Kiểm định - công cụ nâng cao chất lượng đại học

(Dân trí) - “Tự đánh giá - yếu tố quan trọng để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục ĐH” đó là chủ đề của cuộc Hội thảo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam vừa tổ chức sáng nay, 19/10, tại Hà Nội.

Cuộc Hội thảo có hơn 100 cán bộ lãnh đạo giáo dục và chuyên gia của các trường đại học và học viện của Việt Nam và các GS.TS đến từ Vương quốc Anh.

 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết: “Nhiệm vụ đặt ra cho công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH của Việt Nam trong thời gian tới là hết sức nặng nề, khi các nguồn lực như tài chính còn quá khó khăn, đội ngũ chuyên gia còn nhiều hạn chế, kinh nghiệm kiểm định chưa nhiều. Nhưng với quyết tâm vừa học, vừa làm và tranh thủ sự hỗ trợ của nhiều nước, nhiều tổ chức kiểm định trên thế giới, Việt Nam quyết tâm xây dựng thành công hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục và thực hiện kiểm định tất cả các trường ĐH trong hệ thống giáo dục quốc dân”.

 

Với mục tiêu quyết tâm xây dựng những trường đại học  hàng đầu chất lượng cao của Việt Nam trong đó đảm bảo và kiểm định chất lượng được xem là công cụ quan trọng để khuyến khích các trường ĐH nâng cao chất lượng giáo dục, ông Long cho biết như vậy.

 

Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu tất cả các trường ĐH Việt Nam tự đánh giá mình theo một số tiêu chuẩn nhất định. Hệ thống đánh giá chất lượng giáo dục mới này đã được thử nghiệm tại khoảng 20 trường Đại học và sẽ tiếp tục được cải tiến dựa trên các bài học kinh nghiệm đúc của các trường.

 

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, 20 trường ĐH đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, và 9 trường CĐ và 1 trường ĐH đã tự đánh giá chương trình còn lại là 12 trường khác đang tự đánh giá ngoài.

 

Diễn giả chính của buổi hội thảo là ông Richard Lewis, Chủ tịch Mạng lưới các Tổ chức Đảm bảo Chất lượng Giáo dục Quốc tế INQAHE, cho biết những kinh nghiệm thực tiễn về tự đánh giá chất lượng giáo dục của các trường đại học tại Anh là sự chuyển đổi từ hình thức đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu sang hình thức liên tục cải thiện chất lượng dạy và học ở bậc đại học và cần xây dựng một “nền văn hoá chất lượng”. Chẳng hạn như cách thức làm việc với các nhà tuyển dụng lao động và sinh viên để đảm bảo cho các khoá học không những đạt tiêu chuẩn giáo dục cao mà còn phù hợp với thực tế.

 

Minh Hạnh