Không có "mưa" điểm 10 thi tốt nghiệp, trường đại học thuận lợi nguồn tuyển
(Dân trí) - Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT công bố cho thấy có sự phân hóa rõ ràng, không còn "mưa" điểm 10 và các trường đại học có thể yên tâm tuyển sinh.
Phổ điểm phân hóa rõ, trường Đại học thuận lợi nguồn tuyển
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GĐ&ĐT) cho rằng, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 không quá tả hoặc quá hữu, độ phân hóa tốt, điểm trung bình một số môn thi được cải thiện.
Nhận định về phổ điểm vừa được công bố, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, phổ điểm không quá tả hoặc quá hữu, độ phân hóa tốt, đạt được mục đích của kỳ thi đặt ra.
Điểm trung bình một số môn thi được cải thiện, trong đó có môn Lịch sử và Ngoại ngữ.
Giải thích về điều này, TS Lê Viết Khuyến đưa ra 2 lý do: Ngân hàng câu hỏi năm sau lớn hơn năm trước mà ngân hàng câu hỏi càng lớn đề độ “chuẩn” của đề thi càng cao.
Một phần nữa theo TS Lê Viết Khuyến, việc tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, đánh giá đúng thực chất năng lực của thí sinh.
“Có ý kiến tỏ ra nghi ngờ về việc kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có thể sử dụng để tuyển sinh đại học.
Nhưng phổ điểm được công bố cho thấy có sự phân hóa rõ ràng, giúp các trường đại học sử dụng kết quả thi thuận lợi tuyển sinh.
Đó là câu trả lời thuyết phục nhất. Phổ điểm có sự phân hóa tốt cũng là thành công lớn của đợt thi này” - TS Lê Viết Khuyến cho hay.
“Quyết tâm tổ chức thi là một quyết định đúng. Và năm nay, kỳ thi đã được tổ chức hết sức nghiêm túc, bảo đảm an toàn, khách quan, dù được giao về cho địa phương; lấy lại niềm tin của người dân” - TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Trường ĐH sẽ thuận lợi về nguồn tuyển
“Tôi rất mừng vì ở hầu hết các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, điểm trung bình đều từ 6 trở lên”, PGS.TS Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh) nhận xét.
Ông cho rằng, điều đó đồng nghĩa với việc nguồn tuyển sinh vào các trường đại học sẽ thuận lợi.
Nhận định của PGS Đỗ Văn Xê, kết quả thi năm nay đánh giá đúng năng lực của học sinh và không bị ảnh hưởng nhiều bởi tình hình dịch bệnh.
Với môn Tiếng Anh, điểm trung bình nhỉnh hơn một chút so với năm trước – điều này là bình thường vì việc cải thiện trình độ tiếng Anh không phải ngày một ngày hai.
“Nhưng môn Lịch sử điểm thi tốt hơn năm 2019 rất nhiều. Kết quả đó là thể hiện nỗ lực, cố gắng của các thầy cô, nhà trường, ngành Giáo dục địa phương sau kết quả thi môn Lịch sử năm trước.
Điểm thi là kết quả của giảng dạy. Vì vậy, kết quả điểm thi là một tham số quan trọng để địa phương thấy cần phải làm gì để có kết quả tốt hơn, đạt mục tiêu giáo dục.” – PGS Đỗ Văn Xê cho hay.
Yên tâm cho tuyển sinh
Theo ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng CNTT của Bộ GD&ĐT, năm nay trong bối cảnh dịch bệnh, mục tiêu của kỳ thi phục vụ cho đánh giá tốt nghiệp là chính nhưng kết quả điểm thi và phổ điểm thi không chỉ “đẹp” cho phần thi tốt nghiệp mà còn giúp cho công tác tuyển sinh của các trường đại học được thuận lợi.
Cũng vì bối cảnh dịch bệnh mà trước kỳ thi đã có những tranh cãi xung quanh việc thi hay không thi, đứng ở góc độ quan điểm cá nhân, ông Quách Tuấn Ngọc khẳng định, việc tổ chức kỳ thi bình thường là cần thiết, vì nếu bỏ thi sẽ thiệt thòi cho những học sinh có mong muốn xét tuyển vào đại học.
“Trong điều kiện khó khăn, có thể nói, chúng ta đã có một kỳ thi thành công, tạo công bằng cho các em học sinh, nhất là những học sinh có nguyện vọng vào đại học”, ông Ngọc nói.
Lí giải về việc dù đề thi năm nay dễ hơn năm ngoái để phù hợp với bối cảnh thực tế nhưng ở nhiều môn vẫn hiếm điểm 10, ông Quách Tuấn Ngọc cho rằng, đó là do việc ra đề thi tốt: “Đề thi năm nay vừa đảm bảo sàng lọc học sinh, vừa phục vụ tốt cho hoạt động tuyển sinh của các trường đại học”.
Phổ điểm Tiếng Anh, Lịch sử đã cải thiện
Phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2020, TS Lê Thống Nhất cho biết, tất cả các môn thi năm nay đều có điểm trung bình cao hơn năm 2019.
Điều này là dễ hiểu bởi kỳ thi năm nay là tốt nghiệp THPT chứ không phải kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục tiêu vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học.
Với đường lối mới như thế của kỳ thi, việc điểm trung bình các môn cao hơn là tất yếu, phù hợp.
Nếu trước đây một số môn như Lịch sử, tiếng Anh điểm trung bình thấp, bị xã hội phản ứng, thì năm nay điểm trung bình hai môn này dù vẫn thấp so với các môn khác nhưng so với bản thân của nó thì đã có sự cải thiện.
Năm 2019, điểm trung bình môn Lịch sử là 4,3, môn tiếng Anh là 4,36. Năm nay điểm trung bình môn Lịch sử đã tăng lên ở mức trên 5 điểm, môn Ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) là 4,57.
Kết quả thi môn tiếng Anh như vậy cũng phản ánh thực chất vấn đề học ngoại ngữ trong các trường phổ thông hiện nay.
Qua đó, đặt ra yêu cầu là phải nâng cao chất lượng giáo dục ngoại ngữ theo hướng đào tạo công dân toàn cầu.
Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, việc đầu tư, đẩy mạnh chất lượng giảng dạy môn tiếng Anh cũng là điều chúng ta cần rất quan tâm.
Những môn ít rơi vào tổ hợp xét tuyển đại học như Sinh học điểm trung bình cũng ở mức thấp so với các môn học khác, là 5,59. Điểm trung bình môn học này thấp, theo TS Lê Thống Nhất, không phải do chất lượng dạy và học kém mà do học sinh khá thực dụng; các môn thi tốt nghiệp nhưng ít có tổ hợp xét tuyển đại học thì động lực học tập của các em cũng không nhiều
Không có "mưa" điểm 10
Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, dư luận đặc biệt lo lắng về việc sẽ có mưa điểm 10.
Tuy nhiên, qua phân tích phổ điểm, TS Lê Thống Nhất cho biết, “không có hiện tượng đó”. Số lượng điểm 10 ở tất cả các môn thi so với số lượng bài thi chỉ chiếm tỷ lệ rất rất nhỏ.
Về công tác tuyển sinh đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020, TS Lê Thống Nhất cho rằng, các đại học có thể tin tưởng và yên tâm là tuyển sinh được.
“Số học sinh trúng tuyển vào đại học hàng năm chỉ chiếm 30-35% tổng số thí sinh dự thi nên đứng ở góc tuyển sinh đại học ta chỉ nhìn ở phần 30-35% của top điểm.
Với phổ điểm thi năm nay, tuy không được tuyệt đối như những năm trước, nhưng cũng đã khẳng định là kỳ thi khách quan, điểm số đáng tin cậy để xét tuyển đại học.
Một đề thi tốt nghiệp THPT bao giờ cũng có độ phân hóa thấp hơn đề tuyển sinh.
Tuy nhiên, đề thi chỉ cần phân hóa ở top trên thì đã giúp được cho công tác tuyển sinh đại học.
Nhìn vào top điểm cao ở phổ điểm các môn thi năm nay, tôi đánh giá rằng, các đại học có thể yên tâm tuyển sinh”, TS Lê Thống Nhất nói.