Bạn đọc viết:
Khi môn học Giáo dục công dân bị “lép vế”
(Dân trí) - Dõi theo hai bài viết về “Giáo dục đạo đức công dân cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh hiện nay” và “Giáo dục đạo đức cho HS-SV: Khoảng trống trong sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình” trên báo Dân trí, hẳn là lòng người sẽ cùng chung niềm trăn trở khi đạo đức, nhân cách của một bộ phận người trẻ đang có dấu hiệu tiêu cực.
Cụ thể, bà Lâm Thị Sang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đánh giá trong một hội thảo diễn ra tại tỉnh này: “Đạo đức của một bộ phận HS-SV đang xuống cấp đến mức báo động; vẫn còn có hành vi vi phạm pháp luật, sa sút nhân cách… là một trong những thách thức lớn đối với ngành giáo dục và cả xã hội”.
Bàn về nguyên nhân, hội thảo đã chỉ ra nhiều khía cạnh nguồn cơn khác nhau dẫn đến thực trạng sa sút đạo đức. Riêng cá nhân tôi nghĩ, một trong những lý do căn cơ dẫn đến việc người trẻ dần xa rời những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, đánh mất phương hướng, lý tưởng sống đó là việc dạy người đang bị buông lỏng trong nhiều trường học.
Thẳng thắn nhìn vào thực tế hiện nay, chúng ta có thể thấy vai trò môn giáo dục công dân (GDCD) trong nhà trường vẫn đang bị “lép vế”. Và trong khi các kiến thức toán, văn, lý, sử,… vẫn đang được chăm chút bồi dưỡng mỗi ngày để phục vụ cho thi cử, kiểm tra thì GDCD đang bị nhiều người ngoành mặt làm ngơ. Từ giáo viên cho đến học sinh vẫn mặc định đây là môn phụ, học đối phó là chính. Đến bao giờ GDCD mới trở thành môn học chính và được nhìn nhận ở một vị thế quan trọng hơn?
Không phải đến tận bây giờ, trong thời điểm xã hội ta đau đáu nỗi trăn trở về căn bệnh vô cảm thì chúng ta mới kêu gọi nâng cao vai trò và vị thế của môn GDCD. Đạo đức vẫn luôn là cái gốc của mọi sự phát triển bền vững. GDCD luôn luôn cần thiết cho sự trưởng thành của mỗi con người khỏe về thể chất, mạnh về tâm hồn.
Tôi nhớ cách đây một vài năm xung quanh môn GDCD cũng đã xì xèo nhiều ý kiến về môn chính - môn phụ, môn quan trọng và quan trọng đến mức độ nào. Sau nhiều lời ca thán của dư luận, ngành giáo dục đã có một vài chuyển động tích cực nhằm lấy lại vị thế của môn học gắn chặt với việc “rèn người” này.
Đơn cử như phong trào đổi mới phương pháp dạy học GDCD hoặc là chủ trương đánh giá xếp loại hạnh kiểm học sinh phải có ý kiến thống nhất của giáo viên dạy môn GDCD. Ngay trong học bạ của học sinh cũng có sự đổi mới rõ rệt, môn GDCD có đến 3-4 dòng kẻ để giáo viên có thể ghi ý kiến đánh giá.
Chỉ tiếc là sau tất cả, bây giờ GDCD vẫn rớt xuống vị trí môn phụ. Cách xếp loại hạnh kiểm có ý kiến của giáo viên GDCD hoàn toàn biến mất. Học bạ học sinh vẫn chỉ gọn lỏn 3 con điểm tương ứng kết quả kỳ 1, kỳ 2, cuối năm cùng chữ ký của giáo viên.
“Bao giờ GDCD trở thành môn học chính?” là câu hỏi rõ rành rành một đáp án: Hành trình đi đến đích ấy sẽ rất khó thành hiện thực! Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta tiếp tục buông tay cho con thuyền đạo đức, nhân cách cứ mãi trôi theo dòng chảy của cuộc sống hiện thực.
Đã đến lúc GDCD cần được neo đậu vai trò, vị trí xứng đáng trong nhận thức của mỗi người để mỗi gia đình xem trọng hơn việc uốn nắn, rèn giũa đạo đức cho con. Và mỗi nhà trường sẽ dần chuyển dịch cân đối giữa nhiệm vụ dạy chữ - dạy người, bồi dưỡng tri thức và rèn giũa tâm hồn để xây dựng một thế hệ trẻ văn minh tử tế, vừa hồng vừa chuyên.
Thùy Mai
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!