Kiến nghị được xây trường học cao tầng ở TPHCM: Sở Xây dựng cảnh báo
(Dân trí) - Trong khi nhiều quận huyện kiến nghị nâng số tầng tại các công trình trường học để đảm bảo đủ số lượng phòng học thì đại diện Sở Xây dựng TPHCM đã đưa ra những cảnh báo về mức độ an toàn.
Nhiều khó khăn về chính sách, cơ chế
Tại Hội nghị thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) trên địa bàn trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2025 do UBND TPHCM tổ chức ngày 2/3, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - cho biết, tính đến tháng 12/2022, đã có 12 quận, huyện và TP Thủ Đức đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi); 10 đơn vị chưa đạt chỉ tiêu.
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 theo thực tế nhu cầu, toàn thành phố (TP) cần bổ sung 14.097 phòng học ở tất cả các cấp nhưng thực tế chỉ đưa vào sử dụng được 6.115 (đạt 43,38%) dẫn đến điều kiện đảm bảo chỗ học đáp ứng nhu cầu và đạt theo quy chuẩn luôn là áp lực lớn.
Đánh giá khả năng đầu tư tăng thêm phòng học từ nay đến năm 2025, lãnh đạo sở cho thấy tỷ lệ khá thấp, điển hình như quận 12 nhu cầu 1.600 phòng nhưng chỉ xây thêm được 312 phòng; huyện Hóc Môn cần 1.230 phòng nhưng chỉ xây thêm được 403 phòng… Ngoài ra, còn có huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức, quận Tân Phú, Bình Tân và Gò Vấp.
Là một trong những quận có áp lực rất lớn về trường lớp do tốc độ tăng dân số cơ học hằng năm tăng cao, nhiều trường tiểu học tại quận 12 có sĩ số trên 50 lớp/học sinh/lớp, thậm chí có lớp lên đến hơn 60 em.
Bà Võ Thị Chính - Phó Chủ tịch UBND quận 12 - cho biết, đến cuối 2022, toàn quận đạt tỷ lệ 235 phòng học/10.000 dân. Dự kiến đến năm 2025, quận có 132.895 dân trong tuổi đi học, phải có thêm 1.700 phòng học nữa mới đạt chỉ tiêu. Quận xác định không thể đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân.
Nguyên nhân của những khó khăn này được bà Chính nêu ra là từ quy định đầu tư công có thủ tục rất phức tạp; quỹ đất hạn chế. Quận 12 đã rà soát và có kiến nghị TP thu hồi 14 khu đất công ty, xí nghiệp do nhà nước quản lý nhưng không sử dụng, bỏ hoang từ nhiều năm nay. Tuy vậy, đến nay chưa có kết quả. Nếu thu hồi được 14 khu đất này đưa vào quỹ đất xây dựng trường sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho quận.
Bà Đào Thị My Thư - Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cũng cho rằng, cần tháo gỡ vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng do giá bồi thường thấp hơn rất nhiều so với thực tế, đất đã là khu vực đô thị rất phát triển nhưng giá đền bù lại tính theo giá đất nông nghiệp.
Kiến nghị điều chỉnh quy chuẩn, tận dụng chiều cao công trình trường học
Về quy chuẩn xây dựng, hầu hết các quận huyện đều kiến nghị trong điều kiện hiện nay, rất khó để thu hồi diện tích đất đủ lớn để xây dựng trường học theo đúng quy chuẩn, nên kiến nghị Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy chuẩn, tận dụng chiều cao công trình, tăng hệ số sử dụng đất để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm quỹ đất. Cần điều chỉnh cách tính chuẩn diện tích/học sinh bằng diện tích sàn xây dựng/học sinh trong khu vực đô thị không có quỹ đất chứ không phải tính diện tích đất/học sinh như hiện nay.
Các ý kiến khác cũng đề xuất TPHCM ưu tiên dành nguồn vốn, quỹ đất công hiện có để xây dựng trường học, kể cả việc xin chủ trương thực hiện hoán đổi, đấu giá quyền sử dụng đất sau khi đã tạo lại quỹ đất và nguồn vốn để xây dựng các trường học.
Nhiều quận huyện cũng mong muốn TP có cơ chế và giải pháp đặc thù, những chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đầu tư phát triển mạng lưới trường học theo phương thức hợp tác công tư, kích cầu, xã hội hóa.
Nêu ý kiến tại hội nghị, đại diện Sở Kế hoạch đầu tư TPHCM cho biết, giai đoạn 2021-2025, TP đã bố trí 369 dự án với tổng số vốn hơn 10.490 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 7,3% kế hoạch trung hạn. Ngoài ra, Sở này cũng đang tham mưu UBND TP dự kiến bổ sung nguồn vốn có khả năng huy động tăng thêm để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua; tăng thêm 10.467 tỷ đồng để đáp ứng một phần nhu cầu của các trường học.
Theo bà Huỳnh Lê Vân Trà - đại diện Sở Xây dựng TPHCM - từ năm 2020 đến nay, đơn vị này chưa nhận được một hồ sơ duyệt xây dựng mới trường học mà đa phần là xin điều chỉnh thời gian. Sở Xây dựng rất lưu tâm đến chia sẻ của một số quận huyện trăn trở khi trường học xuống cấp trầm trọng nhưng chỉ có nhu cầu sửa chữa chứ không xây mới bởi khi xây mới, số lượng phòng học giảm mạnh, dẫn đến số lượng lớn học sinh không còn chỗ học. Vấn đề này hiện đang tồn tại bởi nếu tính quy định diện tích theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT thì không phù hợp.
"Sở GD&ĐT xem xét trình UBND TP để đề xuất lại Bộ GD&ĐT cân chỉnh lại chỉ tiêu diện tích sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương bởi nếu như giữ nguyên sẽ khó có trường nào đạt diện tích đất/học sinh. Như vậy, khi trình HĐND sẽ rất khó được thông qua", bà Trà nhấn mạnh.
Về kiến nghị nâng số tầng, bà Trà nói rằng về mặt xây dựng, an toàn cho học sinh rất khó đảm bảo. Bố trí lớp học trên cao, trong khi khuôn viên đất hiện nay nhỏ, không có sân chơi nếu xảy ra sự cố dễ dẫn đến hậu quả khó lường.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh, cần tìm cách giải quyết các khó khăn, vướng mắc bởi để càng lâu càng trầm trọng hơn.
Qua các ý kiến cho thấy, hiện có một số ràng buộc vượt trên thẩm quyền của TP, mặc dù trước đó đã có ý kiến rồi nhưng có thể chưa đủ mạnh, chưa đủ cụ thể, chưa đủ thuyết phục để cấp Trung ương quan tâm, điều chỉnh. Vì thế, ông Đức chỉ đạo các đơn vị cần tập hợp lại, cùng nhau để phân tích, đánh giá và đưa ra giải pháp, đề xuất hợp lý.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM thẳng thắn chỉ ra một bất cập mà ông gọi "căn bệnh", đó là sự phối hợp. Theo ông, phối hợp không tốt thì làm gì cũng chậm, đã chậm sẽ không đạt mục đích. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng trên như vướng mắc về mặt cơ chế chính sách nhưng phần lớn do chủ quan từ phía hệ thống của TP.
Ông nhắc đến mục tiêu nâng cao hiệu quả của các cấp chính quyền và đề nghị xem lại quy trình giải quyết, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, các bên phải có sự phối hợp nhịp nhàng.
Liên quan đến vấn đề quỹ đất cho giáo dục mà hầu hết các địa phương kiến nghị, ông Đức cũng yêu cầu các đơn vị, sở ngành cần cùng nhau rà soát lại. Đặc biệt trong thời gian qua, có nhiều dự án xây đô thị mới, theo quy hoạch đều có đất dành cho giáo dục, y tế, các đơn vị phối hợp xem xét quy hoạch đó được tôn trọng hay không, đất giáo dục đang được làm gì, có đúng quy định không.
"Hiện nay TP đang rất cần đất để xây dựng trường công và không nên để những dự án như vậy biến thành loại hình khác. Điều này cần được các đơn vị rà soát báo cáo trường hợp cụ thể và đề xuất phương án tốt nhất để khai thác phục vụ việc học cho học sinh", ông Đức nhấn mạnh.