Kiếm tiền từ... ký gửi đồ cũ

Kinh doanh đồ cũ nở rộ vì tiện lợi và phù hợp với giới trẻ, nhất là những bạn mới bước vào nghề ít vốn.

Bạn đã bán quần áo cũ của mình chưa? Bạn có bao giờ nghĩ đến quần áo cũ cũng có thể kiếm tiền chưa? Đó là những câu chào mời khá dễ thương được các cửa hàng ký gửi quần áo sử dụng để thu hút khách.

Diện tích nhỏ, ít vốn đầu tư

Tất cả quần áo, giày dép, túi xách và nhiều vật dụng cá nhân không muốn sử dụng đều có thể trở thành mặt hàng mới mẻ và là sự lựa chọn của khách hàng. Những ai có nhu cầu mang đồ đi ký gửi chỉ cần sắp xếp cho gọn gàng rồi mang đến cửa hàng ký gửi bất kỳ nào mà mình thích. Sau khi thỏa thuận mức giá, người ký gửi sẽ được chủ cung cấp một thẻ thành viên, ghi nhận toàn bộ thông tin ký gửi.

Quần áo được niêm giá, ngày tháng và bán trong vòng 50-70 ngày. Mỗi khách hàng ký gửi được nhận một mã (code) riêng để phân biệt. Người ký gửi sẽ nhận được số tiền bán sản phẩm sau khi đã trừ phí dịch vụ. Nếu không bán được, bạn có thể mang đồ về hoặc góp luôn cho cửa hàng làm từ thiện.

Chủ cửa hàng ký gửi Mộc Miên (Gò Vấp, TP.HCM) Lê Ngọc Hoa chỉ mới 20 tuổi, hiện đang là sinh viên Trường ĐH Công nghiệp, khá thích thú với công việc này. Hoa cho hay trước giờ rất thích kinh doanh nhưng chi phí để mở một shop quần áo thì quá nặng. “Đầu năm 2014, khi biết loại hình ký gửi này mình cảm thấy như cơ hội đã tới, thay vì xin gia đình một khoản tiền lớn mình chỉ xin 1/5 khoản tiền dự tính lúc trước để thuê lại mặt bằng, những khâu còn lại như PR, tìm người ký gửi, trang trí cửa hàng đều một tay mình tự xoay xở” - Hoa nói. Ban đầu Hoa kiêm luôn cả bà chủ lẫn nhân viên tư vấn nhận hàng, sau hai năm công việc khá suôn sẻ, hiện giờ Mộc Miên shop đã có ba nhân viên chung tay với cô chủ.

Chưa tính đến việc thuê mặt bằng vì điều kiện kinh tế không cho phép, Lê Bích và Thu Thảo (sinh viên năm cuối ĐH Văn hóa) đã “dựng” luôn một cửa hàng ký gửi ngay trên Facebook. Quần áo đưa đến ký gửi được các bạn phối với phụ kiện khác nhau cho hấp dẫn rồi đăng lên cửa hàng giới thiệu. “Vì chưa có mặt bằng nên bọn mình phải lấy lòng khách bằng cách giao hàng tận nơi. Sắp tới hai đứa hy vọng sẽ dành một ít vốn thuê mặt bằng để mở rộng” - Thu Thảo cười nói.

Kiểm tra quần áo của khách trước khi nhận ký gửi tại Give Away (quận 10, TP.HCM). (Ảnh: Hà Phượng)
Kiểm tra quần áo của khách trước khi nhận ký gửi tại Give Away (quận 10, TP.HCM). (Ảnh: Hà Phượng)

 

Ba bên cùng thoải mái

Việc ký gửi những món đồ đã qua sử dụng này ngoài việc tạo ra những khoản lợi nhuận đủ xài cho các cô cậu chủ, nó còn tạo ra một khoản thu nhập cho người ký gửi. Sáng sớm, chị Nguyễn Thị Châu mang theo bốn túi quần áo đến một tiệm ký gửi, chị cho biết đây là lần đầu đi ký gửi quần áo sau khi được bạn bè giới thiệu. “Đồ cũ không còn đụng đến ở nhà rất nhiều nên tôi mang ra đây, cái nào bán được thì lấy thêm tiền mua bánh cho con, không thì góp cho cửa hàng làm từ thiện, để ở nhà chật nhà chứ được gì đâu” - chị Châu tâm sự.

Ngọc Minh, sinh viên ĐH Hoa Sen, có gu thời trang rất sành điệu đã trở thành khách quen của cửa hàng Mộc Miên. Cứ hai tuần Minh lại mang quần áo cũ của mình đến shop ký gửi một lần. Nói cũ chứ thực chất đồ Minh ký gửi đều là quần áo mới sử dụng một, hai lần, còn rất mới và tất cả đều là hàng hiệu. Chủ tiệm Ngọc Hoa chia sẻ: “Quần áo của Minh luôn được khách chuộng, bán rất nhanh vì đồ đã dùng qua nên giá cả vừa phải. Có khoảng chừng chục khách hàng như Minh thì không bao giờ sợ thiếu hàng”.

Nằm khuất trong con hẻm 43/1G Thành Thái (phường 14, quận 10), cửa hàng Give Away với không gian khiêm tốn chỉ 40 m2 nhưng rất gọn gàng với hai lầu cách biệt trưng bày quần áo cũ. Mới hơn 9 giờ sáng, tiệm đã đông nghẹt khách dù là ngày đầu tuần. Khách hàng của Give Away rất đa dạng, người đi làm, sinh viên và cả những bà mẹ trẻ. Khách tha hồ lấy những mẫu quần áo mà mình thích được treo trên kệ và tự do thử, ưng cái nào tính tiền cái đó mà không chịu bất cứ sự quản lý, giám sát hay ràng buộc nào từ chủ tiệm.

Đến cửa hàng cùng với ba cô bạn học cùng lớp, Lê Hoàng Mạnh (20 tuổi) trở thành “cây treo đồ bất đắc dĩ” cho ba cô gái xinh xắn. Mạnh chia sẻ từ ngày có cửa hàng loại này, Mạnh cùng các bạn đã trở thành những khách hàng thân thiết của tiệm. “Quần áo tuy không còn gin 100% nhưng nhiều mẫu mã đẹp và khá tốt. Điều mình thích nhất là giá mềm, khách hàng được thoải mái lựa chọn mà các cô chủ cũng rất dễ tính. Trong khi đó, tại nhiều shop quần áo khác chưa phải sang trọng, các nhân viên kè kè đi theo giới thiệu đôi lúc rất khó chịu mà giá thì đắt hơn nhiều” - Mạnh nói.

Giá của những món đồ ở các cửa hàng ký gửi thông thường thấp nhất là 30.000 đồng và không có bất cứ món đồ nào vượt quá 150.000 đồng. Mang quần áo ra đổi lấy một bộ cánh khác cũng là cách làm của nhiều sinh viên, đặc biệt vào những dịp trường có lễ hội mà chẳng may túi rỗng.

Cùng nhau làm từ thiện

Các cửa hàng ký gửi như Give Away, Mộc Miên... còn thu hút giới trẻ với các chương trình “Ngày hội từ thiện” khá dễ thương. Trong một tháng cửa hàng ký gửi sẽ dành ra từ ba đến năm ngày để bán quần áo ký gửi tồn kho với giá từ 1.000 đồng đến 15.000 đồng. Toàn bộ số tiền này để dành đóng góp cho các tổ chức từ thiện hoặc trợ giúp người nghèo, các em bé cơ nhỡ...

 

Theo Hà Phượng

Pháp luật TPHCM