Khốc liệt “cuộc chiến” thi vào lớp 10 công lập
(Dân trí) - Số lượng thí sinh tăng vọt trong khi chỉ tiêu tuyển sinh lại giảm khiến kỳ thi vào lớp 10 THPT trở thành áp lực lớn với học sinh và phụ huynh tại thời điểm này.
Học sinh lớp 9 tăng, chỉ tiêu vào lớp 10 giảm
Theo công bố của Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội, năm học 2020 - 2021, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT của TP Hà Nội dự kiến là 90.730 học sinh (tăng 5.776 học sinh so với năm học 2019-2020). Trong đó, các trường công lập tuyển 66.492 học sinh.
Như vậy, chỉ có khoảng 62% học sinh trúng tuyển vào trường THPT công lập.
Một số khảo sát sơ bộ cho thấy năm nay các trường công thuộc top đầu của Hà Nội đều bị giảm chỉ tiêu so với năm ngoái, trong khi đó số học sinh tốt nghiệp THCS lại tăng gần 6.000 em. Điều này đã đẩy tỷ lệ chọi vào các trường công tăng vọt. Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm năm nay công bố có 4860 hồ sơ đăng ký dự thi, nhưng chỉ nhận 305 chỉ tiêu vào các lớp chuyên, tỷ lệ chọi trung bình là 1/15. Áp lực thi cử khiến học sinh lo lắng, phụ huynh cũng như ngồi trên đống lửa.
“Con gái tôi đặt mục tiêu đỗ chuyên Toán vào 1 trong 4 trường chuyên của Hà Nội. Bình thường cháu đã học tập chăm chỉ, nhưng dịp này con càng học nhiều hơn do đợt giãn cách vì dịch Covid – 19 khiến nhiều bài vở trên trường lớp bị dồn lại, vì thế việc ôn tập lại càng gấp gáp. Con và bạn cùng lớp tham gia nhiều lớp học thêm, lịch trình khá dày đặc, nhiều lúc nhìn con mệt tôi rất thương.” Chị Lan Hương, một phụ huynh Hà Nội có con đang ôn thi cho hay.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 17-18.7 tới đây với 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Với kỳ thi chuyên, các thí sinh sẽ phải trải qua 2 bài thi, một bài thi các môn chung và một vòng với môn chuyên đã chọn.
Số lượng đăng ký dự tuyển nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 của từng trường THPT công lập không chuyên như sau:
Cửa nào khi không đỗ công lập?
Trước áp lực thi vào lớp 10 nóng từng giờ, nhiều phụ huynh chủ trương nếu con mình không đỗ trường công, việc lựa chọn các trường ngoài công lập trở thành một phương án phù hợp và dễ thở hơn nhiều.
Chị Phạm Hà Thu – phụ huynh học sinh trường THCS Thái Thịnh, Hà Nội chia sẻ: “Xã hội và thế giới đang thay đổi nhanh chóng nên sự thành công của một học sinh không chỉ là kiến thức mà còn là kỹ năng, khả năng tự xoay sở, học hỏi những điều mới nên tôi chú trọng tìm kiếm môi trường học tập giúp con mình rèn luyện được những kỹ năng đó”
Quan điểm của chị Thu nhận được nhiều sự ủng hộ, đó cũng là lý do các trường NCL ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm của phụ huynh. Nhiều trường chú trọng vào việc tạo ra môi trường học tập, phát triển toàn diện cả về kiến thức lẫn kỹ năng cho học sinh. Đội ngũ giáo viên trẻ, có khả năng nhanh chóng cập nhật và ứng dụng công nghệ vào giảng dạy cùng quan điểm tôn trọng cá tính, đặc điểm cá nhân mỗi học sinh là điểm nổi trội của các trường trên.
Cũng bởi theo triết lý đó nên phương thức xét tuyển của các trường cũng khá đa dạng: xét học bạ, hoặc có thể kiểm tra đầu vào bằng các bài test EQ, IQ hay phỏng vấn các thí sinh có các thành tích đặc biệt về văn nghệ, thể thao, hoạt động ngoại khóa… Thí sinh đã đủ điều kiện ở một trường NCL sẽ yên tâm hơn rất nhiều trong kỳ thi vào lớp 10 đầy thử thách tới đây.
Theo thầy Hoàng Cao Chung – Phó Hiệu trưởng trường THPT FPT: “Đến thời điểm này chúng tôi nhận được hơn 2000 hồ sơ xét tuyển trong đó đã có 400 thí sinh làm thủ tục nhập học chính thức. Đây là những gia đình đã tìm hiểu và lựa chọn mô hình nội trú cho những năm tháng cấp 3 của con và sẽ không tham kỳ thi vào lớp 10. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít các bậc phụ huynh coi THPT FPT như phương án dự phòng trong trường hợp nguyện vọng 1 con không đạt. Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn trên và cũng hy vọng các em vững tâm hơn trong kỳ thi tới khi đã có một “cửa lùi” phía sau”.
Kỳ thi vào lớp 10 sắp tới đang gây ra không ít căng thẳng, mệt mỏi cho các gia đình. Chính vì thế sự chia sẻ, thừa nhận năng lực của con mình từ phía bố mẹ, cùng sự chuẩn bị kỹ càng cho các nguyện vọng 3, 4 sẽ giúp cho các sỹ tử thoải mái, tự tin để đạt được kết quả tốt nhất.
Trường Thịnh