Lạ lùng quy định chống tiêu cực trong thi tốt nghiệp THPT 2013

(Dân trí) - Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2013 vừa ban hành đã gây nhiều tranh cãi xoay quanh điều 42a: “không được phát tán thông tin cho người khác dưới bất kỳ hình thức nào. Bằng chứng về việc vi phạm quy chế thi tốt nghiệp THPT phải nộp cho cơ quan có thẩm quyền”.

Điều 42a, Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2013 ghi rõ: Người cung cấp thông tin và bằng chứng về những cá nhân, tổ chức vi phạm quy chế thi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và chứng cứ đã cung cấp, không được lợi dụng việc đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi. Người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận (ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT trung ương hoặc ban chỉ đạo cấp tỉnh/TP); thanh tra giáo dục các cấp trong vòng bảy ngày kể từ ngày thi cuối cùng để xử lý; không được phát tán thông tin cho người khác dưới bất cứ hình thức nào.
 
Thí sinh quay bài trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 ở trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang)
Thí sinh quay bài trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 ở trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang).
 
Trao đổi với Dân trí, GS Hà Huy Bằng - Chủ tịch Trường THPT Đào Duy Từ (Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy Bộ đưa ra quy định mới này dựa trên cơ sở nào? Nếu đưa ra quy định như thế này thì phải dựa trên Luật tố cáo chứ không nên đưa ra quy định hẹp như vậy, hạn chế quyền của người tố cáo. Tôi từng làm chủ tịch Hội đồng thi đại học, chủ tịch hội đồng thi tốt nghiệp nên tôi thấy Bộ GD-ĐT quá dễ dãi trong việc cho thí sinh mang thiết bị vào phòng thi gây khó khăn cho cán bộ coi thi. Người đi thi thì nhiệm vụ chính là làm bài thi chứ không phải là nhiệm vụ chống tiêu cực”.

Cũng trao đổi với Dân trí, PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh bức xúc nói: “Tôi thấy quy định này vô lý, không đúng, mâu thuẫn vì cho phép học sinh mang quay phim vào phòng thi để chống tiêu cực một cách công khai và minh bạch nhưng lại phải nộp quay phim đó lên Hội đồng thi. Nếu người có tài liệu chống tiêu cực mà chỉ đưa cho lãnh đạo quản lý là hội đồng thi mà không đưa cho báo chí hay cơ quan chức năng khác thì chống tiêu cực làm gì vì việc xử lý tiêu cực đó sẽ bị chìm xuồng. Ví dụ như vụ Đồi Ngô, nếu không có clip phát tán trên mạng, báo chí vào cuộc thì Bộ GD-ĐT có biết không để xử lý. Còn nếu người chống tiêu cực vu khống thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Do vậy, quy định này sẽ “bóp nghẹt” người chống tiêu cực”.

Đồng quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng: “Việc Bộ GD-ĐT muốn có một kỳ thi nghiêm túc qua việc cho phép các thí sinh cũng như người dân có thể tự mình giám sát là quan điểm đúng. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT lại yêu cầu thắt chặt “đầu ra” thì lại là điều vô lý dù được lý giải là để hạn chế thông tin chưa chính xác và đảm bảo quy trình xử lý... Những thông tin chống tiêu cực nếu không cho công khai với báo chí thì ai sẽ là người giám sát việc thực thi và kết quả xử lý bao giờ mới được công bố”.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, Bộ GD-ĐT chưa lường hết khả năng với quy định này như giám thị không kiểm soát hết đâu là phương tiện được phép mang vào phòng thi để ghi âm, ghi hình mà không phát. Quan trọng hơn nữa là cách làm này không mang tính giáo dục cho học sinh. Việc ghi âm, ghi hình người khác sẽ dẫn đến khả năng không an toàn đối với người thực hiện vì phát sinh mâu thuẫn với thí sinh khác.
 
Bên cạnh đó, theo ông Lâm, dù với mục đích xây dựng kỳ thi nghiêm túc, nhưng việc cho thí sinh mang máy ghi âm, camera thu hình là cách làm tự phát, chưa dựa trên cơ sở khoa học. Thậm chí, nếu đứng ở vị trí nhà giáo thì điều này còn làm giảm giá trị nhân văn. Cách làm này không mang tính giáo dục, làm này sinh tính nhòm ngó, ghen ghét. Một điều nữa là việc ghi âm, ghi hình người khác sẽ dẫn đến khả năng không an toàn đối với người thực hiện vì phát sinh mâu thuẫn với thí sinh khác.
 

Trước đó, khi nói về vụ tiêu cực trong phòng thi ở Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) năm 2012 trên báo chí, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, việc học sinh quay video clip thì việc này chủ yếu là việc của người lớn. Bởi các cháu học sinh còn nhỏ tuổi, nghĩ chưa tới, nên dễ bị lôi kéo làm việc sai. Nếu theo quy chế về thi tốt nghiệp THPT, thì việc các cháu làm như vậy là vi phạm quy chế. Nhưng việc xử lý các cháu như thế nào cần phải cân nhắc theo hướng: Giúp các cháu nhận ra sai phạm, làm bài học và nhằm mục đích giúp các cháu trở thành người tốt.

Nói về các clip khác có nội dung tương tự được đăng trên mạng. Bộ trưởng cho rằng việc phát tán trên mạng nhiều video clip như vậy làm cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng gặp khó khăn, đồng thời ảnh hưởng không tốt tới nhận thức và suy nghĩ của người xem, nhất là các cháu học sinh còn nhỏ tuổi. Chúng ta không nên hướng sự quan tâm thái quá đến các video clip như thế này. Nếu nhận được các video clip tương tự, Bộ sẽ xem xét, xác minh và xử lý theo đúng quy định.

Hồng Hạnh