Kí ức về “ông đồ xứ Nghệ” Văn Như Cương trong tâm thức người bạn vong niên

(Dân trí) - "Cách đây 30 năm, tôi và anh Văn Như Cương, người dốc hết túi, người bán nhẫn vàng... vì trường Lương Thế Vinh”. Kỷ niệm về những ngày kề vai, sát cánh cùng “ông đồ xứ Nghệ” vẫn nguyên vẹn trong tâm thức của nhà giáo Nguyễn Xuân Khang.

“Thời đó thật khó quên vì cả gia đình học sinh, giáo viên đều nghèo. Phụ huynh có người nộp gạo thay tiền, giáo viên đến xin tình nguyện dạy không công…”.

Bắt tay nhau “mở đường” đổi mới giáo dục

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng trường THCS& THPT Marie Curie, Hà Nội) là người đã sát cánh với PGS Văn Như Cương đồng sáng lập nên trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh. Gắn bó với nhau thuở khởi đầu nhưng sau này mỗi người một quan điểm quản trị trường học, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang rời trường Lương Thế Vinh, lập trường Marie Curie (Hà Nội).

Sự ra đi của PGS Văn Như Cương khiến nhà giáo Nguyễn Xuân Khang vô cùng xót xa bởi lẽ đối với ông, PGS Văn Như Cương là một người bạn vong niên. Những kỷ niệm về người bạn từng một thời cùng chung chí hướng bỗng chốc ùa về rõ nét trong nhà giáo Nguyễn Xuân Khang.

"Anh Văn Như Cương sinh năm 1937 còn tôi sinh năm 1949, cùng là tuổi Sửu nên giữa chúng tôi không chỉ là tình anh em, bạn bè trong công việc mà còn là hai người bạn vong niên", thầy Khang chia sẻ.

Hiệu trưởng trường Marie Curie không thể nào quên những kỷ niệm sâu sắc khi cùng PGS Văn Như Cương xây dựng trường THPT Lương Thế Vinh - trường phổ thông dân lập đầu tiên trên cả nước vào năm 1989.

Ông Khang cho biết, lúc bấy giờ - sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI năm 1986, "trường tư" là một khái niệm hết sức xa lạ với cả những lớp người đã gần 50 tuổi. Do vậy, không dễ gì mà hai con người cùng chí hướng lập trường tư thục lại tìm thấy nhau, bắt tay nhau “mở đường” hành động vì tư duy đổi mới phát triển giáo dục.


Trong kí ức của nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, PGS Văn Như Cương là một “ông đồ xứ Nghệ” thông minh, tài hoa, kiên gan bền chí.

Trong kí ức của nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, PGS Văn Như Cương là một “ông đồ xứ Nghệ” thông minh, tài hoa, kiên gan bền chí.

Năm 1988, PGS Văn Như Cương và thầy Nguyễn Xuân Khang đánh liều viết thư ngỏ gửi Bộ Giáo dục (vì lúc đó Bộ Giáo dục và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp chưa ghép lại thành Bộ Giáo dục & Đào tạo như bây giờ) về ý tưởng thành lập một trường tư thục đầu tiên tại Việt Nam. Không ngờ, ý tưởng của hai người đã được Giáo sư, viện sĩ (GS.VS) Phạm Minh Hạc ủng hộ - Bộ trưởng Giáo dục lúc đó ủng hộ.

Đến giữa tháng 8/1998, Bộ Giáo dục tổ chức một cuộc hội thảo để PGS Văn Như Cương và thầy Nguyễn Xuân Khang báo cáo về dự án thành lập trường tư thục đầu tiên ở Hà Nội và cả nước. Tại hội thảo này, nhiều đại biểu đã ủng hộ đề án nhưng đề xuất đổi tên là trường THPT dân lập chứ không dùng khái niệm “tư thục” vào thời điểm lúc bấy giờ.

“Ngay khi buổi trưa họp xong, tôi và anh Cương đã ra quán phở Thìn ở phố Lò Đúc ăn phở rồi hội ý với nhau những điều vừa được giao. Hai anh em thống nhất, sáng hôm sau, mỗi người đưa ra một tên và địa điểm thành lập trường sẽ do tôi lo.

Về đội ngũ giảng dạy, vào thời điểm đó, giáo dục chưa được phát triển, giáo viên rất thừa nên việc tuyển chọn giáo viên không quá khó khăn”, thầy Khang kể.

Cũng theo thầy Khang, sáng hôm sau, trường ĐH Tổng hợp (cũ) ủng hộ, sẵn sàng cho thuê một phần địa điểm trường cũng như phòng thí nghiệm để mở trường.

Ban đầu, PGS Văn Như Cương định đặt tên trường là Nguyễn Trường Tộ - người có tư tưởng đổi mới và cách tân trong giáo dục. Còn thầy Nguyễn Xuân Khang muốn đặt trường là “Lương Thế Vinh”. Vì trong lịch sử Việt Nam, về lĩnh vực khoa học tự nhiên, Lương Thế Vinh là nhà Toán học đầu tiên của Việt Nam với tuổi thơ được nhiều người biết đến như là thần đồng về Toán học, có nhiều giai thoại ấn tượng với trẻ em.

“Anh Cương nói hay quá và đồng ý lấy tên trường là Lương Thế Vinh", thầy Khang nhớ lại.

Sau khi thống nhất và được UBND TP. Hà Nội ủng hộ thì theo thầy Khang lại vướng một vấn đề, đó là phải có quy chế để quản lý loại hình trường dân lập này.

"UBND TP Hà Nội sau đó, đã có đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành quy chế vì không chỉ một trường này mà sẽ còn nhiều trường khác ra đời. Gần nửa năm sau thì Bộ đã ban hành được quy chế tạm thời về các trường phổ thông dân lập.

Sau khi có quy chế, vào ngày 1/6/1989, UBND TP. Hà Nội cho phép thành lập trường THPT dận lập Lương Thế Vinh và có hai quyết định công nhận PGS Văn Như Cương làm Hiệu trưởng còn tôi làm Hiệu phó.

Có quyết định thành lập trường trong tay, PGS Văn Như Cương dốc túi không có đồng xu! Muốn khắc con dấu cho trường thầy Nguyễn Xuân Khang phải tháo chiếc nhẫn đem bán...

Tháng 9 năm đó, trường tiến hành khai giảng năm học đầu tiên, ngay năm đầu tiên trường đã khẳng định được bằng kết quả thi tốt nghiệp, đại học và đến nay đã được gần 30 năm.

“Sẽ còn học tập nhiều ở người anh lớn”

Trong quản trị trường học, PGS Văn Như Cương áp dụng luôn mô hình “gia đình trị”. Trong khi, thầy Nguyễn Xuân Khang lại quan niệm “nhà là nhà, trường là trường - không có khái niệm nhà trường là nhà cộng với trường”. Năm 1992, một ngày, PGS Cương bất ngờ khi thấy thầy Phó Hiệu trưởng của mình đang chiêu sinh ngay dưới sân trường với tư cách là Hiệu trưởng một trường mới (Trường Marie Curie).

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang khẳng định, quan điểm giáo dục của ông và PGS Văn Như Cương khác, nhưng không phủ nhận nhau.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang khẳng định, quan điểm giáo dục của ông và PGS Văn Như Cương khác, nhưng không phủ nhận nhau.

Dù không còn làm việc cùng nhau ở trường Lương Thế Vinh nhưng rảnh rỗi thầy Cương và thầy Khang vẫn gặp gỡ, cùng nhau trao đổi một số vấn đề giáo dục.

Thầy Nguyễn Xuân Khang cho biết quan điểm giáo dục của thầy và PGS Văn Như Cương khác, nhưng không phủ nhận nhau. Thầy Khang chia sẻ, ông sẽ còn học tập nhiều ở "người anh lớn".

Theo thầy Khang, trước khi PGS Văn Như Cương về cõi vĩnh hằng, dư luận tranh luận về phương pháp giáo dục của trường Lương Thế Vinh với nhiều luồng ý kiến khác nhau sau bức thư của phụ huynh lên mạng “tố” trường áp dụng lối giáo dục trọng kỷ luật đến mức hà khắc.

“Tôi và anh Cương có quan điểm giáo dục khác nhau nhưng không phủ định nhau. Điểm chung của chúng tôi là đều mong muốn giáo dục Việt Nam phát triển, thoát ra khỏi sự trì trệ, lạc hậu hiện tại, vươn tới nền giáo dục tiên tiến.

Và dù mọi người tranh luận như thế nào cũng không thể phủ nhận thầy Cương là người tâm huyết và đã thành công trong cách giáo dục của mình, mang lại cho gia đình, xã hội và ngành những thành tựu nhất định”, thầy Khang nhấn mạnh.

Khi nhắc về người anh, người bạn vong niên của mình, thầy Khang tự hào nói đó là cán bộ Toán học đầu ngành, đã để lại những cuốn sách hình học chuyên môn sâu cho giáo dục phổ thông. Sắp tới, với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và viết sách giáo khoa, các thế hệ sẽ tiếp tục kế thừa sản phẩm của PGS Văn Như Cương để lại.

“Trong sự nghiệp giáo dục, với tôi, anh Cương là một người rất tâm huyết, rất thông minh và kiên định. Người ta hay nói đến ông đồ xứ Nghệ vừa thông minh, vừa dí dỏm, vừa kiên định thì những đặc điểm tích cực tiềm tàng trong dân gian phản ánh rất đậm ở con người cụ thể là anh Văn Như Cương” - Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang.

Vĩnh biệt ông đồ xứ Nghệ kiên gan, tài hoa

Ở trong trái tim mình, thầy Nguyễn Xuân Khang luôn kính trọng PGS Văn Như Cương không chỉ bởi có chung tư duy đổi mới, hết lòng tận tâm cống hiến vì giáo dục mà còn là con người tài hoa, có sức sống, sức chiến đấu mãnh liệt.

Ba năm trước, khi biết tin PGS Văn Như Cương bị ung thư, thầy Nguyễn Xuân Khang đã đến thăm. PGS Văn Như Cương nói với người bạn kém 12 tuổi: “Chú không phải lo lắng, tôi biết cách đối đầu với bệnh tật”.

PGS Văn Như Cương lạc quan đối chọi với bệnh ung thư.
PGS Văn Như Cương lạc quan đối chọi với bệnh ung thư.

Tinh thần lạc quan ấy ngân vang trong thơ, thầy Cương đọc cho thầy Khang nghe. Hai người ríu rít trò chuyện. Đến lúc có bác sĩ tới khám, tự nhiên thầy Cương nói: “Phải lúc nào cũng tươi cười, dù mang bệnh ta phải coi như không có thì sẽ cảm thấy mình vẫn có ích, cuộc sống còn nhiều cái cần đến mình”.

“Tôi không chỉ kính trọng anh Cương ở tài năng, đức độ mà còn nể phục anh về những kỹ năng để sống có ích khi gặp biến cố trong cuộc sống. Dù phải chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo nhưng khát vọng sống, cống hiến trong anh vẫn rất mãnh liệt như cái tên Văn Như Cương”, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang bày tỏ.

Lệ Thu