Giáo dục đạo đức công dân cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh hiện nay
(Dân trí) - "Đạo đức của một bộ phận học sinh, sinh viên đang xuống cấp đến mức báo động; vẫn còn có hành vi vi phạm pháp luật, sa sút nhân cách,… là một trong những thách thức lớn đối với ngành giáo dục và cả xã hội", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - bà Lâm Thị Sang đánh giá.
Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam vừa phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu tổ chức hội thảo “Nhà trường, gia đình và xã hội với giáo dục đạo đức công dân cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh hiện nay” diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu.
Tại hội thảo, bà Lâm Thị Sang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, đạo đức của một bộ phận học sinh, sinh viên (HS-SV) đang xuống cấp đến mức báo động. Công tác giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho HS-SV ở trường học cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu; vẫn còn một bộ phận HS-SV vi phạm pháp luật, sa sút nhân cách… là một thách thức lớn đối với ngành giáo dục và cả xã hội.
Có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó thấy rõ là công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa thật sự có hiệu quả. Công tác quản lý ở một số trường học còn bất cập, người đứng đầu chưa sâu sát, trách nhiệm chưa cao, một số cơ sở chưa phát huy tốt tính dân chủ, vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường.
Cá biệt có những giáo viên có nghiệp vụ năng lực sư phạm còn yếu kém, thậm chí vi phạm các chuẩn mực của nhà giáo. Các hoạt động đoàn, đội chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới và cũng còn ảnh hưởng nhiều thông tin xấu, độc trên các trang mạng xã hội,...
"Tất cả những nguyên nhân đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc giáo dục về nhận thức, tình cảm, hành vi, thói quen của HS-SV trong quá trình rèn luyện nhân cách của mình", Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu đánh giá.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - bà Lâm Thị Sang nêu quan điểm: Việc giáo dục đạo đức công dân cho học sinh, sinh viên luôn cần thiết.
Theo bà Lâm Thị Sang, việc giáo dục đạo đức cho HS-SV là vấn đề không mới nhưng luôn cần thiết, thậm chí rất “nóng” trong giai đoạn hiện nay.
Do vậy, việc làm rõ bản chất và xác định các giải pháp trong vấn đề giáo dục đạo đức trong nhà trường là cấp thiết, để giúp HS-SV có những quan hệ ứng xử, giao tiếp tốt hơn. Bởi nếu làm không tốt thì hệ lụy của nó sẽ dẫn đến những vấn đề bất an trong cộng đồng, bất ổn trong xã hội.
“Qua hội thảo, chúng ta cần nhìn nhận lại vai trò trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đối với việc chăm lo giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho HS-SV hiện nay.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác an ninh an toàn trường học, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng tốt đẹp hơn, gắn với tăng cường giáo dục đạo đức trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên và xây dựng tốt cơ chế phối hợp giữa các lực lượng giáo dục”, Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Kiều - Chủ tịch Hội Khoa học Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng, cần xem lại quan điểm của thế hệ trẻ ngày nay khác xưa như thế nào, để từ đó có phương pháp giáo dục phù hợp.
PGS.TS Trần Kiều - Chủ tịch Hội Khoa học Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng, giáo dục phải phù hợp với đặc điểm của đối tượng. Do đó, chúng ta phải xác định thế hệ trẻ trong bối cảnh hiện nay so với thế hệ cùng trang lứa cách đây vài chục năm thì có những đặc điểm gì đáng lưu ý, đó mới là vấn đề quan trọng.
“Gia đình, nhà trường, xã hội phối hợp giáo dục và nhà trường đóng vai trò hạt nhân. Mỗi một lực lượng như thế họ cần giáo dục trẻ em theo những yêu cầu nào, nội dung gì, mục tiêu gì, cách thức gì cho phù hợp với đặc điểm đó, chẳng hạn như mục tiêu giáo dục đạo đức của gia đình có khi không trùng lặp mục tiêu giáo dục con người trong xã hội”, PGS.TS Trần Kiều đặt vấn đề.
Theo Chủ tịch Hội Khoa học Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, có ý kiến cho rằng mô hình “Con ngoan, trò giỏi, đội viên chăm” đã quá cũ. Bởi nếu không như vậy thì không hiểu phải muốn con thế nào, học trò thế nào, đội viên thế nào. Còn khẩu hiệu nhiều trường treo lên nhưng không ít ý kiến phản đối là “Tiên học lễ - Hậu học văn”, cho thấy trong quan điểm nội dung, cách thức giáo dục đã có vấn đề.
Có quan điểm cho thấy giáo dục gia đình có mấy loại, có gia đình bỏ mặc con, tức trách nhiệm gia đình kém; có gia đình quan tâm nhưng không biết cách quan tâm; có gia đình giáo dục con họ theo mục tiêu của chính họ và con họ chứ không phải mục tiêu quy luật xã hội. Còn giáo dục xã hội thì thế nào, ai cầm trịch, giáo dục gì, tác động thế nào,... tất cả những cái này "nói nghe thì hay nhưng vào làm thì khó".
“Chúng ta phải xem quan điểm của thế hệ trẻ khác ngày xưa như thế nào. Ví dụ một hệ giá trị nào đó mà chúng ta cho là rất tốt đối với chúng ta, thuyết phục chúng ta, nhưng đối với giới trẻ bây giờ thì chưa chắc. Do vậy, phàm giáo dục cái gì cũng thế, nếu không bám sát đặc điểm đối tượng thì dễ không có hiệu quả”, PGS.TS Trần Kiều nói.
Còn tiếp…
Huỳnh Hải