Khi nhà giáo “cay nghiệt” với trò, với nghề

(Dân trí) - Khó chịu với trò, ấm ức với những gì công việc mang lại, thiếu năng lượng tích cực..., không ít nhà giáo "cay nghiệt" với nghề nghiệp mình theo đuổi.

Nhìn học trò là ngán!

Cách đây không lâu, cộng đồng mạng "nổi sóng" trước dòng trạng thái trên Facebook của một cô giáo mầm non. Cô kể về những đứa trẻ là học trò trong lớp mình nhìn xấu hơ xấu hoắc, mặt mũi tèm lem, đen nhẻm còn bày đặt hỏi cô "con dễ thương không?".

 

Khi nhà giáo “cay nghiệt” với trò, với nghề - Ảnh 1.

Không ít người thầy làm nghề với sự cay nghiệt. Trong ảnh: Lớp học ở Quảng Bình - nơi cô giáo bắt 23 học sinh cùng lớp tát bạn vì "nói tục".

Rồi tiếp đó là những cảm thán của cô mà người đọc không dám tin với những ngôn từ chê bai dành cho học trò như nhìn mấy đứa ấy là buồn..., mất cả hứng dạy, chẳng muốn ăn uống.

Khi cô đăng tải dòng cảm xúc này, rất nhiều người đã vào phản hồi thể hiện sự bức xúc, có người chân thành khuyên cô nên nghỉ việc. Sau đó, cô giáo trẻ đã xóa dòng trạng thái này và khóa trang cá nhân.

Không chỉ là lời nói nói bâng quơ, sự việc giáo viên đay nghiến, thóa mạ học trò chua chát xảy ra mới đây tại một trường mầm non ở Hà Nội. Hai giáo viên nhắn tin cho nhau, "kể tội" bằng những lời lẽ tục tĩu, chửi bậy về một bé nôn trớ trong lớp nhưng không ngờ lại gửi nhầm cho chính... mẹ của bé.

Đọc những lời lẽ khủng khiếp này, phụ huynh đã lên trao đổi với ban giám hiệu và chính hiệu trưởng cũng "sốc" không tin nổi giáo viên lại có thể dành những ngôn từ như vậy cho học sinh. Nhà trường nhận sai sót trong quá trình tuyển dụng, ra quyết định sa thải hai giáo viên, đồng thời đưa ra biện pháp để hai cô giáo này không thể tiếp tục làm nghề dạy trẻ.

Giống như tình cảm của một nữ sinh trong quá trình đi thực tập tại một trường mầm non, em đã ngồi khóc tu tu: "Em không thể theo công việc này suốt đời được. Nhìn học trò khóc, ói, ị... là em chán nản, đau đầu". Các giáo viên lâu năm trong lớp khuyên em cân nhắc kỹ, nếu xác định mình không trẻ, yêu nghề thì nên nghỉ việc sớm.

Cô gái trẻ gật đầu cho biết mình sẽ đấu tranh với gia đình để tìm công việc khác...

Bám nghề với sự cay nghiệt

Thế nhưng không phải giáo viên nào cũng đủ bản lĩnh, lựa chọn "không yêu thì buông bỏ". Và lại thiếu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình, nhiều giáo viên bám nghề, rút sự ấm ức vào học trò - đối tượng tương tác trong công việc.

Không thể bao biện lý lẽ "thương cho roi cho vọt" nào với những người thầy đày đọa, dằn mặt học trò bằng việc lên lớp 3 - 4 tháng trời không nói, không giảng một lời; người thầy bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng; người thầy bắt 23 học sinh trong lớp tát 230 cái vào một học sinh...

Nói về sự cay nghiệt của giáo viên, một quản lý đào tạo Sư phạm mầm non một trường ĐH ở TPHCM cho hay, có một sự khác biệt rất lớn giữa việc chọn nghề giáo ở ta và các nước tiên tiến. Đó chưa hẳn là vấn đề thu nhập, lương bổng, môi trường làm việc... Đây chỉ là những điều kiện khách quan, chưa phải là yếu tố quyết định thái độ của người thầy với nghề, với trò.

 

Khi nhà giáo “cay nghiệt” với trò, với nghề - Ảnh 2.

Người thầy đến với nghề bằng tình yêu, trách nhiệm sẽ tìm thấy niềm vui trong công việc. Trong ảnh: Cô trò Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM trong dịp 20/11.

 

Bà phân tích, ở các nước tiên tiến, những người chọn làm việc liên quan đến trẻ em bởi sự đam mê, vì muốn làm một điều gì đó thay đổi tích cực cho con trẻ. Còn ở mình, bà thấy rõ nhiều người theo nghề đơn giản đó chỉ là một công việc để mưu sinh, để có nghề...

Phải làm công việc mình không yêu thích, nghề lại không thỏa mãn được những nhu cầu bản thân nên có những giáo viên trở nên bất mãn, cay nghiệt với chính học trò.

Vị quản lý này cho biết, trong quá trình đào tạo ngành Sư phạm, năm nào cũng có số lượng sinh viên bỏ học rất lớn, các em tìm hướng đi khác. Nhiều người hốt hoảng nhưng bà cho đây là một dấu hiệu sàng lọc tích cực. Trước hết tốt cho chính các em, sau đó là cho học trò.

Nhà văn Vũ Đức Sao Biển, cũng là một cựu nhà giáo bày tỏ, những bất ổn trong giáo dục, đối xử bạc với học trò xuất phát từ chính người thầy là một lời cảnh báo về nghề Sư phạm.

Theo ông, đang có một sự khủng hoảng trong việc sử dụng nhân sự ngành Sư phạm. Trước đây, người thầy đứng lớp được lựa chọn rất kỹ về kiến thức, đạo đức, lời ăn tiếng nói, tác phong... Nhưng giờ đây, tiêu chuẩn về đạo đức, về nhân cách, về tình yêu nghề không được coi trọng từ chính những người đứng lớp.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm