Làm sao để kỳ nghỉ hè của con không là nỗi lo của bố mẹ?

(Dân trí) - Mới cuối tháng 5 mà nhiều phụ huynh đã bắt đầu nỗi lo: con nghỉ hè bố mẹ phải làm sao?

Tôi biết không phải bố mẹ nào lo chạy tìm lớp học hè cho con cũng vì muốn con học trước chương trình để vào năm học có điểm 9, 10 mà là vì để con ở nhà một mình thì không yên tâm. Con được nghỉ hè nhưng bố mẹ không được nghỉ hè. Nếu để con ở nhà một mình, bố mẹ không quản được, con suốt này xem tivi, lướt Facebook hoặc trốn đi chơi đâu đó thì bố mẹ phải làm sao?

Không phải gia đình nào cũng có ông bà ở quê để gửi con về quê chơi cho biết cây cỏ, đồng ruộng, trâu bò ra sao, thả diều, câu cá, bắt dế thế nào. Mà về quê chắc gì đã an toàn? Có vùng quê lại có nhiều ao hồ, trẻ em dễ có nguy cơ bị đuối nước. Thực tế, hè nào cũng có những em học sinh trốn gia đình đi tắm sông, tắm hồ bị chết đuối nên bố mẹ nào cũng lo sợ. Vậy nên, đối với những gia đình nào không gửi con về quê được thì đành phải tìm lớp nào đó để gửi con, học là phụ còn quản lý con là chính.

Tôi có chút may mắn là không được nghỉ hè nhưng thời gian làm việc không quá gò bó và có nhiều công việc có thể làm ở nhà, trao đổi qua mail. Con gái học lớp 2 vừa thi học kỳ II xong là tôi tranh thủ đưa bé đi làm thẻ thư viện ở phòng đọc thiếu nhi của Thư viện tỉnh. Tiền phí đọc sách cho cả 1 năm rẻ đến bất ngờ: chỉ có 10.000 đồng. Phòng đọc có rất nhiều sách, báo mới, giấy đẹp, in màu bắt mắt. Bàn ghế trong phòng cũng phù hợp với tâm lý trẻ em, thảm nhà êm nên nhiều bé cứ ngồi ra sàn đọc chứ không thèm lên ghế. Phòng còn có điều hòa mát rượi.

Bé nhà tôi sau buổi đầu đến đọc về thích quá cứ đòi đi tiếp. Tôi còn rủ một bé trai ở gần nhà, học cùng lớp con làm thẻ thư viện với lời hứa: khi nào bé nhà tôi đi thì sẽ chở bạn đó đi cùng. Cu cậu sau buổi đầu được đến thư viện về cười tít mắt, kể chuyện ở nhà mẹ con không cho đọc truyện, giờ đến thư viện đọc xả láng luôn!

Mỗi tuần, tôi tranh thủ chở hai đứa nhỏ đến thư viện 2 lần, mỗi lần khoảng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng. Trong khoảng thời gian đó, tôi mang máy tính ngồi ở tiệm cà phê ngay dưới sân thư viện để làm việc vì nhà hơi xa, nếu quay về thì mất nhiều thời gian. Vậy mà có lần trên đường chở 2 đứa về, con gái phụng phịu: đang đọc đến đoạn hay thì mẹ phá đám, bắt về!

Gần nhà tôi có một hồ bơi mới mở, giá vé khá rẻ nên mỗi tuần, tôi giao nhiệm vụ cho chồng đưa con đi bơi 1 lần. Vì chồng tôi đi làm về muộn nên thường đưa bé đi bơi lúc gần 5 giờ chiều, khi đó hồ bơi đã bớt người. Thỉnh thoảng vì chồng bận không đưa bé đi được, tôi dẫn bé đi và đứng trên bờ quan sát, chỉ đạo. Đôi lúc bé bắt bẻ: mẹ không biết bơi mà còn nói con!

Dù cố gắng cách mấy thì trong hơn hai tháng nghỉ hè của con, thời gian con phải ở nhà một mình cũng tương đối nhiều. Dù tôi đã mua sách bài tập để con tự làm khi mẹ vắng nhà nhưng vì không muốn gây áp lực cho con, tôi chỉ giao mỗi ngày 2 trang bài tập. Vì vậy, thời gian cháu xem hoạt hình là khá nhiều. Bố mẹ không ở nhà, con không đi học thêm, làm sao cấm con xem tivi được. Tôi thấy lo vì nhiều kênh hoạt hình của truyền hình cáp thỉnh thoảng lại có những bộ phim nội dung không phù hợp lắm nhưng chẳng còn cách nào tốt hơn.

Vậy đó, nỗi lo lắng mang tên “con được nghỉ hè” cứ mỗi tháng 5 về lại làm bố mẹ đau đầu. Làm sao để kỳ nghỉ hè của con là tháng năm rực rỡ có lẽ là câu hỏi khó đối với nhiều phụ huynh.

Lại Thị Ngọc Hạnh

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm