GS Nguyễn Văn Hiệu - Nhà vật lý tiên phong, sáng tạo:
Kỳ cuối: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Bằng phát minh và Giải thưởng Lênin
(Dân trí) - “Cuốn sách của nhà bác học Việt Nam nổi tiếng Nguyễn Văn Hiệu có ích cho tất cả các nhà vật lý lý thuyết và thực nghiệm mới bắt đầu nghiên cứu, và cho tất cả những ai muốn làm quen với lý thuyết đối xứng của các hạt cơ bản."
Nghiên cứu hạt cơ bản và giải thưởng Hồ Chí Minh
Sau khi Nguyễn Văn Hiệu bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ khoa học Toán - Lý, Viện Dubna quyết định thành lập một la-bô mới và giao cho anh phụ trách, nhằm nghiên cứu lý thuyết đối xứng cao.
"Chúng tôi thu được nhiều kết quả mới rất lý thú - GS Nguyễn Văn Hiệu kể. Viện Dubna đề nghị tôi soạn một loạt bài giảng để thuyết trình cho các nhà thực nghiệm về lý thuyết mới này. Các bài giảng đó về sau được viết lại thành sách, xuất bản ở Matxcơva. Đến năm 1968, sáu nhà vật lý Liên Xô và Việt Nam do tôi hướng dẫn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Tôi được bầu làm giáo sư vật lý lý thuyết và vật lý toán." Năm ấy, anh Hiệu 30 tuổi.
Cuốn Những bài giảng về lý thuyết đối xứng Unita viết bằng tiếng Nga, do Nhà xuất bản Nguyên tử ở Matxcơva in năm 1967, với Lời giới thiệu của VS Bogolyubov, nhà bác học nổi tiếng thế giới, có đoạn viết:
"Do được áp dụng vào nghiên cứu hạt cơ bản, lý thuyết đối xứng phát triển mạnh. Tất cả các nhà vật lý năng lượng cao không thể không biết đến thành tựu đó. Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn thiếu những sách chuyên khảo trình bày một cách có hệ thống các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực quan trọng này của lý thuyết hạt cơ bản.
Cuốn sách của nhà bác học Việt Nam nổi tiếng Nguyễn Văn Hiệu, người đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của lý thuyết đối xứng, lấp vào chỗ trống ấy. Cuốn sách được viết ở trình độ lý thuyết cao.
Không nghi ngờ gì nữa, nó có ích cho tất cả các nhà vật lý lý thuyết và thực nghiệm mới bắt đầu nghiên cứu, và cho tất cả những ai muốn làm quen với lý thuyết đối xứng của các hạt cơ bản."
Hai thập niên sau, năm 1996, Nhà nước Việt Nam tặng GS Nguyễn Văn Hiệu Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về cụm công trình: "Các nghiên cứu về hạt cơ bản (tính đối xứng, cấu tạo và tương tác của các hạt cơ bản và các chuẩn hạt trong chất rắn) 1960-1965". Đó là cụm công trình anh Hiệu hoàn thành trong những năm 22 - 27 tuổi.
Khám phá một định luật vật lý mới
Vốn là Giám đốc Phòng Vật lý lý thuyết của Viện Dubna, GS. Logunov được cất nhắc lên làm Viện trưởng một viện lớn, mới thành lập: Viện Vật lý năng lượng cao tại Serpukhov.
Theo lời mời của Logunov, mỗi tháng anh Hiệu đến làm việc ở Serpukhov một tuần.
Logunov hết sức bận rộn chỉ đạo việc xây dựng cỗ máy gia tốc khổng lồ. Ông thường chỉ gặp anh Hiệu lúc nghỉ trưa, ăn tối.
Ngay từ năm 1966, Logunov và Nguyễn Văn Hiệu đã nảy ra ý tưởng: Trong quá trình va chạm của các hạt ở vùng năng lượng cao, thường sinh ra nhiều hạt. Đó là quá trình cực kỳ phức tạp, khó xây dựng lý thuyết cũng như tiến hành đo đạc thực nghiệm, bởi vì không thể quan sát đặc trưng vật lý của từng hạt riêng rẽ. Chắc chắn phải có những đại lượng vật lý rất đơn giản đặc trưng một cách tổng thể cho quá trình phức tạp loại này, tuân theo những định luật chính xác có thể suy ra bằng lý luận từ những nguyên lý cơ bản nhất của vật lý học.
Tham gia nhóm nghiên cứu Logunov - Nguyễn Văn Hiệu, có nhiều tiến sĩ khoa học trẻ đầy tài năng như: M. A. Mestvirishvili, Yu. D. Prokoskin, S. P. Denisov.
Tháng 10/1967, nhóm công bố những kết quả nghiên cứu lý thuyết đầu tiên về vấn đề này và đã tiên đoán: Định luật bất biến kích thước các quá trình sinh hạt.
Bằng phát minh và giải thưởng Lênin
Tháng 11/1967, cỗ máy gia tốc mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, 76 tỷ điện tử vôn, được khánh thành ở Serpukhov. Cỗ máy dài 1,5 km, gần bằng con đường nhựa vòng quanh Hồ Gươm (Hà Nội). Trong lòng cỗ máy, rộng như đường xe điện ngầm, các chùm hạt được gia tốc tới mức xấp xỉ vận tốc ánh sáng (gần 300 nghìn km/s) - một vận tốc "khủng khiếp" mà "lương tri" khó tưởng tượng nổi!
Yu. D. Prokoskin đặt ngay thí nghiệm trên máy gia tốc để kiểm chứng tiên đoán lý thuyết của Logunov - Nguyễn Văn Hiệu. Các kết quả đo được rất phù hợp. Logunov liền thông báo ngay thành công đó tại một cuộc hội nghị vật lý năng lượng cao ở Heidelberg (Đức).
Mùa xuân 1968, theo đề nghị của Logunov, Nguyễn Văn Hiệu thay mặt cho cả nhóm, sang Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) ở Geneva, báo cáo về phát minh của nhóm mình và đề nghị các đồng nghiệp tại trung tâm này kiểm chứng.
Năm 1970, tại Hội nghị Quốc tế Vật lý năng lượng cao ở Kiev (Ukraine), Nguyễn Văn Hiệu được Liên Xô (cũ) mời trình bày bản báo cáo tổng quan. Anh khéo léo dành một phần bản báo cáo chung đó để giới thiệu khám phá mới của nhóm mình.
Năm 1974, Hội nghị Quốc tế Vật lý năng lượng cao ở London (Anh). Lúc bấy giờ, hầu như tất cả các phòng thí nghiệm về vật lý năng lượng cao ở Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Italy, Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, CHLB Đức... đều đã kiểm chứng tính chính xác của định luật vật lý mới do nhóm Logunov - Nguyễn Văn Hiệu phát minh.
Sau hai năm 1979-1981, hỏi ý kiến rộng khắp các chuyên gia nhiều nước, Uỷ ban Nhà nước Liên Xô về Sáng chế và Phát minh mới cấp Bằng Phát minh số 228 cho nhóm Logunov - Nguyễn Văn Hiệu.
Chào mừng thành công đó, GS. Trần Đại Nghĩa, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, cho biết: "Trong số hàng triệu công trình khoa học và kỹ thuật đã được công bố ở Liên Xô cho tới năm 1981, mới có hơn 10 nghìn công trình được đề nghị cấp bằng, nhưng chỉ có 228 công trình được Nhà nước Liên Xô chính thức công nhận và cấp bằng phát minh!"
Năm năm sau, ngày 22/4/1986, Nhà nước Liên Xô tặng Giải thưởng Lênin cho phát minh của GS Nguyễn Văn Hiệu và các công sự ở Serpukhov. Là một đồng tác giả chính của phát minh đó, nhưng GS Logunov không chia sẻ Giải thưởng Lênin lần ấy bởi vì, trước đó, ông đã được tặng Giải thưởng Lênin do công lao lãnh đạo việc xây dựng cỗ máy gia tốc ở Serpukhov.
Đến Pohang, tìm gặp Chủ tịch APCTP
Tháng 8/2007, là một nhà báo khoa học, tôi được mời sang Daegu (Hàn Quốc), dự Hội nghị Quốc tế về Tương tác lepton-photon ở vùng năng lượng cao.
Cũng như nhiều từ ngữ tiếng Việt, nhiều từ ngữ tiếng Hàn bắt nguồn từ chữ Hán. Daegu đọc theo âm Hán- Việt là Đại Khâu (đồi cao). Ba phần tư đất đai Hàn Quốc là đồi núi. Thành phố Daegu nằm giữa một thung lũng rộng, bốn bề bao quanh núi biếc, hơi giống thành phố Điện Biên Phủ bên ta, nhưng hiện đại hơn và sang hơn! Bởi lẽ GDP bình quân đầu người của "đất nước kim chi" hiện đã là 24.500 USD, cao gấp khoảng 25 lần nước ta. Trên đường phố Daegu, tôi gần như chỉ thấy xe ô-tô con, xe tắc-xi, xe buýt. Trong lòng đất là xe điện ngầm...
Biết tôi vừa từ Hà Nội tới, GS. Dongchul Son, Chủ tịch Ban Tổ chức quốc gia, cũng như GS. Guinyun Kim, Thư ký khoa học của Hội nghị, liền niềm nở hỏi thăm GS. Nguyễn Văn Hiệu. Giới vật lý Hàn Quốc nhiều người biết ông. Bởi vì ông hiện giữ chức Chủ tịch Trung tâm Vật lý lý thuyết châu á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Center for Theoretical Physics/ APCTP) thành lập năm 1997, đặt trụ sở tại Pohang (theo âm Hán - Việt là Phố Hạng, có nghĩa cửa sông).
Từ Daegu, tôi ghé sang Pohang, xem cỗ máy gia tốc thẳng do Hàn Quốc tự chế tạo và tìm gặp GS. Hiệu. Nhưng không gặp được, do ông quá bận, chủ trì Hội nghị khoa học kỷ niệm 10 năm ngày thành lập APCTP.
Với mong muốn tìm hiểu sâu về GS. Hiệu cũng như về giới vật lý và toán học nước ta, trong những chuyến ra nước ngoài, tôi thường cố gắng thu xếp đến thăm những nơi họ từng làm việc như: Dubna, Maxcơva, Geneva, Trieste, Paris, London, Oxford, Fermilab, Stanford, Berkeley, Seoul và bây giờ là Pohang.
Châu Á - Thái Bình Dương là một vùng mênh mông, bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Australia... Chủ tịch đầu tiên của APCTP là GS Dương Chấn Ninh, đoạt Giải thưởng Nobel về vật lý năm 1957, khi ông mới 35 tuổi. Nửa thế kỷ trước, Nguyễn Văn Hiệu từng bị công trình của Lý Chính Đạo, Dương Chấn Ninh và Ngô Kiện Hùng về Sự không bảo toàn tính chẵn lẻ trong tương tác yếu mê hoặc biết chừng nào! Năm ấy, anh Hiệu mới 20 tuổi. (Mặc dù, về sau, anh nghiên cứu nhiều hơn về tương tác mạnh). Sau GS. Dương Chấn Ninh, gần đây, GS. Nguyễn Văn Hiệu được bầu làm Chủ tịch APCTP.
Đã vượt ngưỡng "cổ lai hy", tóc bạc phơ, thế mà con người ấy vẫn hăm hở dấn bước về phía chân trời vật lý...
Hàm Châu