Kỹ năng giao tiếp và hợp tác là yếu tố quan trọng nhất của người lao động
(Dân trí) - Theo khảo sát trên gần 2.628 doanh nghiệp, yếu tố quan trọng nhất trong cuộc CMCN 4.0 đến từ kỹ năng giao tiếp và hợp tác của người lao động.
CMCN 4.0 và đại dịch Covid-19 tác động lớn đến thị trường lao động
Theo TS Ngô Quỳnh An, Phó trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực tại ĐH Kinh tế quốc dân, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và đại dịch Covid-19 đã và đang có tác động lớn đến thị trường lao động hiện nay.
Theo đó, với sự tác động của công nghệ thông tin, công nghệ số, những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại mà thay thế được bằng tự động hóa và trí thông minh nhân tạo có thể bị mất đi. Trong khi đó, những ngành nghề vẫn đòi hỏi trí tuệ của con người, đòi hỏi những cảm xúc của người với người, giao tiếp giữa người với người sẽ vẫn duy trì, thậm chí phát triển hơn.
"Ví dụ, những công việc mang tính chất phức tạp, đòi hỏi sự linh hoạt, máy móc không thể thay thế như công việc quản lý sẽ tiếp tục phát triển. Hay công việc điều dưỡng, chăm sóc vẫn sẽ duy trì vì máy móc không thay thế được hoàn toàn. Trong khi đó, những nghề như thu vé ở đường cao tốc, thanh toán trong siêu thị,… có thể bị thay thế bởi máy móc, nhu cầu nhân lực sẽ giảm xuống", TS An phân tích.
Về tác động của Covid-19, TS An cho rằng đại dịch xảy ra là "thời điểm cuối cùng" để chúng ta thấy rằng không thể trì hoãn việc chuyển đổi số. "Khi Covid-19 xảy ra, việc chuyển đổi số trở thành bắt buộc, dù làm đêm ngày cũng phải thực hiện ngay. Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số và chấp nhận những cách thức làm việc mới, ví dụ như làm việc từ xa", TS nói.
Người lao động cần kỹ năng nào để đáp ứng nhu cầu thị trường?
Theo khảo sát của TS Trần Quang Tuyến cùng nhóm nghiên cứu Kinh tế, Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội trên gần 2.628 doanh nghiệp, yếu tố quan trọng nhất trong thích ứng trước cuộc CMCN 4.0 đến từ kỹ năng giao tiếp và hợp tác của người lao động (59% sự đồng thuận).
Tiếp theo đó, các kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản (45% đồng thuận) chiếm vị trí quan trọng hơn các kỹ năng về lập trình (28% đồng thuận) hay phân tích dữ liệu (chỉ 4% đồng thuận).
Sau khi đảm bảo được các điều kiện tiên quyết/cơ bản trong công việc, các kỹ năng về lập trình (28%) và khả năng sử dụng thích ứng với công nghệ mới (25%) là mối quan tâm tiếp theo.
Sự sẵn sàng học hỏi của người lao động (16%) là ưu tiên nhằm đảm bảo được sự phát triển không ngừng và liên tục của doanh nghiệp trước sự biến động nhanh chóng của cuộc CMCN 4.0. Kỹ năng và kiến thức về an toàn số (6%), khả năng phân tích dữ liệu (4%), sự linh hoạt thích ứng trong bối cảnh mới (2%) là ba mối quan tâm sau đó của doanh nghiệp trước nhu cầu cải thiện lực lượng lao động.
Từ các nhu cầu của doanh nghiệp, kết hợp phân tích cụ thể bối cảnh Việt Nam, nhóm nghiên cứu tiến hành nhận định mức độ phát triển và sự ưu tiên của từng kỹ năng cá nhân trong giai đoạn tới.
Dưới đây là bảng tổng hợp của nhóm nghiên về cứu về các đánh giá năng lực của lực lượng lao động Việt Nam trước cuộc CMCN 4.0 và mức độ ưu tiên của từng kỹ năng.
Theo nhóm nghiên cứu, kỹ năng giao tiếp và hợp tác của lực lượng lao động Việt Nam được đồng thuận bởi nhiều học giả về biểu hiện yếu kém của chúng. Trong khi đó, đây được xem như một trong những nền tảng quan trọng để phát triển nguồn lực lao động bền vững, sẽ quyết định đến khả năng kết nối tri thức và thông tin trong cuộc CMCN 4.0. Do đó, nâng cao kỹ năng giao tiếp và hợp tác trong công việc được xếp vào ưu tiên số một.
CMCN 4.0 cũng đòi hỏi khả năng sáng tạo và thích ứng không ngừng. Các sản phẩm theo định hướng dịch vụ hóa đòi hỏi chất lượng nâng cấp không ngừng với giá thành rẻ hơn. Do đó, kỹ năng sẵn sàng học hỏi, kỹ năng thích ứng sáng tạo và kỹ năng tổng hợp liên ngành được nhấn mạnh như các ưu tiên số 2, 3 và 4 trong tập hợp các kỹ năng cần chú trọng trước cuộc CMCN 4.0.
Kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp và hình thành tư duy số một cách có hệ thống là ưu tiên tiếp theo trong phát trình phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động. Bên cạnh đó, thực tế, tại nhiều quốc gia phát triển, kỹ năng phân tích dữ liệu, kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin trong thời đại số và kỹ năng lập trình có thể được ưu tiên hơn hết.
"Với một thái độ thận trọng, chúng tôi đánh giá phát triển nguồn nhân lực 4.0 xem như một "trận đánh trường kỳ" mà vai trò của Nhà nước giai đoạn đầu là người dẫn dắt và chủ đạo. Sự kết hợp với khu vực tư nhân và khuyến khích sự tham gia (minh bạch thông tin) của khu vực này được xem là chìa khóa phát triển lâu dài", nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
TS Ngô Quỳnh An nhận định, trong bối cảnh CMCN 4.0, sau đại dịch Covid-19 và bối cảnh thế giới hội nhập sâu rộng như hiện nay, cần nhìn nhận rằng bất kỳ vấn đề nào xảy ra, ở bất kỳ địa điểm, thời điểm nào trên thế giới đều có thể gây ra một cuộc khủng hoảng không thể lường trước hậu quả.
Yêu cầu đặt ra với người lao động là phải ứng phó, quản lý được với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ thông tin và ứng phó, quản lý được với những rủi ro không biết trước, có thể gây ra hậu quả về kinh tế toàn cầu cũng như các vấn đề tâm lý, xã hội với từng cá nhân. Để đạt được các mục tiêu trên, người lao động cần rất nhiều kỹ năng, trong đó có 2 kỹ năng quan trọng.
Thứ nhất là kỹ năng học hỏi, tự học. "Chúng ta đến trường, đến lớp hay tham gia một khóa đào tạo nào đó cũng đều có hạn định, chỉ trong thời gian rất ngắn. Thế nhưng, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh như hiện nay, khủng hoảng có thể xảy ra bất kể lúc nào thì học trên trường lớp là chưa đủ, người lao động bắt buộc phải tự học những kiến thức cần thiết. Đây là kỹ năng quyết định tất cả kỹ năng khác", TS An nhấn mạnh.
Cũng theo TS, khi đã có kỹ năng tự học tốt, người lao động sẽ biết mình cần học gì, học ở đâu, học như thế nào để phát triển bản thân.
Thứ hai là kỹ năng hợp tác và liên kết. TS Ngô Quỳnh An nêu quan điểm, trong bối cảnh hiện nay, làm việc một mình sẽ gặp nhiều khó khăn. Thay vào đó, cần hợp tác thành một đội nhóm, liên kết với những đối tác khác nhau ở những ngành nghề khác nhau.
Sự hiểu biết của người lao động cũng đòi hỏi phải linh hoạt. "Tôi cho rằng thời điểm này, chúng ta không còn phân chia một cách rất rạch ròi giữa nghề này với nghề kia nữa. Những người có hiểu biết rộng và liên kết được giữa các ngành nghề khác nhau sẽ rất có lợi thế. Ví dụ, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, người nào biết về công nghệ tài chính đang có lợi thế, bởi hiện nay mọi mặt đều liên quan tới kỹ thuật số, công nghệ; trong khi chúng ta hiện rất thiếu những chuyên gia như trên", TS An nói.
Phó trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực của ĐH Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, để đảm nhận tốt một công việc trong thời đại hiện nay, người lao động cần hiểu biết rất nhiều kiến thức, không đơn giản là biết những kỹ năng riêng biệt trong một nghề nghiệp nhất định.
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
TS Ngô Quỳnh An đề xuất 2 giải pháp chính hỗ trợ người lao động đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay. Theo bà, truyền thông phải là giải pháp đi đầu, sau đó đến thiết kế các chương trình đào tạo.
Với riêng vấn đề đào tạo, TS An nhấn mạnh, thông qua tất cả môn học, cần đào tạo bằng được cho sinh viên, học sinh kỹ năng và khả năng tự học hỏi; khả năng hợp tác liên kết như đã nói. Hiện nay, nhiều trường đại học, trong đó có ĐH Kinh tế quốc dân đã theo định hướng đào tạo như trên.
"Ví dụ ở ĐH Kinh tế quốc dân chúng tôi thường đào tạo cho sinh viên ngoài nền tảng kinh tế còn là hiểu biết về quản lý, quản trị rất rộng, kể cả về môi trường, con người, về xã hội, tâm lý,… Trước đây, người ta quan niệm quản lý kinh tế chỉ cần hiểu biết về kinh tế. Nhưng rõ ràng dù là quản lý kinh tế hay ngành nào đi chăng nữa, chúng ta cũng phải làm việc với con người, phục vụ đối tượng là con người. Nếu không hiểu về con người, không hiểu về xã hội thì khó làm việc được", TS An cho hay.
Chuyên gia này nêu quan điểm, các kiến thức nhà trường cung cấp cần đa dạng, có tính liên kết với nhau; tăng cường những hoạt động, nội dung đào tạo về hiểu biết về xã hội, con người, tâm lý,… Nghiên cứu trong lĩnh vực quản trị nhân lực, TS An nhận thấy người tuyển dụng hiện rất muốn tuyển những sinh viên, những người lao động không chỉ có trí thông minh mà có cả chỉ số cảm xúc, lòng trắc ẩn,...
"Trước khi trở thành người tài, bạn phải là người có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, biết yêu thương mọi người. Đó những điều người sử dụng lao động rất cần. Họ cũng cần những người lao động biết chủ động học hỏi, chủ động hợp tác, liên kết với nhau để hoàn thành nhiệm vụ, thay vì người thụ động. Thực tế, những sinh viên hoạt động Đoàn, các hội nhóm năng nổ trong môi trường đại học rất dễ xin việc vì đã có kỳ năng xã hội tốt", TS An nói.
TS Trần Quang Tuyến cùng nhóm nghiên cứu Kinh tế, trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực thích ứng với cách mạng 4.0.
Theo đó, cần đảm bảo năng lực tài chính cấp quốc gia trong xây dựng hệ thống đầu tư và phát triển nguồn nhân lực dài hạn. Ở đó, yêu cầu trong liên kết được các khoản đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực trong khu vực tư nhân chiếm vị trí quan trọng.
Ngoài ra, cần đảm bảo năng lực của lực lượng lao động quốc gia. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, muốn thích ứng và phát triển các kỹ năng, kiến thức và năng lực tự phát triển trước cách mạng 4.0, nền tảng giáo dục là đặc biệt quan trọng. Do sự chủ động thích ứng của người dân trong học hỏi và phát triển sáng tạo chịu nhiều sự ảnh hưởng bởi các chuẩn mực xã hội, hệ thống giáo dục cơ bản cần đáp ứng được các kiến thức tối thiểu trong tư duy sáng tạo và kỹ năng chuyển đổi số.
Nâng cao kỹ năng chuyên môn của người lao động có trọng tâm, bài bản và lộ trình phù hợp cũng là giải pháp rất quan trọng. Theo nhóm nghiên cứu, thực tế, chất lượng lực lượng lao động Việt Nam thậm chí chưa thể đáp ứng được đầy đủ với nhu cầu lao động của các cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 trước đó. Cụ thể, khả năng giao tiếp và hợp tác ở mức thấp, kỹ năng phân tích dữ liệu, ra quyết định và khả năng sẵn sàng học hỏi ở mức trung bình so với khu vực là rào cản đáng kể.
Do đó, trước khi hướng đến các kỹ năng chuyên sâu thích ứng với một số nhiệm vụ cụ thể của cách mạng 4.0, nguồn lao động Việt Nam cần được trang bị vững chắc các kiến thức có tính căn bản.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đề cập đến các giải pháp khác như cần có tiêu chí cụ thể cho hiệu suất của một dự án đầu tư nâng cao chất lượng người lao động trong CMCN 4.0 ứng với quy mô đầu tư; khuyến khích sự vận hành của cơ chế thị trường, sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân trong đào tạo lao động và đầu tư phát triển nguồn nhân lực; đảm bảo năng lực công nghiệp quốc gia;…