1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

GS Nguyễn Văn Hiệu - Nhà vật lý tiên phong, sáng tạo:

Kỳ III: Đứng ở đường biên của tri thức vật lý

(Dân trí) - Anh mạnh dạn đến gõ cửa phòng giám đốc la-bô! Một thoáng bực mình vì không được báo trước, nhưng rồi Logunov bình tĩnh lại. Ông ngạc nhiên xem kỹ các tính toán của anh. Tất cả các cộng sự của ông chưa ai kịp tính xong!

Cuộc "sát hạch" đầu tiên

- Anh có ý định nghiên cứu về tương tác yếu, và muốn được tôi hướng dẫn viết luận án tiến sĩ?, GS M.A.Markov hỏi Nguyễn Văn Hiệu. - Vậy anh đã đọc cuốn Hyperon và K-meson của tôi chưa?

- Thưa giáo sư, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Nhưng, thú thật, có một số chỗ không sao hiểu rõ!

- Không hiểu rõ là... phải thôi! Bởi vì, những đề tài nghiên cứu về neutrino rất gần với thực nghiệm, có nội dung vật lý sinh động, nhiều chi tiết tinh vi, đòi hỏi phải có những hiểu biết rất cụ thể, chi li, không thể viết hết ra sách, mà một phần quan trọng chỉ có thể trực tiếp "truyền nghề"...

- Tôi sang đây mong được giáo sư chỉ dạy.

Đúng vậy, một bậc võ sư, đại hiệp làm sao có thể chỉ qua viết sách mà truyền thụ được hết các "ngón nghề", "kiếm pháp tuyệt chiêu" cho đám môn sinh, đệ tử.

Sau khi hỏi thêm anh Hiệu về những cuốn sách vật lý khác mà anh đã từng đọc kỹ, GS M.A.Markov, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, đưa cho anh một bài preprint (công trình đang chờ in tạp chí, có thể dịch là tiền ấn phẩm) mà ông vừa nhận được, để anh nghiền ngẫm rồi, sau đó thuyết trình trong xê-mi-na do ông phụ trách. Đấy là một công trình mới của Lý Chính Đạo và Dương Chấn Ninh nhằm giải quyết vấn đề hạt meson trung gian truyền tương tác của neutrino. GS Markov yêu cầu anh lặp lại các tính toán và thử lại một số công thức hơi lạ, để hiểu rõ cơ chế xuất hiện các công thức ấy.

Sau mấy tháng đọc rất kỹ công trình, tra cứu, suy nghĩ để hiểu thật cặn kẽ, anh Hiệu đã thuyết trình trong xê-mi-na, gãy gọn, chính xác, sáng tỏ.

Rất may, ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ hai, anh đã chịu khó học tiếng Nga, sau đó, lại không ngừng học tiếp trong suốt bốn năm giảng dạy đại học tại Hà Nội, cho nên mặc dù mới "chân ướt chân ráo" tới Dubna, anh đã có thể nói chuyện thoải mái bằng tiếng Nga.

Sau khi nghe anh Hiệu thuyết trình, GS Markov tin cậy giao cho anh đề tài nghiên cứu. Năm ấy, anh 22 tuổi.

Không được phép bỏ lỡ thời cơ!

Khác với các vấn đề về vật lý neutrino của GS Markov với nội dung vật lý cụ thể, gắn liền với thực nghiệm, đòi hỏi phải có trực giác nhạy bén, các vấn đề nghiên cứu của VS N.N.Bogolyubov và GS A.A.Logunov thì lại đòi hỏi phải có năng lực trừu tượng hoá cao, áp dụng những công cụ toán học hiện đại nhất. Để dùng vào đề tài nghiên cứu vật lý của mình, VS Bogolyubov đã phải giải quyết hàng loạt vấn đề toán học mới, tìm ra nhiều định lý toán học mang tên ông.

Ở Dubna, được tham gia những cuộc tranh luận hết sức sôi nổi, với sự có mặt của nhiều nhà bác học Liên Xô và nước ngoài đến đây thuyết trình tại các xê-mi-na, anh Hiệu mới nhận ra rằng hướng nghiên cứu lý thuyết giải tích về tán xạ của VS Bogolyubov chính là hướng có triển vọng nhất, nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản nhất, cốt lõi nhất và khó khăn nhất của vật lý năng lượng cao. Chỉ tại Dubna, giữa một tập thể khoa học mạnh và không khí khoa học luôn sôi động, anh mới có điều kiện bắt đầu nghiên cứu các vấn đề đó. Nếu không bắt đầu ngay trong thời gian làm việc tại Dubna thì, sau này trở về nước, sẽ chẳng bao giờ còn có thể bắt đầu được nữa!

"Không được phép bỏ lỡ thời cơ!" - Nghĩ vậy, anh đến dự tất cả các buổi xê-mi-na của nhóm Logunov.

Ngoài việc hoàn thành các đề tài do GS Markov giao cho về tương tác yếu, anh dành thời gian đọc thêm các tài liệu mới về giải tích. Lúc đầu công việc tiến triển chậm, bởi vì tài liệu nào cũng rất khó, đọc đi đọc lại mãi, vẫn không sao hiểu được thấu đáo! Trong khi đó các công trình mới từ khắp nơi trên thế giới vẫn cứ tới tấp gửi về Dubna!

Nguyễn Văn Hiệu làm việc chẳng kể ngày đêm. Nhiều hôm, khi anh rời phòng thí nghiệm bước ra đường phố thì các cửa hàng ăn đã tắt đèn. Đành lững thững trở về phòng riêng của mình, ăn qua quýt dăm lát bánh mì phết bơ - món bơ anh vẫn đặt sẵn ngoài bậu cửa sổ mùa đông Nga nhìn ra cánh rừng thông thưa sáng, thay cho để trong tủ lạnh. Một mình ngồi uống tách trà đen pha đường nóng hổi, rồi anh khẽ khàng lên giường ngủ.

Không hề vắng mặt tại các buổi xê-mi-na của GS Logunov, anh chăm chú lắng nghe từng ý kiến, thích thú theo dõi các cuộc tranh luận nảy lửa.

Một lần, anh nghe GS Logunov nói với các cộng sự trẻ rằng ông cần dùng phương trình tái chuẩn hoá - do ông và Bogolyubov đề ra - để tính dạng tiệm cận trong biên độ tán xạ của điện động lực học lượng tử. Nắm bắt ý tưởng đó, trở về phòng làm việc của mình, anh Hiệu liền lấy giấy bút ra tính toán ngay. Vài hôm sau, anh mạnh dạn đến gõ cửa phòng giám đốc la-bô! Một thoáng bực mình vì không được báo trước, nhưng rồi Logunov bình tĩnh lại. Ông ngạc nhiên xem kỹ các tính toán của anh. Tất cả các cộng sự của ông chưa ai kịp tính xong!

Kết quả tính toán của Nguyễn Văn Hiệu phù hợp với tiên đoán của Logunov. Ông rất mừng và, từ hôm ấy có thiện cảm đặc biệt với anh. Ông tin cậy giao ngay cho anh một loạt công việc khác. Nguyễn Văn Hiệu bắt đầu trở thành đồng tác giả với Logunov trong hàng loạt công trình nổi tiếng. Sau này, khi đã được bầu làm Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Hiệu trưởng Đại học Lomonosov, GS A.A.Logunov xuất bản tuyển tập mà trong đó có nhiều công trình do Nguyễn Văn Hiệu là đồng tác giả.

Tính đến đầu năm 1963, nghiên cứu các tính chất của biên độ tán xạ ở vùng năng lượng cao, Nguyễn Văn Hiệu đã tìm ra hàng loạt định lý tiệm cận mới. Cũng đến thời điểm ấy, anh đã công bố 12 công trình về vật lý neutrino. Logunov gợi ý anh nên bỏ hẳn ra vài tuần, ngồi viết lại các kết quả đó cho mạch lạc, thành một bản luận án tiến sĩ, bảo vệ cho xong đi, để rồi, sau đó, không còn phải bận tâm nữa.

Tháng 3 năm 1963, Nguyễn Văn Hiệu bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về vật lý neutrino, khi anh mới hơn 24 tuổi.

Không nghỉ một ngày, ngay sau khi bảo vệ "dứt điểm" luận án về tương tác yếu, Nguyễn Văn Hiệu dồn tất cả tinh lực và thời gian vào việc nghiên cứu các định lý tiệm cận với GS Logunov, chuyển hẳn sang một lĩnh vực mới và thế là, như lời thơ của Antokolsky, "tiến đến một giới hạn khác/ và lại đảo ngược các thế cờ"!

Tháng 7 năm 1963, anh được Viện Dubna cử đi dự Hội nghị Quốc tế Vật lý Hạt cơ bản tại Sienna để bảo vệ các định lý tiệm cận mà anh và Logunov vừa tìm ra. Đây là một thành phố cổ ở miền bắc Italy với nhiều ngôi nhà thờ xây bằng hoa cương, cẩm thạch. Rất may, trong mấy năm ở Dubna, anh luôn dành ra mỗi tuần vài buổi tối để tự học tiếng Anh, cho nên khi cần đi dự hội nghị quốc tế, thì vốn liếng tiếng Anh cũng tạm đủ dùng.

Sau khi nghe Nguyễn Văn Hiệu thuyết trình, GS Léon Van Hove, một nhà bác học lớn, Viện sĩ nhiều Viện Hàn lâm, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu, liền tới gặp riêng để trao đổi ý kiến với anh. Ít lâu sau, trong một bài giảng tại Trường mùa hè của Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế ở Trieste (Italy), ông ca ngợi những kết quả của nhóm Logunov - Nguyễn Văn Hiệu.

Tình bạn Nguyễn Văn Hiệu - Trần Thanh Vân

Cũng tại Sienna, lần đầu tiên Nguyễn Văn Hiệu gặp Trần Thanh Vân, lúc bấy giờ mới 26 tuổi (hơn anh Hiệu một tuổi), vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia về cấu trúc neutron tại Đại học Sư phạm Paris danh tiếng, nơi Hoàng Xuân Hãn, Phạm Duy Khiêm, Trần Đức Thảo, Lê Văn Thiêm đã từng theo học.

Tình bạn từ "thuở hàn vi" giữa hai nhà vật lý mang dòng máu Việt, nhiều thập niên sau, đã dẫn đến việc tổ chức thành công sáu lần Gặp gỡ Việt Nam về Vật lý Hạt và Vật lý Thiên văn tại Hà Nội và TPHCM, thu hút các nhà vật lý thuộc hơn 40 quốc tịch đến dự, kể cả một số nhà bác học đoạt Giải thưởng Nobel.

Trường Vật lý Việt Nam Mùa đông (với ba đồng giám đốc là GS Patrick Aurenche, GS Nguyễn Ái Việt, TS Nguyễn Anh Kỳ cùng sự cộng tác thường xuyên của GS Nguyễn Văn Liễn, PGS Nguyễn Mộng Giao) cũng được mở đều đặn hằng năm kể từ dạo ấy, lôi cuốn nhiều sinh viên cao học và nghiên cứu sinh không chỉ của Việt Nam, mà còn của Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước châu Á khác đến Huế, Nha Trang, Quy Nhơn, Vũng Tàu...

Sau Hội nghị Sienna năm 1963, Léon Van Hove nhiều lần mời Nguyễn Văn Hiệu sang làm việc với ông ở Geneva. Năm 1983, ông cũng là người nhiệt tình ủng hộ anh tham gia Uỷ ban Quốc tế Phát triển Máy gia tốc.

Nguyễn Văn Hiệu tiếp tục đứng ở đường biên tri thức vật lý của nhân loại văn minh, nơi giáp ranh giữa cái đã biết và cái chưa từng biết.

Hàm Châu
(còn nữa)

Dòng sự kiện: GS Nguyễn Văn Hiệu