dù online hay offline cũng đều có biện pháp để đánh giá đúng năng lực của học sinh. Theo đó, để tạo sự khách quan trong kiểm tra đánh giá, quan trọng nhất là người thầy cần chủ động đổi mới kiểm tra thi cử.
"Chúng ta đề cập khá nhiều về việc xây dựng đề kiểm tra theo hướng mở, và giờ là thời điểm thích hợp để ứng dụng. Thay vì ra đề liên quan đến ghi nhớ, học thuộc đơn thuần, thầy cô có thể hướng tới những đề kiểm tra với những sản phẩm đòi hỏi khả năng vận dụng, sáng tạo của học sinh. Điều này sẽ giúp hạn chế những hành vi gian lận thi cử, năng lực người học sẽ được nhìn nhận một cách chính xác.
Tóm lại, kiểm tra online vẫn phản ánh đúng năng lực của học trò. Hình thức nào không quan trọng, vấn đề nằm ở việc ta ra đề thế nào, hướng tới mục tiêu gì, trọng số ra sao… Đây mới chính là cốt lõi làm nên tính chính xác, công bằng khi thực hiện kiểm tra" - TS. Hoàng Trung Học nhấn mạnh.
Nhà giáo Trần Thị V. cũng đồng tình với quan điểm này. Bên cạnh đó, nhà giáo này cho hay, để kỳ kiểm tra trực tuyến diễn ra suôn sẻ, giáo viên cần hướng dẫn thao tác làm bài trên máy tính đối với phụ huynh, học sinh để giảm thiểu những rủi ro công nghệ khi làm bài.
Ngoài ra, thầy cô cần linh động trong khâu thu, chấm bài của học sinh. Ví dụ, trẻ nộp bài trễ 1-2 phút do gặp trục trặc về đường truyền, hay nộp bài không đúng đường link… giáo viên cũng nên hiểu và tạo cơ hội cho trẻ.
"Kỳ kiểm tra cuối kỳ trực tuyến sẽ thành công và nhân văn hơn nếu như có được ý thức tự giác, sự trung thực của phụ huynh, học sinh. Cha mẹ hãy phối hợp với giáo viên tổ chức kỳ thì thật tốt, đừng có bất kỳ hành động nào can thiệp và bài thi.
Quan trọng nhất, mục đích của việc thi là để học sinh tự đánh giá năng lực thực sự để có phương pháp khắc phục. Vì vậy, phụ huynh nên có cái nhìn cởi mở, tránh việc đặt nặng điểm số, gây ảnh hưởng không tốt tới tâm lý con em".