Khoe bài kiểm tra lên mạng, sinh viên Việt "chốt đơn" 3.500 USD từ Mỹ
(Dân trí) - Nhóm sinh viên tại TPHCM được một công ty tại Mỹ đặt đơn hàng trị giá 3.500 USD (gần 90 triệu đồng) sau khi đăng bài kiểm tra kết thúc học phần lên mạng.
"Thương vụ nghìn đô" bắt nguồn từ việc nhóm sinh viên đăng bài tập kết thúc môn lên một trang web phổ biến với dân trong ngành thiết kế đồ họa.
Nguyễn Thị Ngọc Xuân - sinh viên năm cuối ngành thiết kế đồ họa, Trường Đại học Văn Lang - chia sẻ dù đã hoàn thành đơn hàng nhưng cô nàng vẫn nhớ như in cảm giác hồi hộp, thấp thỏm khi nhận đề nghị hợp tác.
Xuân kể, khi học năm thứ ba, trong môn học nhận diện thương hiệu, giảng viên yêu cầu bắt nhóm ngẫu nhiên năm bạn để làm bài kết thúc học phần.
Nhóm đã thiết kế bộ tái nhận diện thương hiệu Phúc Long, gồm nhiều hạng mục như logo, bảng màu, bao bì gói trà, cốc, túi giấy, trang web.
Lương Anh Nhi - thành viên nhóm - cho biết đây là lần đầu nhóm hợp tác, làm việc nhưng đã thiết kế một bộ sản phẩm nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh. Ưng ý với sản phẩm, các sinh viên đã đăng khoe lên web.
Bất ngờ sau đó, nhóm nhận được email đặt hàng thiết kế bộ nhận diện thương hiệu từ một công ty kinh doanh đồ uống ở Califonia (Mỹ) hồi tháng 11/2022.
"Cả nhóm đều bất ngờ. Ban đầu, chúng em bỏ qua vì nghi ngờ là tin nhắn rác hoặc lừa đảo. Đến khi đối tác nhắn liên tiếp cho ba thành viên và gửi email, nhóm mới bàn bạc, tính toán khả năng thực hiện và những nguy cơ", Lương Anh Nhi chia sẻ.
Nhi cho biết đối tác bên Mỹ muốn thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, hứng thú với phong cách thiết kế của nhóm nên đặt hàng.
Các thành viên nhóm trước đó từng làm thiết kế đồ họa bán thời gian nhưng chỉ là công việc nhỏ lẻ, chưa có kinh nghiệm làm việc với doanh nghiệp nước ngoài.
Phần khác, nhóm lo ngại làm online, khoảng cách địa lý xa xôi, nếu xảy ra chậm trễ hoặc không thanh toán sẽ khó đòi được tiền. Dù vậy, 5 thành viên "liều" nhận việc vì cho đây là cơ hội hấp dẫn.
Ban đầu công ty đưa giá 3.000 USD cho tất cả hạng mục thiết kế từ logo, bảng màu, bao bì, cốc, bản thiết kế website, nhãn dán của thương hiệu..., nhóm đã trao đổi, tư vấn và cuối cùng "chốt đơn" với giá trị 3.500 USD.
Để thuận lợi cho quá trình trao đổi, nhóm tìm thêm một thành viên là Nguyễn Võ Trường Quan, du học sinh Mỹ. Các sinh viên Trường Đại học Văn Lang sẽ đảm nhiệm phần thiết kế chính. Trường Quan chịu trách nhiệm trao đổi, thỏa thuận với khách hàng.
Ngoài ra, nhóm tham khảo ý kiến của giảng viên trong khoa, các sinh viên.
Dẫu vậy, không ít lần nhóm tranh luận gay gắt do các thành viên được tập hợp ngẫu nhiên khi làm bài tập môn học, không có sự ăn ý, thấu hiểu, cộng hưởng từ trước.
Theo Nhi, đây là điểm bất lợi nhưng đồng thời giúp các bạn học cách kết nối, dung hòa quan điểm khi làm việc nhóm.
Nhóm không ít lần "căng thẳng" trước yêu cầu của khách hàng. Nhi kể có lần đã làm đúng ý khách nhưng sau đó họ đổi ý, đòi chỉnh sửa tiếp. Cả nhóm phải bàn bạc, thống nhất quan điểm rồi cùng trao đổi với đối tác.
Lần khác, đối tác yêu cầu cả nhóm sử dụng bảng màu pantone (một loại bảng màu thông dụng ở Mỹ). Để đáp ứng, các thành viên phải mày mò, học cách dùng vì trước đó họ thuần thục một bảng màu khác.
Sau đó, nhóm tư vấn cho đối tác thay đổi toàn bộ bảng màu, phông chữ, logo so với yêu cầu ban đầu họ đặt ra vì yếu tố thẩm mỹ, hiệu quả trong thực tế in ấn, sử dụng.
Ngoài ra, các sinh viên đều bước vào năm cuối nên chủ yếu làm việc online, quá trình hoàn thiện dự án phải mất gần một năm.
Lương Anh Nhi cho biết khi gửi bản hoàn thiện cuối cùng, cả nhóm đều hài lòng. Quan trọng hơn, các thành viên đều biết được năng lực mình tới đâu, có nhiều kinh nghiệm thực chiến với đối tác nước ngoài.
Thạc sĩ Hoàng Thị Anh Nghi - giảng viên ngành thiết kế đồ họa, đồng thời là người hướng dẫn nhóm - cho biết với sinh viên mỹ thuật nói chung, việc thực hiện dự án hoặc đi làm từ năm thứ hai trở đi khá phổ biến. Song, đây là lần đầu tiên một nhóm sinh viên của trường có đơn hàng từ Mỹ với giá trị tương đối lớn.
Theo nữ giảng viên, để sản phẩm vừa dung hòa ý tưởng của mỗi thành viên, vừa thể hiện sự sáng tạo, bay bổng của sinh viên mỹ thuật, vừa đáp ứng tính thương mại, dễ nhớ là không dễ dàng.
Quá trình chuyển từ đồ án đến dự án tái nhận diện thương hiệu sẽ giúp sinh viên trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm, đồng thời tiếp thêm sự tự tin để các bạn nhanh chóng thích nghi với thị trường lao động sau khi ra trường, Thạc sĩ Hoàng Thị Anh Nghi cho biết.