Không nên ban hành Luật Dạy nghề
(Dân trí) - “Chinh chiến” 40 năm trong lĩnh vực dạy nghề, PGS.TS Nguyễn Viết Sự, Nghiên cứu viên cao cấp Viện chiến lược và Chương trình (Bộ GD-ĐT) đã tỏ ra lo lắng về dự thảo Luật dạy nghề. Và theo ông, khi đã có nhiều bất ổn trong dự thảo thì không nên ban hành Luật dạy nghề.
Ông suy nghĩ thế nào về Dự thảo “Luật Dạy nghề” sắp trình ra Quốc hội trong phiên họp ngày mai, 19/10?
Là người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp suốt 40 năm qua, tôi hết sức quan tâm đến việc ban hành Luật Giáo dục và các luật khác trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tôi đã có dịp dự hội thảo về “Luật dạy nghề” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại Quảng Ninh ngày 13-14/4/2006. Tôi lại được biết dịp này Quốc hội họp sẽ thảo luận để có thể thông qua “Luật dạy nghề”. Tôi hết sức phân vân về những điều còn bất ổn trong bản thảo “Luật dạy nghề” và liệu kỳ này, Quốc hội sẽ biểu quyết ra sao?
Những bất ổn trong dự thảo “Luật dạy nghề”, theo ông là gì?
Không nên ban hành Luật dạy nghề. Vì trong Luật Giáo dục 2005 đã xác định rõ một số phân hệ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Vậy theo đó cần có các luật sau: Luật Giáo dục mầm non, Luật Giáo dục phổ thông, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục thường xuyên và Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Trong luật giáo dục nghề nghiệp sẽ đề cập đến dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp. Rõ ràng, nếu tách ra “Luật dạy nghề” sẽ chẻ đôi giáo dục nghề nghiệp, thành ra tính hệ thống bị phá vỡ và giáo dục trung cấp chuyên nghiệp không được xem xét thống nhất trong giáo dục nghề nghiệp. Chả lẽ lại phải ban hành thêm Luật giáo dục trung cấp chuyên nghiệp nữa chăng?
Vậy theo ông, “chất lượng” văn bản luật của Dự thảo Luật dạy nghề mà Quốc hội đã tiến hành thẩm định sau tờ trình của Chính phủ số 29/TT-CP ngày 31/3/2006 đó là như thế nào?
Dự thảo “Luật dạy nghề” còn nhiều điểm chưa rõ ràng, chưa tường minh và quá nhiều lỗi cả về chuyên môn và cả cách diễn đạt. Xin đưa ra vài ví dụ sau đây:
Ví dụ 1: về 3 cấp trình độ dạy nghề (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) chưa được thực tiễn thị trường lao động chấp nhận, người sử dụng lao động chấp nhận và hơn nữa chưa làm rõ nội hàm của các trình độ trên (chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp). Chưa phân biệt rõ giữa trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp; giữa cao đẳng nghề và cao đẳng. Chính vì thế gây nên bức xúc, rối rắm trong hệ thống giáo dục khi xuất hiện trường trung cấp nghề và trường cao đẳng nghề. Liệu “Luật dạy nghề” sẽ điều chỉnh các loại hình trường đó ra sao trong một hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất?
Ví dụ 2: Việc quản lý đào tạo thế nào khi một trong các trường đào tạo cả TCCN và dạy nghề? Vì hiện nay Bộ LĐTB&XH quản lý dạy nghề còn Bộ GD-ĐT quản lý TCCN. Liệu một cơ sở đào tạo chịu chi phối bởi mấy luật đây?
Ví dụ 3: Vấn đề đào tạo liên thông giữa dạy nghề với 3 cấp trình độ với TCCN, cao đẳng giải quyết bằng cách nào? Trong khi thiết kế chương trình đào tạo còn tách rời nhau và chưa có cơ sở khoa học chắc chắn, chưa có điều kiện đảm bảo? Liệu “Luật dạy nghề” tháo gỡ ra sao?
Nếu “Luật dạy nghề” vẫn được thông qua, ông nghĩ thế nào?
Thật đáng lo cho “Luật dạy nghề” sắp tới! Tôi không tin rằng “Luật dạy nghề” thông qua tại Quốc hội kỳ này sẽ có sức sống. Tôi chỉ có một nguyện vọng khi dư luận còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa đồng thuận, xin các vị đại biểu Quốc hội bằng sự thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm cao, lắng nghe ý kiến cử tri, dư luận xã hội để nước ta có được những đạo luật đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, tôi vẫn đặt lòng tin vào trí tuệ sáng suốt của các vị Đại biểu Quốc hội nước nhà.
Xin cảm ơn ông!
Minh Hạnh
(Thực hiện)