Tư vấn tuyển sinh:

Khi nào thì có tỷ lệ “chọi”?

(Dân trí) - Có được hỗ trợ kinh phí thực tập? Mất phiếu số 2 thì có ảnh hưởng đến dự thi? Chuyển đổi ngành dự thi trước khi thi? Hồ sơ bị trả lại thì phải làm sao? Thắc mắc về liên thông từ ngành xây dựng sang khối Kinh tế?...

Khi nào thì có tỷ lệ “chọi”?  - 1

Thí sinh làm bài thi tuyển sinh ĐH năm 2009. (Ảnh: Nguyễn Hùng)

Hỏi: Em là sinh viên năm cuối Hệ CĐ đào tạo theo địa chỉ của một trường đại học. Điều em thắc mắc đó là Bộ Giáo dục có hỗ trợ chi phí thực tập cho Thực tập sư phạm đợt 2 (năm 3) không? (osgserver@gmail.com)

*Trả lời:

Câu hỏi của em không rõ ràng nên rất khó để Ban tư vấn có thể trả lời. Để có thể nhận được câu trả lời chính xác thì em cần phải cung cấp rõ ràng là mình đang học trường nào, hệ đào tạo theo địa chỉ ra sao (liên kết đào tạo hay cử tuyển)...

Về nguyên tắc thì chỉ có các hệ đào tạo chính quy mới được nhà nước hỗ trợ kinh phí thực tập. Tất nhiên khoản chi phí này không nhiều vì thế để có thể đảm bảo sinh viên được thực tập trong môi trường tốt nhất thì nhiều trường yêu cầu sinh viên đóng thêm chi phí.

Em nộp hồ sơ tại trường ĐH Nông Nghiệp I Hà Nội. Không may em bị mất phiều số 2. Cho em hỏi mất phiếu số 2 có bị làm sao không? (trinhngoctu18@gmail.com)

Em không cần lo lắng. Phiếu ĐKDT số 2 chỉ có tác dụng dùng để làm cơ sở nhận giấy báo dự thi, giấy báo điểm và dùng để cán bộ tuyển sinh xác nhận khi có sai sót trong giấy báo dự thi.

Nếu phiếu số 2 bị mất thì sẽ không làm ảnh hưởng đến việc dự thi của thí sinh. Tuy nhiên em cần phải lưu ý một số điểm sau:

- Khi nhận giấy báo dự thi thì em cần phải mang giấy tờ tùy thân thiết yếu để cán bộ cấp phát kiểm tra đổi chiếu (chứng minh thư, thẻ học sinh…).

- Nếu giấy báo dự thi có sai sót thì em cần mang giấy tờ gốc để trong ngày đến làm thủ tục dự thi cán bộ tuyển sinh sẽ kiểm tra đối chiếu. Nếu phải điều chỉnh thì em yêu cầu cán bộ phòng thi viết tay xác nhận và ký tên đóng dấu. Em phải giữ lại giấy này để làm cơ sở đối chiếu sau này.

Việc chuyển đổi mã ngành dự thi trước khi thi có rắc rối không? (hiendongo@gmail.com)

Theo Ban tư vấn thì nếu em liên hệ được trực tiếp với các trường trước khi các trường gửi giấy báo dự thi thì mọi việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Còn sau khi các trường đã gửi giấy báo thì việc có được đổi mã ngành dự thi trong ngày đến làm thủ tục dự thi có được hay không là tùy thuộc vào từng Hội đồng tuyển sinh.

Theo quy chế tuyển sinh thì ngày đến làm thủ tục dự thi chỉ để điều chỉnh lại những sai sót trong giấy báo dự thi chứ không phải là để đổi mã ngành dự thi. Do việc đổi mã ngành mất thời gian và sẽ làm đảo lộn nhiều thứ nên hầu hết các trường đều không có phép thí thực hiện điều này.

Năm nay, em đang kí dự thi 2 trường, 1 khối A, 1 khối D1. Em đã nộp từ ngày 10/4, nhưng đến ngày 20/4 nhà trường mới đưa lại cho em hồ sơ thi khối A với lý do trường em đăng kí không tổ chức thi tuyển sinh. Bây giờ, em có thể nộp đơn đăng kí thi đại học tại trường khác không? (bupbe_nhaylau@yahoo.com)

Vào thời điểm hiện tại thì em không thể nộp hồ sơ ĐKDT được nữa. Công tác tiếp nhận hồ sơ ĐKDT đã chốt vào ngày 17/4.

Em cần xem xét lại vấn đề này: Nếu lỗi xuất phát từ phía nơi thu hồ sơ ĐKDT thì em có thể yêu cầu đơn vị này có công văn gửi trường em đăng ký để nhà trường xem xét giải quyết. Nếu lỗi xuất phát từ phía cá nhân em thì mọi chuyện không thể thay đổi được.

Năm nay em học lớp 12, em đăng kí thi vào ngành Tài chính Ngân hàng trường Đại học Hà Nội, em muốn hỏi ngành sẽ dạy những gì và dạy như thế nào?(anhthao_athena@yahoo.com)

Nói chung thì các chuyên ngành đào tạo về kinh tế - xã hội và công nghệ của trường ĐH Hà Nội sẽ được đào tạo bằng tiếng Anh là chủ yếu.

Đối với ngành Tài chính Ngân hàng thì mục tiêu là đào tạo chuyên môn vững, tinh thông về ngoại ngữ (tiếng Anh). Về kiến thức thì sinh viên được cập nhật những kiến thức mới nhất về quản trị doanh nghiệp tài chính, thị trường tài chính và hoạt động của ngân hàng…bao gồm những công việc chính như quản lý, marketing, nhân sự, tài chính, kế toán… lẫn các mảng chuyên ngành hẹp như thị trường và thể chế tài chính, hoạt động của ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, quản lý rủi ro, quản lý danh mục đầu tư...

Về quá trình đào tạo thì sau khi trúng tuyển vào trường thì sinh viên sẽ được tăng cường học ngoại ngữ. Sau khi hết giai đoạn học tiếng (khoảng 1-1,5 năm) thì sinh viên bắt tay vào học các chuyên ngành đã đăng ký.

Năm nay em thi ĐH mà vừa rồi em đã nộp 2 bộ sơ vào ĐH Kinh Doanh và Công Nghệ Hà Nội. Bây giờ em có ý định nếu điểm thi của em không đủ để vào ĐH Kinh Doanh và Công Nghệ Hà Nội thì có được nộp hồ sơ vào các trường CĐ khác không? (Mouse0912@gmail.com)

Tất nhiên là hoàn toàn được phép nếu điểm thi của em đáp ứng được điều kiện điểm sàn của Bộ GD-ĐT đưa ra. Chỉ có những thí sinh trượt NV1 và có điểm thi đáp ứng được điều kiện điểm sàn mới được cấp giấy chứng nhận điểm thi số 1 và 2 để làm hồ sơ tham gia xét tuyển NV2, NV3.

Hiện nay em đang là sinh viên năm thứ nhất ĐH Mỏ Địa chất. Năm nay em muốn làm hồ sơ thi lại Học viện Ngân hàng. Em muốn hỏi đã có tỉ lệ chọi của trường HV Ngân Hàng chưa? Và nếu em đỗ Học viện Ngân hàng năm nay thì liệu em có thể học cùng 1 lúc 2 trường ĐH được không? Nếu được thì cần những thủ tục gì? (viettoe@gmail.com)

Ngày mai các Sở mới bàn giao hồ sơ ĐKDT cho các trường. Sau khi nhận hồ sơ thì các trường mới thống kê và phân loại. Như vậy khoảng vào giữa tháng 5 thì có thể các trường mới công bố thông tin này. Dân trí sẽ cố gắng liên hệ với các trường để lấy con số thống kê này trong thời gian sớm nhất để có thể cung cấp cho các bạn thí sinh.

Theo Ban tư vấn thì tỷ lệ chọi chỉ là con số để tham khảo chứ không nói lên được điều gì. Chính vì thế em đừng có bị dao động bởi con số tỷ lệ chọi.

Hiện nay không có quy định nào cấm sinh viên học một lúc nhiều trường cả. Tuy nhiên các trường chỉ khuyến khích các sinh viên có học lực khá giỏi mới nên học nhiều trường vì nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả học tập ở cả hai bên.

Khi đã hết giờ làm bài mà em vẫn chưa ghi đầy đủ thông tin cá nhân của mình (họ tên, số báo danh, trường...) hay số tờ thì có được bổ sung trước khi nộp bài không? Trong mỗi môn thi, em phải kí vào 2 phiếu thu bài phải không, có cần kí vào phiếu nào nữa không? (phuctinh25@yahoo.com.vn)

Em đừng quá bận tâm về vấn đề này mà hãy tập trung ôn tập cho tốt. Tất cả các thông tin này sẽ được cán bộ phòng thi nhắc nhở trước mỗi môn thi.

Về nguyên tắc thì sau khi nhận giấy thi thì em ghi đầy đủ thông tin cần thiết để tránh tình trạng hết giờ em ghi không đủ thông tin dẫn đến thất lạc bài thi.

Em đang học hệ chính quy trường HVKTQS (hệ cao đẳng dân sự), ngành em học Máy Xây Dựng. Nếu em học liên thông lên thì em có thể học khối “ kinh tế” để nhận bằng chính quy không? (thanhhuehvktqs@gmail.com)

Điều này là không được phép. Theo quy chế đào tạo liên thông thì sinh viên chỉ được đăng ký học liên thông lên đúng với ngành hoặc gần đúng với ngành mình đã tốt nghiệp trước đó. Ở đây ngành em học không thuộc nhóm ngành kinh tế nên không thể học liên thông lên khối các trường Kinh tế được.

Em nghe nói năm 2010, cả thi TN THPT và thi ĐH thí sinh học ban nào thì bắt buộc phải làm phần dành cho ban đó ở phần riêng có đúng không hay là chỉ ở kì thi tốt nghiệp THPT? (nguyenquanglam1992@yahoo.com)

Đối với kì thi năm này (thi ĐH và Thi tốt nghiệp THPT) thì thí sinh được phép lựa chọn ở phần riêng. Nghĩa là không bắt buộc học ban nào phải chọn làm ở ban đó. Tuy nhiên khi chọn phần nào thì phải làm phần đó, nếu làm cả hai phần thì chỉ chấm điểm phần chung và không chấm điểm phần riêng.

Ban tư vấn tuyển sinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm