Không thể đến trường vì dịch, thầy giáo rong ruổi giúp người dân hồi hương
(Dân trí) - Những ngày đầu tháng 10, khi dòng người hối hả về quê tránh dịch, thầy giáo Trương Vĩnh Đặng (giáo viên trường Tiểu học Tây Hồ, TP Đà Nẵng) cũng rong ruổi trên những cung đường tiếp sức cho bà con.
Làm biển chỉ đường, hỗ trợ thực phẩm cho người dân
Đầu tháng 10, những đoàn người chạy xe máy từ miền Nam về quê tránh dịch nối đuôi nhau xuyên ngày đêm đi qua địa phận Đà Nẵng. Thương bà con vất vả trên chặng đường dài, nhiều tổ chức, cá nhân, các hội thiện nguyện ở Đà Nẵng đã hỗ trợ, tiếp sức người dân tiếp tục hành trình.
Thời gian này, trường học ở Đà Nẵng vẫn chưa mở cửa do dịch bệnh. Không phải đến trường, thầy Đặng quyết định cùng mọi người chung tay hỗ trợ người dân.
Qua nắm bắt thông tin từ lực lượng công an, thầy Đặng biết được thời gian của các đoàn sẽ đến Đà Nẵng để chủ động sắp xếp thời gian đón người dân đi qua địa phận thành phố.
Thời gian đầu, thầy Đặng hỗ trợ người dân đồ ăn, nước uống. Sau đó, thấy nhiều nhóm cùng hỗ trợ ăn, nhiều lúc người dân dùng không hết nên thầy Đặng quyết định hỗ trợ tiền mặt để bà con làm lộ phí. Kinh phí hỗ trợ người dân do thầy Đặng vận động các mạnh thường quân và đấu giá cây bonsai của mình.
Người đồng hành, hỗ trợ thầy Đặng trong những chuyến làm từ thiện là bố của thầy - ông Trương Văn Luân (sinh năm 1963). Địa điểm mà thầy Đặng tổ chức hỗ trợ người dân là đèo Lò Xo (tỉnh Kon Tum), chốt Đại Lộc (Quảng Nam), đèo Hải Vân, hầm Hải Vân và chốt Hòa Khương (TP Đà Nẵng).
"Ban đầu tôi chỉ định dùng số quỹ còn thừa để giúp đỡ người dân hồi hương chứ không kêu gọi ai cả. Thế nhưng thấy tôi làm, nhiều người biết nên tiếp tục ủng hộ. Vì thế mà việc hỗ trợ người được kéo dài ra", thầy Đặng chia sẻ.
Không quản ngày đêm, cứ có đoàn đến là bố con thầy Đặng lại lên đường hỗ trợ người dân. Có khi là 2 - 3 giờ sáng, có khi 12h trưa, không ngày nào thầy Đặng không có mặt tại những điểm nghỉ chân của người dân trên hành trình hồi hương khi qua địa phận Đà Nẵng.
Trong quá trình làm việc, thầy Đặng thấy nhiều người dân khi đến chốt Đại Hiệp - Hòa Khương thì hay bị lạc đường, có người đi lạc xuống tận thành phố, thầy Đặng nghĩ đến chuyện làm biển chỉ đường.
Nghĩ là làm, 2 bố con thầy Đặng đi in những bảng chỉ đường, treo dọc các tuyến hướng dẫn bà con đi đúng hướng lên đèo Hải Vân.
Theo thầy Đặng, không phải chỉ đợt dịch này mà từ đợt dịch bùng phát ở Đà Nẵng năm 2020, thầy cũng đã tổ chức nhiều phiên chợ 0 đồng hỗ trợ người dân khó khăn.
Đi đường, gặp các bác xe ôm, cụ bà bán vé số, những người lao động vất vả là thầy Đặng tặng họ phiếu mua hàng tại phiên chợ của mình.
"Công việc thiện nguyện của cha con tôi được gia đình ủng hộ nhưng đợt dịch vừa rồi thấy hai bố con đi suốt nên mẹ và vợ tôi không khỏi lo lắng. Sợ hai bố con đi rồi bị nhiễm bệnh. Thế nhưng mình thấy người dân vất vả như vậy mà không giúp được gì thì lòng mình lại nặng trĩu", thầy Đặng chia sẻ.
Mong không còn những người làm từ thiện nữa
Không phải dịch bệnh thầy Đặng mới đi làm từ thiện mà thầy Đặng đi làm từ thiện hơn 10 năm nay. Lần đầu tiên thầy Đặng làm từ thiện là kêu gọi giúp đỡ một thanh niên bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não. Ca phẫu thuật cần 20 triệu đồng nhưng gia đình rất khó khăn, không thể xoay nổi.
"Thanh niên này là bạn của em vợ tôi. Lúc đó, để có tiền giúp gia đình họ đóng viện phí, tôi đã đấu giá một chậu bonsai của mình và kêu gọi thêm mọi người. Từ lần ấy, tôi nhận thấy xung quanh mình còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, khổ cực nên tôi bắt đầu thường xuyên làm từ thiện", thầy Đặng chia sẻ.
Thầy Đặng thường đến các Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, các huyện miền núi của Quảng Nam để giúp đỡ người dân, các em nhỏ không may mắn... Hoặc gặp những hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật… thầy Đặng đứng ra kêu gọi cộng đồng giúp đỡ để họ có tiền chữa bệnh.
Trong thời gian TP Đà Nẵng thực hiện "Ai ở đâu ở yên đó", hai bố con thầy Đặng cũng rất tích cực hỗ trợ người dân trong việc mua lương thực, thực phẩm. Thương các em nhỏ trong khu dân cư, thầy giáo Đặng hóa thân thành ông địa trong bộ đồ bảo hộ đi từng nhà tặng quà Trung thu cho các cháu. Nhiều sinh viên bị "mắc kẹt" cũng được thầy giáo Đặng tiếp tế đồ ăn mỗi ngày.
Chia sẻ về công việc từ thiện của mình, thầy Đặng cho biết: "Khả năng của mình đến đâu tôi sẽ cố gắng giúp đỡ mọi người đến đó. Tuy nhiên, tôi luôn mong cuộc sống không còn những người dân khó khăn để những người làm từ thiện như chúng tôi không còn nữa".