Khi thầy giáo thành “thầy kiện”
(Dân trí) - Cuộc chiến “Nói không với tiêu cực” đang được thực hiện hết sức nghiêm túc và ráo riết trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, cũng không ít người thầy đã lợi dụng điều này để thực hiện những toan tính riêng, trở thành những ông “thầy kiện” vô lối.
Dưới đây là một số minh chứng:
Tại trường ĐH N, căn cứ trên những kết luận của sinh viên và thực tế hoạt động của khoa T.A, Hiệu trưởng đã quyết định chia tách khoa ra thành hai để vừa dễ quản lý, vừa nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên.
Ông Hiệu trưởng trình bày lý do tách: Ai lại một khoa mà giáo viên lên đến gần 100 người, rồi từ chủ nhiệm khoa đến phó chủ nhiệm khoa và cán bộ giảng viên trong khoa như tự thiết lập một “vương quốc riêng” cho họ.
Trong vương quốc ấy, không ai bảo được ai, cứ mạnh người nào người ấy làm, gặp lãnh đạo nhà trường thì cứ lờ lớ lơ đi như gặp người không biết.
Giảng dạy thì sai giờ giấc, giảng viên thì chủ yếu dành thời gian để chạy sô bên ngoài để kiếm thêm. Phải chia tách mới hy vọng lập lại trật tự!
Ông Hiệu trưởng cũng đưa bản nhận xét của sinh viên trong khoa gửi lên Ban giám hiệu. Trong đó nhiều sinh viên đã phải bức xúc kêu lên: Việc giảng dạy của giáo viên khoa T.A đặc biệt lạc hậu, học sinh không hiểu giáo viên nói gì và không hiểu giáo viên có hiểu sinh viên nói gì không.
Với tình trạng giảng dạy thế này thì chúng em sẽ bị bỏ lại xa trong tương lai. Các thầy cô của khoa đều thiếu trách nhiệm, giờ giải lao ra chơi gần hết một tiết học, giờ học trong lớp không hiệu quả, giảng sai, không cập nhật thông tin, thiếu sáng tạo...
Ấy vậy mà khi vừa chia tách, nguyên chủ nhiệm khoa T.A - nay không còn được giữ chức chủ nhiệm đã gửi đơn đi khắp nơi để kiện với những nội dung như: “Chuyện kinh hoàng vừa diễn ra”, “Chuyện chưa từng diễn ra từ trước đến nay trong làng ĐH”...
Nhưng có một thực tế rằng, 4 tháng sau khi chia tách, việc giảng dạy ở khoa này đã đi vào quy củ và được cải thiện rõ rệt. Dù vậy, ông Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu nhà trường đã phải lao đao hàng tuần lễ vì phải giải trình các loại công văn ngược, xuôi.
Còn tại ĐH B, thầy T - trưởng khoa H.M năm 2005 bị sinh viên đồng loạt khiếu nại lên nhà trường về việc thầy ăn chặn tiền của sinh viên với nhân chứng vật chứng không thể chối cãi. Đến nay, hiệu phó nhà trường vẫn còn giữ trong tay cuốn số “biên nhận” chứng minh số tiền ông thầy này đã nhận từ mỗi sinh viên bao nhiêu tiền và con số tổng đã lên đến hàng chục triệu đồng.
Hồi đó, cũng trên tinh thần thương đồng nghiệp nên lãnh đạo nhà trường chỉ bãi chức Trưởng khoa với hy vọng mong thầy sẽ tu tỉnh và cố giữ đạo thầy.
Thế nhưng, gần hai năm sau đó, nhân tiện có cuộc vận động “Hai không”, thầy giáo này lại đâm đơn kiện lãnh đạo nhà trường đã đối xử bất công và kêu mình bị oan uổng quá để yêu cầu nhà trường phải khôi phục lại cho mình chức vụ năm xưa!
Trong một cuộc họp báo về cuộc vận động “Hai không”, trả lời câu hỏi của Dân trí: “Làm thế nào để ngăn chặn được những hành vi lợi dụng danh nghĩa chống tiêu cực để mưu cầu lợi ích cá nhân và trả lại sự trong sạch, đúng nghĩa cho việc nói không với tiêu cực?”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho hay, tất cả những hành vi như vậy, khi bị phát hiện sẽ bị xử lý thích đáng.
Trong thời điểm đầy nhạy cảm của cuộc chiến “Nói không với tiêu cực” này thì cách “Nói không” thế nào cũng là điều mà người thầy, với lương tâm và trách nhiệm của mình trước khi lên tiếng hãy thật cân nhắc.
Đã có một số trường hợp bị xử lý vì đi kiện tùm lum và kiện sai như trường hợp của một thầy giáo ở An Giang.
Nội dung quyết định nêu rõ, do ông Hải kém ý thức chấp hành pháp luật nên đã có hành vi phát tán đơn tố cáo (Hiệu trưởng Trần Kim Phiên) cho nhiều người, nhiều cơ quan và vượt cấp thẩm quyền giải quyết, tạo dư luận xấu trong đơn vị.
Thông tin từ Sở GD-ĐT An Giang cũng cho thấy thời gian qua có nhiều giáo viên đã lợi dụng chủ trương chống tiêu cực trong ngành đã phát đơn thưa kiện lung tung, vượt cấp và sai luật. Trong đó có đến 80-90% đơn thư xuất phát từ vụ lợi hoặc ganh ghét cá nhân. |
M.M