Nghệ An:
Khởi công xây dựng điểm trường Pà Khốm
(Dân trí) - Ngày 22/9 vừa qua, đại diện PV báo điện tử Dân trí thường trú tại Nghệ An phối hợp cùng UBND huyện Quế Phong, xã Tri Lễ đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình điểm trường Pà Khốm, thuộc Trường Tiểu học Tri Lễ 2, xã biên giới Tri Lễ (huyện Quế Phong, Nghệ An).
Công trình gồm 5 phòng học từ lớp 1 đến lớp 5. Nguồn vốn do Tổ chức Shinnyo-En (Nhật Bản) hỗ trợ 230 triệu đồng thông qua Quỹ khuyến học Việt Nam và Báo điện tử Dân trí cùng với UBND huyện Quế Phong thực hiện. Công trình có nguồn vốn đầu tư khoảng 350 triệu đồng (trong đó Tổ chức Shinnyo -En là 230 triệu đồng). Dự kiến công trình 5 phòng học điểm trường Pà Khốm sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng trung tuần tháng 11/2016.
Cùng tham dự lễ khởi công công trình ý nghĩa này có ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong; nhà báo Nguyễn Duy, Phó Trưởng Văn phòng đại diện báo Dân trí Bắc miền Trung; ông Vi Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ; ông Lô Văn Điệp - Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ và PV báo Nghệ An, báo Đại Đoàn kết, đài Truyền thanh truyền hình huyện Quế Phong cùng đông đảo nhân dân bản Pà Khốm, các em học sinh.
Thay mặt lãnh đạo xã Tri Lễ, ông Vi Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ chia sẻ: "Điểm trường Pà Khốm cách trung tâm xã hơn 20km. Nơi đây chưa có điện, chưa có đường, đặc biệt là cơ sở vật chất nhà trường còn quá tạm bợ, hằng năm chúng tôi luôn vận động phụ huynh, thầy cô cùng các cấp chính quyền để tu sửa, làm lớp tạm mỗi khi năm học mới đến để các em có chỗ học chu đáo hơn. Nay nhờ có Báo Dân trí thông qua Quỹ khuyến học Việt Nam đã được tổ chức chức Shinnyo-En (Nhật Bản) tài trợ xây dựng điểm trường cho bà con ta rất vui mừng và phấn khởi".
Cùng chung niềm vui này, thầy Lê Văn Lâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 2 chia sẻ: "Thật sự nhà trường rất là vui mừng, đặc biệt là các em học sinh ở điểm trường Pà Khốm. Bởi trong thời gian vừa qua điều kiện cơ sở vật chất ở điểm trường Pà Khốm rất là tạm bợ. Nay được báo Dân trí tổ chức khởi công xây dựng 5 phòng học ở điểm trường này thì thầy trò cũng như nhân dân địa phương hết sức vui mừng và phấn khởi. Hứa hẹn cơ sở vật chất mới các em sẽ đi học đầy đủ hơn, chất lượng hơn trong công tác dạy và học. Thay mặt lãnh đạo nhà trường tôi xin gửi lời chân thành cảm ơn sâu sắc tới Báo điện tử Dân trí qua cầu nối đã giúp đỡ nhà trường xây dựng 5 phòng học điểm trường Pà Khốm mà bấy lâu nay chúng tôi mơ ước".
Mảnh đất Pà Khốm nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Điểm trường Pà Khốm nằm cách thành TP Vinh hơn 250km. Từ trục đường chính đi vào điểm trường Pà Khốm chừng 3km đường đi lại rất vất vả. Để lên Pà Khốm phải vượt qua con dốc lớn, dài và độ nghiêng khoảng 45 độ. Nếu vào mùa mưa thì cách duy nhất lên Pà Khốm là đi bộ. Đỡ hơn chút ít khi gặp trời nắng thì còn đi xe máy lên được đến nơi nhưng con đường dẫn vào bản cũng quanh co khúc khuỷu và rất nguy hiểm.
Dù mới đầu mùa thu, nhưng Pà Khốm đã bắt đầu chìm trong màn sương mù dày đặc. Xa xa là ngôi trường cheo leo trên mỏm đồi cao hiện ra thật mờ ảo.
"Ở đây các chú đi vào mùa mưa, rét dịp tháng 12 hằng năm thì chỉ có nhìn thấy sương mù bao phủ thôi. Đứng cách nhau khoảng 10 m cũng rất khó để nhìn thấy nhau. Nhưng mùa hè lên đây thì đỡ hơn đó, nhưng khí hậu thì mát mẻ lắm", thầy giáo cắm bản Lương Trung Thành chia sẻ.
Ngôi trường cũ với 2 dãy nhà 6 phòng (5 phòng học, 1 phòng ở của giáo viên) được làm bằng ván gỗ tạp cách đây hàng chục năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù mỗi năm chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh đều góp công để sửa chữa nhưng không đuổi kịp cái tuổi già của ngôi trường, nó dần rệu rạo và dường như không còn đủ sức để che chở cho thầy trò nơi đây mỗi khi mưa gió.
Trong ngày trở lại, trong mỗi lớp học, các em học sinh vẫn chăm chú vào từng trang vở say sưa với bài học của mình.
"Ở nơi đây chuyện các em bỏ học là điều bình thường, đặc biệt khi vào vụ măng hay mùa rẫy. Các em phải theo gia đình vào rẫy để giúp bố đi làm rẫy, hay lên rừng hái măng để phụ giúp gia đình. Cuộc sống khốn khó khiến cho con chữ ở mảnh đất Pà Khốm như bị đứt đoạn", cô giáo Tám chia sẻ.
Ngoài chuyên môn giảng dạy các thầy cô còn phải phân công nhau ngoài giờ lên lớp để đi đến từng hộ gia đình vận động các em học sinh đi học lại. Có những thời điểm lán trại của gia đình các em ở sâu trong rừng thầy cô phải lội bộ cả ngày đường để đi tìm học sinh.
Việc lội bộ đi tìm học sinh là cái chuyện thường ngày ở bản, nhưng đó chưa phải là khó khăn lớn nhất mà các giáo viên đang công tác tại đây gặp phải. Khó khăn nhất là những lúc trời ở đây đổ mưa thì sương mù dày đặc, những lúc như thế trong phòng học không nơi nào khỏi ướt. Các em học sinh cũng không thể mở sách ra để học bài vì sợ sách vở bị ướt. Những lớp học cũ kỹ, không cửa chắn, mái che bị dột nát, xuống cấp nghiêm trọng không còn đủ sức để che cho thầy trò khỏi ướt trong những ngày như thế.
Căn phòng ở của các thầy giáo cắm bản, được làm liền kề với một dãy phòng học, mới đây nó được mặc thêm một “tấm áo mới” để che chắn khi trời mưa. Nhưng tấm áo lại không đủ để che cả căn phòng nên nó được ưu tiên mặc lên trên nơi các thầy cô để sách vở và tài liệu phục vụ công tác dạy học, vì đó là tài sản quý giá nhất đối với các thầy cô nơi đây.
Đều đặn mỗi tuần các thầy cô trở ra phía trung tâm xã mua đủ các thực phẩm dự trữ trong một tuần rồi lại trở vào điểm trường để tiếp tục công việc của mình. Một điểm khó khăn nữa là việc thiếu nước sinh hoạt cũng ảnh hưởng không ít đến cuộc sống của thầy và trò nơi đây.
Đến với Pà Khốm mới thấu hiểu được các thầy cô giáo, các em học sinh hằng ngày đang cố gắng bám trường, bám lớp để gieo vào đầu các em những con chữ là cả một gian truân. Hy vọng chẳng bao lâu nữa, điểm trường mới Pà Khốm đưa vào sử dụng, các em sẽ có một mái trường khang trang, sạch sẽ và con chữ đến với các em ngày càng phát triển hơn.
Dưới đây là một số hình ảnh về ngày khởi công xây dựng điểm trường Pà Khốm do PV Dân trí ghi lại:
Lớp học không có cửa nên sương mù vào mùa đông đã làm cho sách vở các em như bị ướt.
Nguyễn Duy