KTX sinh viên: Khó mà “chen chân”!

(Dân trí) - Chỉ có từ 10-20% sinh viên tìm được chỗ ở trong KTX trong số khoảng 220.000 sinh viên đỗ đại học của cả nước. Điều này cũng có nghĩa, khoảng 200.000 sinh viên đang chật vật với chuyện ăn ở mỗi mùa nhập học…

Đối tượng ưu tiên cũng phải… xét

Theo khảo sát của Dân trí, chỗ ở trong KTX của các trường hằng năm hầu như không tăng lên, ngược lại nhiều trường buộc phải cắt giảm bớt diện tích để phục vụ cho giảng dạy, đào tạo. Tỷ lệ chỗ ở đối ngược với lượng sinh viên có nhu cầu nên các trường đều áp dụng chính sách ưu tiên.

Theo phân loại, sinh viên được ưu tiên bố trí chỗ ở xếp thứ tự từ 01 đến 06. Sau khi bố trí hết cho các đối tượng trên, mới xét đến những sinh viên khác. Tuy nhiên, rất hiếm trường hợp nằm ngoài khung ưu tiên được xét, thậm chí nhiều sinh viên thuộc đối tượng 05, 06 vẫn phải thuê trọ vì KTX đã kín chỗ.

Ông Nguyễn Công Thanh, Trưởng Ban quản lý KTX ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, năm 2008 trường chỉ có thể dành 381 chỗ ở cho tân sinh viên, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh khóa 2008 là 2.540 sinh viên.

“Các sinh viên được bố trí chỗ ở hầu hết thuộc diện ưu tiên con liệt sỹ, mồ côi, con thương bệnh binh, sinh viên dân tộc ít người. Sau đó mới xét đến sinh viên đạt giải quốc tế, quốc gia, sinh viên thủ khoa, lớp tài năng”, ông Thanh nói. Theo đó, ĐH Sư phạm có 212 suất dành cho sinh viên diện 01-06, 95 suất dành cho sinh viên dự bị dân tộc, 46 SV đạt giải quốc gia, quốc tế và 30 SV thủ khoa, SV khuyết tật.

“Nhu cầu của sinh viên vào ở KTX rất lớn, gấp đến 4, 5 lần so với khả năng của chúng tôi. Dù nhiều em hoàn cảnh hết sức tội nghiệp nhưng không thuộc diện ưu tiên nên chúng tôi cũng đành phải gạt ra”, ông Thanh cho hay.

Tương tự, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chỉ dành được 1.500 chỗ ở trong KTX trên tổng số 5.000 chỉ tiêu tuyển mới. Đây được xem là trường có số lượng chỗ ở KTX cao nhất nước, với khoảng 6.000 chỗ. Tuy vậy, cũng chỉ đáp ứng chừng 28% nhu cầu.

Ông Dương Đức Hồng, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết: “Hơn 70% sinh viên trường phải tự tìm phòng trọ bên ngoài. Dù chúng tôi cố gắng hết sức nhưng không thể kham nổi, bởi người học tăng nhưng đất ở không tăng”.

Ông Phan Đức Mãi, Giám đốc KTX ĐH Bách khoa TPHCM cũng chia sẻ: “KTX chỉ đáp ứng được 600 chỗ ở cho tân sinh viên khóa 2008, nhưng đơn đăng ký đã gấp 3-4 lần, vì vậy chỉ có thể ưu tiên cho các sinh viên diện từ 01-06 mà thôi”.

Riêng ĐH Huế, khả năng đáp ứng chỗ ở trong KTX năm nay tụt xuống đáng kể, chỉ khoảng 500 chỗ (tương đương 7%) trên tổng số chỉ tiêu tuyển sinh hơn 6.500 em. “Các đối tượng ưu tiên từ 01-04 may ra mới có chỗ, chứ từ 05-06 cũng phải xếp hàng chờ”, ông Bùi Khắc Hiền, Giám đốc Trung tâm phục vụ sinh viên ĐH Huế khẳng định.

Rẻ nhưng… buồn 

Nhu cầu vào ở KTX của sinh viên cao, đơn giản vì mức chi phí thấp hơn so với thuê phòng trọ bên ngoài từ 3-4 lần. Trưởng BQL KTX ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, giá trung bình mỗi chỗ ở chỉ từ 55.000 - 70.000 đồng/tháng, bao gồm cả 12,5 số điện và 4m3 nước. Sinh viên nào dùng vượt quá thì mới phải trả thêm.

Khảo sát mức phí tại các KTX khác cũng dao động từ 70.000-100.000 đồng/tháng, khá rẻ và thuận lợi cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Thêm nữa, suất cơm ở đây cũng thấp hơn bên ngoài rất nhiều, chỉ từ 5.000 - 7.000 đồng, trong khi ăn ngoài các bạn phải chi từ 10.000 - 15.000 đồng mới đủ no.

Tuy nhiên, cũng đồng cảnh với chi phí rẻ thì đời sống của các sinh viên KTX khá tẻ nhạt, thậm chí là buồn. Nguyễn Minh Hương, SV năm 2 ĐH Sư phạm Huế cho biết: “Hơn 500 sinh viên trong KTX chỉ được xem chung 1 chiếc tivi, đọc chung vài đầu sách báo ở phòng sinh hoạt cộng đồng. Khuôn viên KTX khá chật chội, không gian giải trí, sinh hoạt thể thao nghèo nàn nên lúc nào cũng thấy buồn”.

Bạn Nguyễn Thị Vân Anh, SV năm thứ 3 ĐH Sư phạm Hà Nội cũng nhận xét: “Mỗi năm KTX mới có vài lần tổ chức giao lưu văn nghệ, hoặc giải bóng đá, bóng chuyền cho sinh viên có cơ hội thể hiện tài năng. Những ngày bình thường thì khá tẻ nhạt, sinh viên chẳng biết chơi đâu, giải trí cái gì”. Ông Nguyễn Công Thanh thông báo một tin vui: “Năm 2008, chúng tôi đã mua 96 tivi cho 96 phòng của KTX nhằm xóa mù thông tin cho sinh viên. Tuy nhiên, thực tế sân chơi cho sinh viên vẫn đang là bài toán khó trong quỹ đất đai quá hạn hẹp của nhà trường”.

Đặc biệt, nhiều KTX đã được xây dựng quá lâu nên ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Chúng tôi đã có dịp khảo sát KTX 4 tầng thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Nội. Nhìn bề ngoài có vẻ khang trang nhưng vào bên trong thì phòng ốc hết sức nhếch nhác, lại không có công trình vệ sinh khép kín. Cả dãy KTX không hề có sân chơi cho sinh viên, muốn xem tivi thì phải đến căng tin nên rất bất tiện. Không gian KTX nơi đây lại rất hỗn tạp bởi án ngữ phía trước là chung cư dân sinh cũng xuống cấp không kém.

Có 2 vấn đề nan giải cho sinh viên hiện nay: Thứ nhất, các trường đại học trong quá trình phát triển chưa trú trọng đúng mức trong việc xây dựng KTX nên thiếu chỗ ở trầm trọng cho sinh viên. Thứ hai, những trường có KTX thì không lưu tâm lắm đến đời sống giải trí tinh thần cho sinh viên. Nói như ông Bùi Khắc Hiền, Giám đốc Trung tâm Phục vụ sinh viên ĐH Huế, thì, chúng ta vẫn xem xây dựng KTX như xây nhà tình thương, xây cho người nghèo. Vì vậy mà đa số sinh viên vẫn phải dành phần lớn thời gian, tiền bạc loay hoay xoay tìm chỗ ăn ở.

Sông Lam