Kinh nghiệm bỏ túi để chinh phục học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc
(Dân trí) - Học bổng toàn phần Chính phủ Hàn Quốc là ước mơ của rất nhiều bạn học sinh, bởi hàng năm chỉ có duy nhất 10 học sinh trên cả nước được chọn.
Các ứng viên nếu trang bị cho mình một chiến thuật, bí kíp tốt thì cơ hội hoàn toàn có thể đến.
Trần Ngọc Lý (sinh năm 2000, quê Nam Định) hiện đang là sinh viên năm thứ 2, chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, Đại học Namseoul đã xuất sắc khi là 1 trong 10 học sinh thi đỗ học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc.
Được biết Ngọc Lý chỉ là học sinh của một trường cấp 3 thường, nhưng nhờ sự nỗ lực cố gắng sau 10 tháng học Tiếng Hàn và đạt TOPIK cấp 5 trong kỳ thi năng lực tiếng Hàn, sau đó anh chàng đã chuẩn bị hồ sơ xin học bổng du học.
Tháng 9/2021, các bạn học sinh sẽ bắt đầu nộp đơn đăng ký để hiện thực hóa ước mơ được học bổng toàn phần Chính phủ Hàn Quốc. Để giúp các bạn học sinh nắm vững tâm lý, có thêm kinh nghiệm, Trần Ngọc Lý đã chia sẻ bí kíp có được học bổng này.
Tìm hiểu thật kỹ về trường học và chuyên ngành, chuẩn bị hồ sơ
Học bổng chính phủ sẽ được công bố vào tháng 8 hàng năm và ít có sự thay đổi. Vì vậy, để chuẩn bị hồ sơ của mình một cách hoàn thiện nhất, các bạn hãy dành thời gian tìm hiểu thật kỹ về điều kiện, các yêu cầu, thời gian nộp hồ sơ... của học bổng.
Học bổng này dành cho ai? Sinh viên quốc tế hay chỉ dành cho sinh viên của quốc gia đó? Nếu dành cho sinh viên quốc tế thì liệu có giới hạn quốc gia hay lãnh thổ hay không?
Bạn cần cung cấp thông tin, bằng cấp nào trong hồ sơ xin cấp học bổng du học này? Bằng cấp nào cần được dịch và công chứng? Công chứng ở đâu cũng được hay phải qua một cơ sở chỉ định?
Bạn phải có thư giới thiệu từ ai và như thế nào? Thời gian nộp học bổng như thế nào? Nộp qua email hay qua đường bưu điện hay cả hai?
Điều này nghe thì rất dễ, nhưng nếu làm không tốt bước này thì trong quá trình làm hồ sơ, các bạn sẽ có thể tốn rất nhiều thời gian và công sức để làm những thứ mà lẽ ra đã có thể chuẩn bị ngay từ ban đầu. Một ví dụ như trường đại học yêu cầu thư giới thiệu phải nộp bản cứng có chữ ký của người giới thiệu, nhưng nếu bạn không để ý chi tiết này đến sát ngày nộp hồ sơ mới nhận ra, thì bạn phải chuẩn bị lại từ đầu và hối thúc người đã giúp mình viết thư giới thiệu.
Cần viết những gì trong phần giới thiệu bản thân? Cần viết những gì trong kế hoạch học tập?
Nhắc đến học bổng thì không thể thiếu được 2 thứ này, hay mọi người thường gọi chung là essay. Thời gian viết luận vẫn luôn là thời gian thử thách khó khăn đối với rất nhiều bạn học sinh.
Personal Statement(PS) - Bài luận SP khuyến khích ứng viên chia sẻ về câu chuyện cá nhân, giúp hội đồng tuyển sinh nhìn thấy được tính cách, đam mê và ước mơ sự nghiệp của ứng viên. Bạn được yêu cầu viết trong 3 trang, nhưng sau khi đọc kha khá các bài luận xin học bổng trên mạng và theo lời khuyên mình nhận được thì 1 bài luận sẽ đẹp nhất khi nó ở khoảng 1.5-1.75 trang.
Chúng ta sẽ luôn muốn kể nhiều câu chuyện của bản thân để tạo ấn tượng trong mắt hội đồng, nhưng không phải lúc nào dài dòng cũng là tốt. Quan trọng nhất vẫn là bạn phải suy nghĩ thật kĩ về bản thân, xem điểm mạnh thật sự của mình là gì, và điểm gì mà bạn nghĩ sẽ khiến bạn khác biệt so với các đối thủ khác. Mình thấy cái quan trọng là bạn phải cho thấy được sự nỗ lực của bạn để vượt lên những hoàn cảnh ấy. Tiếp nữa một điều cũng phải chú ý ở trong bài luận là tất cả những gì bạn viết ra thì nên có bằng chứng cụ thể.
Những câu hỏi nào thường gặp và "bí kíp" khi phỏng vấn?
Giới thiệu bản thân
Tại sao bạn lại chọn Hàn Quốc là điểm đến du học mà không phải nước khác?
Tại sao bạn lại chọn trường này mà không chọn trường khác?
Bạn sẽ chọn ngành gì khi sang Hàn Quốc du học? tại sao chọn ngành đó?
Bạn đã có kinh nghiệm gì liên quan đến ngành bạn đã chọn chưa?
Bạn có kế hoạch gì sau khi tốt nghiệp? bạn có muốn định cư ở Hàn Quốc sau khi học xong hay không?
Quan điểm sống của bạn?
Hãy trả lời câu hỏi của bạn với sự tự tin, quyết tâm và rõ ràng. Quan trọng nhất là hãy cho họ thấy quyết tâm và mong muốn học tập và làm việc tại Hàn Quốc của bạn.
Lưu ý: Trong cuộc phỏng vấn, họ sẽ xem sơ yếu lý lịch của bạn và đặt câu hỏi về những gì bạn đã viết trên đó. Do đó, hãy chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi phỏng vấn. những câu hỏi, tình huống có thể xảy ra và tự trả lời trước để chủ động.
Lên kế hoạch dự phòng
Xin học bổng chưa bao giờ là việc dễ dàng. Ngoại trừ một số rất ít các bạn trẻ có hồ sơ siêu "khủng", nộp đâu cũng trúng thì đa số các ứng viên có hồ sơ tương đối giống nhau: điểm GPA tốt, 1-2 hoạt động ngoại khóa, tình nguyện, 1-2 vị trí thực tập hoặc tham gia CLB... Vậy làm sao để có thể làm nổi bật bản thân mình và thuyết phục ban hội đồng cấp cho mình học bổng toàn phần?
Chính vì vậy, hãy chuẩn bị cả kế hoạch dự phòng cho bản thân khi kế hoạch trước không thành. Kế hoạch có thể là học bổng bán phần cho một trường thấp hơn một chút. Kế hoạch có thể là một chương trình khác ở một trường đại học khác kém cạnh tranh hơn. Kế hoạch có thể là lùi lại 1 năm để làm "đẹp" thêm hồ sơ của mình, năm sau lại xin lại từ đầu.
"Quan trọng nhất là tư tưởng của bản thân: Xin học bổng thất bại là chuyện bình thường, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc mọi cơ hội cho mình đã hết. Có sức khỏe là có tất cả" - Trần Ngọc Lý nhấn mạnh.