Kỳ lạ học sinh làm bài thi bằng cách… nhắm tịt mắt và ngửi
(Dân trí) - Khác với những kỳ thi thông thường, ở kỳ thi này, học sinh trải nghiệm bóng tối bằng cách nhắm mắt và ngửi để lấy dữ liệu, cảm nhận khi làm bài.
Điều đặc biệt này diễn ra tại kỳ thi "Văn hay chữ tốt" lần thứ 25 năm học 2024-2025 của Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức với hơn 150 học sinh THCS tham gia.
Trước khi bắt tay vào làm bài thi, các thí sinh sẽ có những hoạt động trải nghiệm cùng với các em học sinh Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu - trường học dành cho trẻ em mù và đa dị tật.
Sau khi thưởng thức các tiết mục ca múa do chính các em học sinh đặc biệt biểu diễn, các thí sinh bước vào hành trình trải nghiệm thế giới của người khiếm thị.
Các thí sinh sẽ cùng nhắm mắt, xếp hàng đi vào lớp, học cách viết và cách đọc chữ nổi. Ở đây, các giáo viên chia sẻ với các thí sinh về tình trạng sức khỏe, đặc điểm, tính cách và hoàn cảnh của các em học sinh chuyên biệt.
Ở lớp 1/A1/1 (ký hiệu của lớp dành cho học sinh đa dị tật), cô giáo phụ trách Phạm Thị Thúy Hằng cho biết, ngoài khiếm thính, các em trong lớp bị nhiều dị tật khác như bại não, chậm phát triển, hở hàm ếch… nên việc chăm sóc và dạy dỗ các em rất khó khăn.
Cô Hằng kể về hoàn cảnh của bé gái khiếm thị, hở hàm ếch ngồi ở góc bàn có bố cũng bị hở hàm ếch, sinh ra hai đứa con đều hở hàm ếch… Người bố bán bắp nướng, hôm bán được hôm không.
Hay cậu học trò khác bị rối loạn giấc ngủ, cứ 4h sáng em mới ngủ…
"Không chỉ đặt mình vào các em khuyết tật, các bạn hãy thử hình dung nếu mình là bố mẹ, là người chăm sóc các em sẽ như thế nào?", cô Hằng đặt ra câu hỏi cho các thí sinh.
Hoạt động tác động mạnh đến các thí sinh là trải nghiệm nhắm mắt cảm nhận thế giới người khiếm thị. Các em học sinh nhắm mắt, đưa tay sờ, đưa lên mũi ngửi các đồ dùng để gọi tên…
Từng bước, từng bước đặt chân vào thế giới bóng tối, nhiều thí sinh chảy nước mắt khi cảm nhận được phần nào khó khăn, thiệt thòi của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Qua đó, các em còn phát hiện ra những điều khác lạ với ngày thường khi nhìn mọi thứ bằng giác quan khác ngoài đôi mắt.
"Khi nhắm mắt trải nghiệm, một túi quà được đặt vào tay em. Em bất ngờ lắm vì bình thường khi ngửi những bông hoa em không cảm nhận được mùi hương ở đó và tự hỏi vì sao người ta có thể chiết xuất nước hoa.
Tuy nhiên, lần trải nghiệm này, khi nhắm mắt lại, em cảm nhận rõ mùi hương của bông hồng trong tay mình", thí sinh Lê Nhật Vy, lớp 7, Trường đào tạo Việt Mỹ chia sẻ.
Ngay sau buổi trải nghiệm, các thí sinh bước vào bài thi viết 45 phút quanh chủ đề về "ánh sáng từ trái tim", "cảm nhận cuộc sống không chỉ từ đôi mắt", "tôi muốn nắm tay bạn", "trải nghiệm hôm nay và "Tôi" của tương lai"…
Theo ban tổ chức cuộc thi, giới trẻ hiện nay chủ yếu cảm nhận cuộc sống qua thị giác, qua thế giới đầy màu sắc, qua hình ảnh long lanh trên các thiết bị công nghệ mà thiếu sự cảm nhận thông qua các giác quan khác. Điều này có thể làm hạn chế phần nào về thế giới tâm hồn của các bạn.
Trong khi cuộc sống, ngoài ánh nhìn, có rất nhiều điều để mỗi người có thể cảm nhận sâu sắc từ bên trong bằng trái tim và bằng nhiều giác quan khác.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, đây là hoạt động thực tế giúp thí sinh có những trải nghiệm sâu sắc hơn về cuộc sống, về thế giới của các bạn học sinh khiếm thị.
Qua đó, các em có thể thực hiện bài thi của mình với nhiều thông điệp hay và có thể mang đến cho học trò thêm những cảm nhận nhân văn, sâu sắc về cuộc sống.