Kinh nghiệm làm bài thi tuyển sinh đại học khối A

Để bước vào phòng thi tốt, cần phải có quá trình chuẩn bị thật tốt. Dưới đây là một số gợi ý mà bạn đọc có thể tham khảo.

* Đối với môn toán:

 

Trước khi làm bài cần phải tìm miền xác định của những hàm số đã cho và đặt điều kiện để phương trình (hay bất phương trình) đã cho có nghĩa. Khi giải xong, nhớ chọn vài giá trị đặc biệt để thử lại sự chính xác của kết quả.

 

Trong những bài toán có tham số, khi đặt ẩn phụ thì điều đầu tiên là cần phải xác định chính xác giá trị của ẩn phụ. Nếu xác định sai miền giá trị của ẩn phụ thì câu đó chắc chắn là không điểm.

 

Trong 1 đề toán, thường có 1 câu rất khó, chỉ có 1 điểm. Đừng nên tập trung nhiều vào câu đó mà nên chăm chút 9 điểm còn lại cho trọn vẹn. 90% những bài toán thi đại học về đại số đều dẫn đến việc sử dụng kiến thức cơ bản của nhị thức bậc nhất và tam thức bậc hai. Do đó, cần phải nắm vững kiến thức về tam thức bậc hai.

 

Trong môn lý, thường có câu hỏi tìm cực trị của một đại lượng nào đó. Chúng ta thường dùng bất đẳng thức Cauchy hay đặt ẩn phụ để đưa về dạng 1 tam thức bậc 2. Theo kinh nghiệm, cho thấy rằng việc đặt ẩn phụ thường dẫn  đến 1 bài toán đơn giản hơn. Khi giải 2 cách khác nhau mà ra 2 đáp số khác nhau thì chắc chắn có ít nhất 1 đáp số là sai. Nếu lưỡng lự thì cứ giữ lại cả 2 cách giải, khi chấm giám khảo sẽ châm chước và chỉ chấm phần giải đúng, bỏ qua cho phần giải sai. 

 

* Đối với môn lý:

 

Liệt kê hết số liệu bài thi vào góc bên trái. Đổi ra hệ SI. Phải dẫn dắt khi làm bài: tất cả hình vẽ, lập luận chọn nghiệm đều viết hết  vào bài thi. Phân loại câu hỏi thuộc vấn đề nào: xuôi hay ngược ? Nội dung gì: tìm Uh hay Vmax ? Cực trị hay khảo sát?

 

Nếu là bài toán xuôi thì hãy kết nối các đại lượng liệt kê và đại lượng cần tìm sẽ giúp ta nhớ  đến các công thức đã học có chứa các đại lượng nầy. Sau đó phân loại công thức là có thể dùng trực tiếp  hay phải chứng minh. Nếu là bài toán ngược thì nhớ xem có bao nhiều cách  giải. Ví dụ: Giản đồ Fresnel hay giải các hệ thống phương trình; đạo hàm hay đưa về parabol.... rồi chọn cách quen thuộc nhất. Nhớ ghi  đơn vị cho mỗi đáp số.

 

Các qui tắc cụ thể của môn lý là :

 

Cơ học: loại viết phương trình dao động nên vẽ trục ox với chiều + theo đề bài. Các bài tập sóng cần xem chiều truyền sóng là chiều nào? Phương trình sóng khi  giao thoa và sóng dừng phải chứng minh bằng lượng giác .

 

Điện xoay chiều: đổi ra đơn vị SI rồi tính sẵn ZL, ZC, ....Gặp bài toán ngược phải nhớ qui ước dấu của AB = (uAB; i), các bài toán viết biểu thức u hoặc i cần biết u/i  = AB = pha uAB – pha i . Góc (u1, u2) có thể tìm bằng  hoặc giản đồ Fresnel. Các bài tập biến thế, chuyển tải điện năng chỉ là loại đơn giản dùng các công thức trong sách giáo khoa.

 

Quang hình: các bài toán ngược về thấu kính, kính lúp, kính hiển vi hay thiên văn cần vẽ mô hình  vào bài thi để  xác định vị trí vật, thấu kính, mắt từ đó lập phương trình nhanh và chính xác. Các công thức tính độ bội giác nên thuộc lòng; kính hiển vi và thiên  văn nên lấy 3 số lẻ (thập phân).

 

Quang vật lý: phải tính chính xác đáp số .Các công thức cần chứng minh nên dẫn dắt rõ ràng: Thí dụ: Tính bán kính R trong từ trường phải xuất phát từ lực Loren là lực hướng tâm. Bài tập về mẫu nguyên tử Bohr cần vẽ giản đồ năng lượng vào bài làm để xác định  đúng bước sóng  rồi áp dụng tiên đề  Bohr.

 

Vật lý hạt nhân: cần nhớ cấu tạo từng hạt nhân và chất đồng vị (vì sẽ không được phép sử dụng bản phân loại tuần hoàn). Bài tập phóng xạ có thể dùng ngay các công thức của định luật phân rã. Các bài tập phải lấy toàn bộ số lẻ mà đề bài đã cho, không được làm tròn số.

 

* Môn hoá học:

 

Để thấy được hướng giải quyết bài toán, thì các em nên tóm tắt, phân tích, tổng hợp các dữ kiện trên đề để vẽ sơ đồ lời giải rồi mới giải.

 

Khi giải cần trình bày thật gắn gọn hoặc có thể viết tắt các từ thông thường hay sử dụng để tiết kiệm thời gian và giảm sự mệt nhọc trong quá trình làm bài chẳng hạn tên gọi các định luật ta có thể viết tắt ( ĐLBTKL: Định luật bảo toàn khối lượng; ĐLBTĐ: Định luật bảo toàn điện tích ; ĐLTPKĐ: Định luật thành phần không đổi; …).

 

Khi viết phản ứng ta có thể không nên ghi là theo đề ta có phản ứng mà chỉ cần ghi: pứ; không nên dùng các từ chuyển ý dài dòng như:  mặt khác; mặt khác ta lại có,… mà ta chỉ cần ghi là: mà; do; nên; có; …

 

Khi vẽ bảng biện luận ta cũng không cần ghi vào bài  làm là ta có bảng biện luận mà chỉ cần vẽ bảng thôi là đủ;… tóm lại các từ chuyển ý hay các điều giải  thích  mang tính hiển nhiên thì  không tính điểm nên ta ghi thật ngắn hoặc không cần ghi cũng được!

 

Đối với các loại câu hỏi giáo khoa như nêu hiện tượng hoặc giải thích điều gì đó từ phản ứng. Nếu ta chưa thấy hướng trả lời, thì trước tiên ta viết phản ứng rồi cân bằng phản ứng sau đó nhận xét lại các phản ứng thì chắc chắn sẽ có hướng trả lời! 

 

Đối với những câu biện luận tìm chất, thì ta không nên chọn cách giải lý luận để dẫn đến kết luận ( vì các em không khéo lý luận) nên ta chỉ cần kết luận rồi sau đó giải thích bằng cách viết phản ứng (nếu có).

 

Vì các phản ứng trên bài giải thường là có điểm, do đó các em cố gắng ghi đầy đủ các phản ứng vào bài làm mặc dù không giải được câu hỏi đó. Cần nhớ phản ứng được điểm khi viết đúng và cân bằng chính xác, đồng thời phải ghi điều kiện phản ứng nếu có!

 

Phải giải hoàn chỉnh đến đáp số mới có điểm cao, dó đó không nên bỏ giữa chừng trừ khi không giải được tiếp!

 

Theo Tuổi Trẻ

Dòng sự kiện: Tư vấn thi các môn