Quảng Nam:

Khởi động dự án giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho học sinh

(Dân trí) - Sáng 12/4, tổ chức hành động bom mìn Đan Mạch DDG đã chính thức khởi động dự án giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Giai đoạn một của dự án kéo dài từ tháng 1 đến hết tháng 12/2013, với mục tiêu tăng cường nhận thức nhằm giảm thiểu rủi ro bom mìn còn sót lại sau chiến tranh gây ra cho hơn 11.500 học sinh và hơn 10.000 người dân bị ảnh hưởng, đồng thời xây dựng năng lực giáo dục nguy cơ bom mìn cho gần 600 giáo viên của 22 trường học trên địa bàn huyện Duy Xuyên.
 
Tại buổi lễ, ông Roger Fast - Giám đốc quốc gia DDG Việt Nam đã cam kết khoản tài trợ gần 100.000 USD bao gồm tài trợ tài chính và tài trợ hiện vật để triển khai giai đoạn một của dự án.
 
Khởi động dự án giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho học sinh
Các em học sinh Trường Tiểu học Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) được giáo dục để nhận biết bom, mìn.

Một phần quan trọng trong dự án nhân đạo này là chương trình “tập huấn cho tập huấn viên” dành cho các giáo viên của 22 trường học trên địa bàn huyện. Mục tiêu của chương trình này là nhằm nâng cao năng lực cho giáo viên địa phương, đảm bảo họ có thể tự đứng lớp tập huấn cho các lớp học sinh mới sau này. Kết thúc quý I/2013, DDG đã triển khai các lớp tập huấn cho gần 190 cán bộ, giáo viên của 11 trường tiểu học theo đề nghị của tỉnh với gần 2.700 học sinh tiểu học của huyện Duy Xuyên đã tích cực tham gia các lớp tìm hiểu và nâng cao nhận thức phòng tránh rủi ro bom mìn của DDG, bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Ông Roger Fast cho biết, đây là dự án khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đầu tiên của tổ chức tại Việt Nam. “Hưởng ứng quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025, DDG đã trình đề án giáo dục nguy cơ bom mìn và được tỉnh Quảng Nam chấp thuận.”

“Chúng tôi sẽ không chỉ dừng lại ở giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn. Bên cạnh kế hoạch mở rộng dự án với nhiều trường học khác, trên nhiều địa bàn khác, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Quảng Nam và các tỉnh miền trung bị ảnh hưởng khác trong công tác rà phá bom mìn”, ông Roger nhấn mạnh.

Ông Roger cũng cho biết, mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là loại bỏ những nguy cơ tức thì do bom mìn và vật nổ gây ra, từ đó thiết lập và cải thiện cuộc sống an toàn bền vững cho người dân.

Từng chịu sự tàn phá nặng nề qua các cuộc chiến tranh và là trọng điểm của các trận đánh, các chiến dịch ném bom với mật độ bom, mìn, vật liệu nổ dày đặc, Quảng Nam là một trong những tỉnh có số lượng bom mìn còn sót lại nhiều nhất tại Việt Nam. Tổng diện tích nhiễm bom mìn, vật liệu chưa nổ trên địa bàn tỉnh hơn 1 triệu ha, trong đó chỉ hơn 5% diện tích đã được dò tìm. Theo ước tính tỷ lệ bom mìn chưa nổ chiếm 5-7% tổng số bom mìn đã được sử dụng trong chiến tranh nên sau khi hòa bình lập lại, tỉnh Quảng Nam còn sót lại hàng nghìn tấn bom mìn chưa nổ rải rác trên toàn tỉnh.

Trước thực trạng nhận thức về rủi ro bom mìn còn thấp, trẻ em, thanh thiếu niên và cả người lớn vẫn tiếp xúc với bom mìn, vật liệu nổ một cách thiếu ý thức, thiếu hiểu biết thông thường, không đề phòng, thậm chí coi thường, đùa nghịch, cưa cắt bom mìn lấy phế liệu …, các tai nạn thương tâm vẫn tiếp tục xảy ra.

Kể từ sau năm 1975, ước tính có hơn 30.000 thương vong liên quan đến các tai nạn bom mìn, trong đó có hơn 12.000 người chết, gần 19.000 người bị thương.

Công Bính