An Giang:
"Khoác áo mới" cho nhà vệ sinh trường tiểu học
(Dân trí) - Nhiều nhà vệ sinh trường tiểu học trên địa bàn An Giang được các giáo viên Mĩ Thuật "khoác áo mới" bằng những bức tranh sáng đẹp. Điều này, giúp các em học sinh không còn e ngại khi vào nhà vệ sinh.
Từ năm học 2019 - 2020 đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) An Giang đã chỉ đạo thực hiện thí điểm việc vẽ trang trí nhà vệ sinh ở một số trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh.
Người đưa ra ý tưởng đề xuất khá lạ lẫm này chính là thầy Võ Văn Quới - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Tiểu học (Sở GD&ĐT An Giang).
Theo thầy Quới chia sẻ, trong một lần đi công tác ở Đồng Tháp, thầy gặp các em sinh viên tình nguyện tham gia vẽ trang trí tranh tường và các bức bích họa ở những nơi công cộng thấy cũng hay hay.
Từ đó, thầy đề xuất và khuyến khích Tổ bộ môn cùng với giáo viên Mĩ thuật tổ chức thực hiện thí điểm công việc này ở một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh vào đầu năm học 2019 - 2020.
"Được sự thống nhất của Ban Giám đốc Sở GD&ĐT, chúng tôi tiến hành triển khai và thực hiện thí điểm mỗi huyện, thị, thành phố 1 đơn vị trường, nếu thấy có hiệu quả thì sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Tổ bộ môn Mĩ thuật, chúng tôi nhận được những phản hồi rất tích cực từ cơ sở, từ phụ huynh... các em học sinh rất thích thú và cảm thấy thoải mái khi đi đến nhà vệ sinh.
Tính đến hết hè năm học 2019 - 2020, tổ bộ môn cấp tỉnh phối hợp với giáo viên Mĩ thuật đã "khoác áo mới" cho nhà vệ sinh ở 11 điểm trường tiểu học ở 11 huyện, thị, thành phố trong tỉnh và tiếp tục được nhân rộng vào những năm học sau", thầy Quới vui mừng cho biết thêm.
Với ý tưởng ban đầu, được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các đơn vị trường học và những phản hồi tích cực về tính hiệu quả của các công trình mang lại, Sở GD&ĐT An Giang tiếp tục giao cho tổ bộ môn Mĩ thuật cấp tỉnh khuyến khích tổ bộ môn các huyện, thị, thành phố trong tỉnh lên kế hoạch và xin ý kiến của lãnh đạo Phòng tổ chức thực hiện mỗi tháng 1 trường tiểu học ở huyện mình phụ trách.
Thầy Võ Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Văn Liêm (TP. Long Xuyên) - Tổ trưởng Tổ bộ môn Mĩ thuật Tiểu học cấp tỉnh cho biết: "Sau đợt thực hiện thí điểm của Tổ bộ môn tỉnh thì hiện nay các Tổ bộ môn cấp huyện cũng đã lên kế hoạch cùng với đội ngũ giáo viên Mĩ thuật của huyện mình tiến hành nhân rộng mô hình ở tất cả các địa phương.
Chúng tôi phấn đấu đến cuối năm học 2020 - 2021 này sẽ hoàn thành 70% số trường tiểu học trong toàn tỉnh để góp phần ngày càng có hiệu quả hơn phong trào xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", tạo cảnh quan trường học "Xanh - Sạch - Đẹp" nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung và bảo vệ môi trường của học sinh".
Những bức tranh, bức bích họa được các giáo viên Mĩ thuật cặm cụi vẽ nên chủ yếu tập trung vào các chủ đề quen thuộc về bảo vệ môi trường, trò chơi dân gian, về động thực vật, về biển... với nội dung đa dạng và phong phú, với những hình ảnh sinh động, gần gũi và phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh tiểu học.
Để có được những bức họa hoàn chỉnh, đảm bảo đẹp về hình thức lẫn nội dung như thế... các nhóm giáo viên thực hiện phải mất khoảng 2 ngày. Trước khi bắt tay vào vẽ, các thành viên nhóm phải tẩy rửa các mảng tường bên ngoài nhà vệ sinh sạch sẽ đợi đến khi khô ráo rồi mới tiến hành mọi công đoạn tiếp theo.
"Mỗi người một việc, các thành viên trong nhóm luôn nhiệt tình và luôn hỗ trợ cho nhau với mong mỏi có được những "sản phẩm" đẹp và ưng ý nhất dù có mệt nhưng cũng rất vui vì mình đã được góp một phần công sức giúp học sinh không còn e ngại khi đến nhà vệ sinh", thầy Nguyễn Huy Oát, một thành viên trong nhóm vừa tỉ mẩn từng nét cọ, vừa chia sẻ.
Những công trình ý nghĩa và thiết thực này đã góp phần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung trong học sinh và giúp các em vơi nỗi ám ảnh, e ngại mỗi khi có nhu cầu đi vệ sinh ở trường học.