Làm sao để tổ chức chuyến dã ngoại an toàn?

Học trò “nhất quỉ nhì ma” với nhiều trò vui không kiểm soát nổi, chính vì thế các chuyến dã ngoại phải chuẩn bị thật kĩ và theo sát trên từng cây số để không có những tai nạn thương tâm. Làm sao để có chuyến đi thật vui và an toàn?

Nóng” hoạt động dã ngoại của học sinh

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, trong thời gian qua, việc tổ chức dã ngoại, tham quan kết hợp học tập cho học sinh  được các trường học trên địa bàn thành phố tổ chức khá thường xuyên.

Các hoạt động này có hiệu quả tích cực trong công tác giáo dục truyền thống, giáo dục kĩ năng sống; tạo mối quan hệ gắn bó, gần gũi, đoàn kết; giúp học sinh giảm căng thẳng, tạo hưng phấn trong học tập…

Vui chơi dã ngoại. (Ảnh: Ngọc  Châu)
Vui chơi dã ngoại. (Ảnh: Ngọc  Châu)

Tuy nhiên, bên cạnh việc đa số lãnh đạo các trường học quan tâm đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia các hoạt động thì vẫn còn một vài đơn vị xem nhẹ công tác này trong các chuyến dã ngoại, tham quan.

Vì vậy, nhằm đảm bảo công tác an ninh, an toàn cho học sinh, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đề nghị lãnh đạo các trường khi tổ chức các chuyến dã ngoại, tham quan, học tập ngoại khóa dành cho học sinh cần phải đảm bảo tốt các nội dung sau: Lãnh đạo các trường phải là trưởng ban tổ chức, là người chịu trách nhiệm chính tất cả các vấn đề liên quan đến chuyến đi; các chuyến đi bên ngoài nhà trường phải có nội dung gắn với hoạt động giáo dục theo yêu cầu của chuyến đi.

Trong đó, kết hợp giáo dục thực tế cho các bộ môn, giáo dục kĩ năng, tập huấn cán bộ Đoàn, cán bộ lớp, góp phần tạo mối quan hệ gắn bó, đoàn kết giữa các thành viên trong trường; các trường phải xây dựng kế hoạch vào đầu năm học, trước chuyến đi ít nhất 1 tháng phải lên kế hoạch cụ thể và gửi kế hoạch (trong đó có các phương án bảo đảm an toàn cho học sinh) về Sở GD-ĐT trước khi đi 7 ngày...

Kinh nghiệm hướng dẫn dã ngoại học sinh an toàn

Không chỉ thường xuyên tổ chức các hoạt động, vui chơi cùng bạn đọc tuổi học trò, hè năm nào, báo Mực Tím cũng tổ chức Trại hè Mực Tím với số lượng hàng trăm bạn tham gia rất vui và cực kì an toàn. Chính vì thế, các phóng viên ở đây rất có kinh nghiệm tổ chức các chuyến đi dã ngoại tập thể để chia sẻ cùng các thầy cô, phụ huynh cũng như nhắn các bạn phải đảm bảo an toàn cho mình khi đi du lịch nhất là khi dịp Tết được nghỉ dài ngày.

Vui chơi thỏa thích trại hè Mực Tím. (Ảnh: Ngọc Châu)
Vui chơi thỏa thích trại hè Mực Tím. (Ảnh: Ngọc Châu)

1/ Lưu ý chọn địa điểm:

Học sinh vốn rất hiếu động, hay nghịch dại, một số ý thức tổ chức kỷ luật kém, thiếu kinh nghiệm xử lí tình huống cộng với tâm lí chủ quan, cho nên nguy cơ tai nạn xảy ra vẫn rất lớn.

Để đề phòng tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, các trường nên lựa chọn các địa điểm tham quan có khoảng cách vừa phải, giao thông thuận tiện, địa hình bằng phẳng, không nên đưa học sinh đến các khu vực tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như sông hồ, hẻm núi, vách đá...

2/ Đi tiền trạm trước

Trước khi tiến hành đưa đoàn đi, các trường phải cử đoàn tiền trạm trước. Các phương án bảo đảm an toàn giao thông, tổ chức sơ cứu, cấp cứu phải được trang bị sẵn sàng…

3/ Không được buông lỏng học trò một li

Huy động tối đa lực lượng giáo viên, cán bộ nhà trường, phụ huynh học sinh tham gia để trông coi các em. Phối hợp ban đại diện cha mẹ học sinh và giáo viên chủ nhiệm lớp nắm hoạt động của học sinh, chú ý quản lí các nhóm học sinh nhỏ lẻ khi vui chơi dễ bị lạc đường hoặc bị kẻ xấu dụ dỗ…

4/ Phối hợp khu du lịch thật kĩ

Nhà trường phối hợp đơn vị quản lí các điểm đến để có sự chuẩn bị chu đáo, tích cực trong việc tạo điều kiện cho các em vui chơi, học tập, đồng thời luôn sát sao nhắc nhở, lưu ý các em.

Trong lúc chơi đùa, các học sinh phải biết giữ gìn môi trường, không leo trèo trên tường, lên cột dễ té ngã chấn thương, không xông vào khu vực cấm, không lao vào vùng cỏ cây rậm rạp kẻo sẽ bị rắn cắn.

Khi đốt lửa trại, cũng phải chú ý phòng chống cháy.
 
Nên chọn một khu đất trống, không có nhều cây cỏ để nhóm lửa. Cuối cùng các bạn phải dập lửa thật kĩ, không để tàn lửa sót lại.  
 
Các bạn học sinh tại trại hè Mực Tím. (Ảnh: Ngọc Châu)
Các bạn học sinh tại trại hè Mực Tím. (Ảnh: Ngọc Châu)

5/ Thường xuyên nhắc nhở giáo dục ý thức học sinh

Nhưng quan trọng nhất là phải giáo dục ý thức kỉ luật cho học sinh, trang bị cho các  bạn những kiến thức và cách xử lí các tai nạn thường gặp như: tai nạn giao thông, đuối nước, ngộ độc thực phẩm... để các bạn biết tự bảo vệ, phòng tránh thương tích cho chính mình và cho các bạn.

Trước khi lên xe quay về trường, phải kiểm tra đoàn đã đủ chưa, kiểm tra lại đồ đạc còn sót thứ gì không. Nếu học sinh quên đồ thì nhớ báo với thầy cô cũng không nên tự tiện đi tìm một mình.

Theo Hiếu Nghĩa
Mực Tím