Kỹ sư Nông nghiệp 4.0… kì vọng lớn từ đào tạo chất lượng cao
(Dân trí) - Học viện Nông nghiệp Việt Nam nên chọn 1 số lĩnh vực trong nông nghiệp, tập trung phát triển đào tạo thành mũi nhọn, đi theo hướng hội nhập quốc tế công nghệ cao trong nông nghiệp. Sự thay đổi hướng đi mới này, hứa hẹn đào tạo những lứa kỹ sư nông nghiệp 4.0 thực sự ra đời.
Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thời kì 4.0” tổ chức chiều ngày 4/7 tại Học viện Nông nghiệp VN.
Đồng chủ trì hội thảo có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường.
Cần tạo hướng đi mới cho nguồn nhân lực 4.0
Theo Bộ trưởng Bộ NN &PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam đang tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, các hiệp định vừa tạo ra cơ hội mới nhưng cũng đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp, người sản xuất trong nước.
“Việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tăng năng suất ,chất lượng cao là hướng đi tất yếu, đảm bảo hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính vì thế, việc tạo ra một thế hệ nhân lực chất lượng, bắt kịp xu thế là vô cùng quan trọng”, Bộ trưởng Cường khẳng định.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Bộ trưởng Cường nhấn mạnh, việc chú trọng nâng cao trình độ cán bộ kĩ thuật, quản trị, chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, daỵ nghề là bước đi tiền đề. Đồng thời, đổi mới phương pháp đào tạo nghề, tập trung đào tạo năng lực thực hành những kĩ thuật cốt lõi và các kĩ năng mềm để thích nghi và phát huy môi trường công nghệ hiện đại.
Cùng với đó, Bộ trưởng Cường mong rằng, ngành nông nghiệp nói chung và học viện Nông nghiệp nói riêng sẽ từng bước đưa công nghệ mới, đặc thù như công nghệ sinh học, công nghệ số, tự động hoá, cơ khí chính xác…vào các chương trình đào tạo dài hạn, theo hướng liên ngành, đa ngành nghề. Từ đó, phối hợp chặt chẽ công tác đào tạo, nghiên cứu và khuyến nông năng suất cao, mamg lại hiệu quả kinh tế mạnh như Ấn Độ, Trung Quốc...
Kì vọng lớn vào lứa kỹ sư nông nghiệp 4.0
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra câu hỏi, chúng ta cần xác định nguồn nhân lực đáp ứng nông nghiệp chất lượng cao là nguồn nhân lực gì?
Theo Bộ trưởng Nhạ, hiện nay, 3 nhóm đối tượng cần quan tâm là kỹ sư, nhà quản lý, nhà khoa học, đây là các nhóm đối tượng chưa được xem trọng trong các trường đại học, học viện hiện nay.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Ngoài ra, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, tầm quan trọng của công nghệ thông tin và ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, quyết định sự sống còn đối với nhân lực thời kì mới này. Phải gắn việc học ngoại ngữ với chương trình học, chứ không phải chỉ để giao tiếp là đủ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo
Bộ trưởng Nhạ lưu ý, từ việc xác định 3 nhóm đối tượng này, các trường đại học, học viện nên xác định chương trình đào tạo công nghệ 4.0 gắn với nhà tuyển dụng lao động.
Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường chọn những chương trình theo công nghệ tiên tiến của nước ngoài để nhập khẩu, phù hợp, phát huy hết khả năng sẵn có của trường. Đặc biệt, các trường đại học, học viện cần dành thời gian nghiên cứu, phát triển chương trình, chú ý khảo sát thực tiễn để xây dựng, đổi mới các mo-dun giảng dạy và hướng nghiên cứu mới hơn nữa.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang chủ trương mở ngành phù hợp với nhu cầu của thị trường, đáp ứng được thay đổi của công nghệ, nắm bắt được cơ hội việc làm cao nhất cho người học
Bộ trưởng đã gợi ý, Học viện Nông Nghiệp nên tìm hiểu, khảo sát xu hướng của các ngành nghề, công nghệ trong nông nghiệp; Làm việc cụ thể với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, lắng nghe nhu cầu tuyển dụng cần tuyển sinh viên trình độ đến đâu, kĩ năng gì.
Đồng thời, chọn 1 số lĩnh vực trong nông nghiệp, tập trung phát triển đào tạo thành mũi nhọn, đi theo hướng hội nhập quốc tế công nghệ cao trong nông nghiệp hơn là đào tạo giàn trải. Sự thay đổi hướng đi mới này, hứa hẹn đào tạo những lứa kỹ sư nông nghiệp 4.0 thực sự ra đời.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến tham luận tập trung chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm về đào tạo nguồn nhân lực có thể sử dụng ngay khi ra trường. Qua đó, góp phần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp thành công tại các trường đại học.
Bên cạnh đó, đại diện các cơ quan quản lí chia sẻ các định hướng, chính sách đào tạo, thu hút sinh viên vào học các ngành nông nghiệp cao, gắn đào tạo, nghiên cứu khoa học với các hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sử dụng lao động.
Hà Cường