Kinh nghiệm quốc tế trong dạy nhạc cụ cho học sinh : Người thầy là nguồn truyền cảm hứng
(Dân trí) - Đưa nhạc cụ vào các tiết học âm nhạc; sử dụng phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm, giảng viên như một người bạn khơi gợi động lực, cảm xúc hứng khởi học tập cho các em, từ bỏ sự kiểm soát, áp đặt… chính là kinh nghiệm giảng dạy được giáo sư người Nhật Masafumi Ogawa truyền tải trong hội thảo "Tiếp cận kinh nghiệm quốc tế trong dạy học nhạc cụ ở nhà trường phổ thông" do trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW tổ chức ngày 21/3 tại Hà Nội.
Đầu tư đưa nhạc cụ vào chương trình giảng dạy
Tham dự chương trình có lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng nhiều giảng viên, sinh viên của trường.
Tại chương trình, Giáo sư - tiến sĩ Masafumi Ogawa, Trường Đại học quốc gia Yokohama, Nhật Bản đã có bài tham luận về lợi ích của việc học nhạc cụ trong chương trình giảng dạy trường học: từ Tiểu học đến Trung học.
Nhạc cụ được giới thiệu vào chương trình giảng dạy âm nhạc hơn 100 năm trước, được thực hành rộng rãi trong và ngoài chương trình giảng dạy trường học. Người ta tin rằng loại nhạc cụ đầu tiên xuất hiện là bộ gỡ (trống, lục lạc…), tiếp theo là nhạc cụ có giai điệu (dây, sáo…).
Nhấn mạnh lợi ích của việc đưa nhạc cụ vào giảng dạy ở trường, giáo sư người Nhật khẳng định: “Sự phong phú và đa dạng trong âm nhạc về tôn giáo, lãnh thổ, phương thức thể hiện mang đến những trải nghiệm thú vị, sâu sắc hơn các thể loại khác.
Âm nhạc giúp tạo sự hào hứng trong học tập cho trẻ và phát triển kỹ năng ca hát thông qua sự phối hợp. Việc hòa tấu giúp rèn luyện tính hợp tác, phối hợp, tôn trọng lẫn nhau và nâng cao bản sắc tập thể.
Đặc biệt, nhạc cụ giúp phát triển não bộ và tư duy. Những nghiên cứu về não bộ gần đây đã chứng minh rằng việc chơi nhạc cụ có thể tiếp thêm “sinh lực” cho não bộ, kích thích và “làm mới” não bộ. Chơi nhạc cụ giúp kích hoạt mọi bộ phận của não, từ đó tăng cường sức khỏa của người chơi”.
Vị giáo sư người Nhật giới thiệu kết quả khảo sát tại Indonesia, các giảng viên đồng tình rằng thái độ, trình độ, động lực của học sinh được cải thiện rõ rệt qua các buổi học với nhạc cụ.
Việc đưa nhạc cụ vào giảng dạy giúp học sinh có thái độ học tích cực hơn, tính kỷ luật cao hơn, tự giác hơn, cảm thụ âm nhạc tốt hơn, yêu thích tiết học và vui vẻ hơn.
“Nhạc cụ rất cần thiết trong chương trình giảng dạy âm nhạc học đường từ cả hai khía cạnh giáo dục và âm nhạc. Việc đưa nhạc cụ vào giảng dạy và đào tạo giáo viên chuyên môn là điều thiết yếu, cần phải đầu tư”, ông Masafumi Ogawa chia sẻ kinh nghiệm.
Từ bỏ phương pháp “giảng dạy một chiều”
Cùng với công cụ giảng dạy, một điều không thể bỏ qua trong việc nâng cao chất lượng dạy – học chính là một phương pháp đúng. Theo Giáo sư Masafumi Ogawa, có 2 phương pháp giảng dạy âm nhạc điển hình: Giáo viên làm trung tâm và Học sinh làm trung tâm.
Đối với phương pháp đầu tiên, giáo viên là người hướng dẫn chính tất cả các nội dung. Học sinh chưa có kiến thức tổng thể sẽ lắng nghe từ giáo viên. Giáo viên là người truyền tải duy nhất và học sinh phải nghe theo , đây là trường hợp “giảng dạy một chiều”.
Với phương pháp học sinh làm trung tâm, học sinh và giáo viên cùng nhau học tập. Giáo viên tạo động lực cho học sinh, học sinh tiếp nhận thông tin và hiểu theo trải nghiệm của riêng họ. Học sinh và giáo viên cùng làm việc nhóm với nhau.
Giáo sư tại trường Đại học Quốc gia Yokohama nhấn mạnh, điều vô cùng quan trọng trong việc giảng dạy âm nhạc là một người thầy biết khơi gợi sức sáng tạo của người học. Đó là một giảng viên luôn tạo môi trường thân thiện, thoải mái; luôn làm mẫu một cách chuẩn xác và thật hay; luôn tạo cơ hội để học sinh thể hiện bản thân qua các hoạt động; luôn khen ngợi và đưa ra những nhận xét tích cực ngay cả khi học sinh đang chơi.
Giảng viên quan sát cư xử, hành động của học sinh và đừng bao giờ tạo khoảng cách. Tìm ra những thay đổi trong cách biểu diễn của học sinh và tránh tạo khoảng cách. Tất cả học sinh đều bình đẳng và như nhau.
Giáo sư người Nhật khuyến khích các giảng viên âm nhạc biết tạo thời gian để học sinh có thể thể hiện bản thân giữa các hoạt động. "Quan sát sự thay đổi trong cách cư xử của sinh viên, quan tâm đến sự thay đổi trong cách biểu diễn của họ và đừng ngừng quan sát.
Người thầy nên tìm hiểu những động lực của họ qua từng hoạt động trong lớp. Đồng thời, nâng cao khả năng trình diễn của sinh viên qua các kỹ năng làm việc nhóm, lãnh đạo nhóm", ông Masafumi Ogawa chia sẻ.
Bên cạnh đó, giảng viên cũng cần hạn chế/ tránh so sánh về kỹ năng, kiến thức âm nhạc và khả năng tiếp thu giữa các học sinh với nhau.
“Đừng nói với học sinh mục tiêu cũng như cách thức đạt được mục tiêu của bài học. Đừng dành quá nhiều thời gian để giải quyết một thắc mắc hoặc vấn đề quá nhỏ. Đừng cố gắng kiểm soát học sinh theo hình thức kỷ luật, hãy kiểm soát bằng âm nhạc..
Nếu làm học sinh mất tinh thần, gây nên sự phân biệt đối xử với học sinh qua việc so sánh kỹ năng, bắt phạt học sinh trước lớp theo cách quá nghiêm khắc, giáo viên sẽ làm thui chột niềm vui, hứng khởi, tinh thần học tập của các em”, vị giáo sư Nhật lưu ý thêm.
Mục tiêu quan trọng nhất của tiết học âm nhạc trong trường học là giúp học sinh thích thú cùng âm nhạc, qua trải nghiệm, giúp họ sống trong môi trường âm nhạc và mang lại tiếng cười bằng âm nhạc.
Không chỉ giới thiệu cách làm hay, phương pháp tốt, giáo sư Ogawa đã giảng mẫu cho giảng viên, sinh viên trường Đại học Sư phạm nghệ thuật TW một tiết dạy và học thực sự truyền cảm hứng. Ở đó, sinh viên là chủ thể sáng tạo, một lớp học tương tác, giàu hứng khởi và nhiều tiếng cười.
Cũng tại chương trình, chuyên viên người Nhật Otake đã giới thiệu về sáo Recorder là một nhạc cụ phổ biến của giáo dục bằng nhạc cụ trong môn học âm nhạc và cách lựa chọn một cây sáo chất lượng.
Thông qua các tiết dạy mẫu, các giảng viên, sinh viên nghệ thuật tham dự chương trình được tiếp cận kinh nghiệm quốc tế với phương pháp giảng dạy âm nhạc tốt và truyền cảm hứng cho học sinh.
Lệ Thu