Quảng Nam:

Không tiền đóng học phí, tân sinh viên đứng trước nguy cơ phải bỏ học

(Dân trí) - “Con mong có ai giúp đỡ cho con học chứ nhà con quá nghèo, không thể lo nổi cho con đi học”. Đó là tâm sự đầy nước mắt của cô học trò nghèo Hà Lâm Anh (trú khu Trung An, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam) - tân sinh viên khoa Kiến trúc ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng).

Chủ nhật ngày 20/9, tiếp tôi trong căn nhà mái tôn thấp lè tè, tường bao quanh là những miếng ván ghép nóng kinh khủng dù trời bên ngoài không nóng, dường như Hà Lâm Anh cũng như bố mẹ đều ngại với khách về hoàn cảnh của mình.

Trong căn nhà chưa đến 40m2 ấy mà 5 con người sống chỉ với chưa đến 3 triệu đồng thu nhập từ nghề hớt tóc của bố Lâm Anh - ông Hà Như Ngọc. Ông Ngọc năm nay mới 48 tuổi nhưng nhìn người tiều tụy và già hơn tuổi ông nhiều. Còn mẹ của Lâm Anh là bà Đỗ Thị Bích năm nay cũng chỉ 47 tuổi nhưng chỉ có 30kg vì mang trên người nhiều bệnh tật.


Năm thành viên trong gia đình em Hà Lâm Anh.

Năm thành viên trong gia đình em Hà Lâm Anh.

 

Mở đầu câu chuyện với phóng viên Dân trí, ông Ngọc nói: “Em thấy đó, hoàn cảnh của tôi thế này mà một mình tôi phải nuôi 4 miệng ăn chưa kể tôi nữa là 5. Mỗi ngày tôi chỉ kiếm trên dưới 100 ngàn đồng thôi, khó khăn lắm...”.

Lâm Anh cho biết không muốn bỏ học nhưng hoàn cảnh khó khăn quá nên cũng chưa biết tính sao
Lâm Anh cho biết không muốn bỏ học nhưng hoàn cảnh khó khăn quá nên cũng chưa biết tính sao

 

Trong căn nhà xập xệ trống trước trống sau của mình, ông Ngọc cho biết, đây là mảnh đất của chính quyền địa phương bán cho vợ chồng ông để có chỗ ở nhưng chưa thu tiền vì ông quá nghèo, có thu ông cũng không có tiền đóng.

Căn nhà này ông dựng vào tháng 3 vừa qua cũng từ tình thương của mọi người trong xóm, ai có gì cho nấy, thiếu ông đi xin thêm. Mái tôn thấp và nóng kinh khủng dù đang là mùa thu, trời mát hơn mùa hè, còn tường thì được đóng bằng những tấm ván bỏ của các xưởng gỗ, ông xin về đóng vào.

Sau khi bài viết này được đăng tải, nhiều bạn đọc liên hệ tới Ban Giáo dục báo điện tử Dân trí xin số điện thoại của em Hà Lâm Anh để gửi động viên, chia sẻ tới em. Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi xin đăng số điện thoại của ông Hà Như Ngọc - ba em Hà Lâm Anh: 0935 429 671 (địa chỉ: khu Trung An, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam)
 

Ông Ngọc kể cách đây 10 năm, ông đi làm ăn ở Đắc Lắc, sau khi bố mẹ vợ và những người thân thuộc bên phía vợ qua đời thì không còn ai để nương nhờ nữa, vậy là ông dắt díu vợ con về đây. Lúc đầu thì ở nhà bố mẹ, sau sinh thêm con thì mướn nhà ở. Gần đây, địa phương thấy ông khó khăn quá thì bán cho miếng đất nhưng chưa thu tiền. Có đất, ông che tạm “căn chòi” để hai vợ chồng và 3 đứa con có chỗ tá túc.

Ngôi nhà xập xệ của gia đình ông Ngọc
Ngôi nhà xập xệ của gia đình ông Ngọc

 

Bản thân ông Ngọc bị tật ở chân nên không lao động nặng được, còn vợ ông bị bệnh hở van tim và cao huyết áp nên cũng không lao động nặng, chỉ ở nhà quanh quẩn lo cho đứa con út tên Hà Lâm Khanh năm nay 11 tuổi nhưng bị bệnh bại não và động kinh từ nhỏ, không thể đi học được. Mỗi tháng tiền thuốc men của hai mẹ con cũng hết hơn 1 triệu đồng. Cái khó đè lên cái khó với gia đình ông.

Tuy gia đình quá khó khăn nhưng may mắn ông có cô con gái đầu học giỏi và vừa đỗ đại học. Hỏi về chuyện học hành của con mình, ông Ngọc cho biết: “Khi giấy báo nhập học gởi về nhà, tôi vui một là lo đến mười vì biết gia đình không có khả năng lo cho cháu, nhưng nghĩ lại chỉ có học mới thoát khỏi cảnh nghèo khó này nên tôi bàn với vợ quyết tâm cho con đi học. Dù quyết tâm vậy nhưng nghĩ lại cũng không biết xoay kiểu gì để có tiền cho con đi học”.

Tâm sự của ông Ngọc và Lâm Anh

 

Đầu năm học, ông Ngọc cho biết đã vay tất cả những người thân trong gia đình được 7 triệu đồng để đóng học phí và tiền sinh hoạt cho cháu nhưng không thể mượn được nữa, vì có mượn nữa cũng không có mà mượn vì người thân cũng khó khăn. “Giờ tôi chỉ mong có tiền đóng học phí mỗi năm cho con, còn tiền ăn ở của cháu tôi cũng cố gắng lo được”, ông Ngọc nói.

Ông Ngọc cũng ước mơ có được một con bò giống để nuôi. Sau khi bò đẻ thì bán con bò đó để lo cho con ăn học nhưng tiền đâu mà mua bò giống giá vài chục triệu đồng? Trong khi cái ăn hàng ngày cho gia đình ông còn lo không xuể.

Để giải quyết khó khăn trước mắt khi con mình vào nhập học, ông Ngọc cho biết đang làm hồ sơ để vay ngân hàng đóng học phí cho con. Ông cho hay, nếu không vay được tiền của ngân hàng chắc chắn con mình sẽ nghỉ học.

Nói về việc học của mình, cô học trò nghèo Hà Lâm Anh tâm sự: “Con muốn đi học nhưng nhà con nghèo quá. Con đã nhập học được một tuần rồi, giờ con không muốn nghỉ học. Con mong có nhà hảo tâm nào đó giúp đỡ để con có thể tiếp tục đi học. Chắc chắn hoàn cảnh của nhà con sẽ không lo nổi”.

Trao đổi với PV Dân trí về hoàn cảnh của ông Ngọc, ông Hứa Văn Hùng - Chủ tịch thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) cho biết, đây là một trong những trường hợp “đặc biệt nghèo” ở địa phương. Thị trấn cũng biết và có những hỗ trợ theo quy định hiện hành của Nhà nước.

“Hộ ông Ngọc đã được hỗ trợ bảo hiểm y tế, tiền điện và vừa qua có hỗ trợ đất để ông làm nhà. Nếu ông có làm nhà thì địa phương sẽ vận động Quỹ hỗ trợ người nghèo 15 triệu đồng cho ông làm. Còn vấn đề vay vốn cho cháu đi học, địa phương hỗ trợ hết mình, miễn sao cháu Lâm Anh không bỏ học giữa chừng. Cũng mong có nhà hảo tâm giúp đỡ để cháu Lâm Anh được tiếp tục đến trường”, ông Hứa Văn Hùng nói.

Tổng điểm thi vào Khoa Kiến trúc ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) của Lâm Anh: Toán 8 điểm, Vẽ 7 điểm và Văn 6,75 điểm. Lâm Anh cho biết cộng hệ số điểm của ngành với 1 điểm vùng, em được 33,75 điểm.

Công Bính

(congbinh@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm