Khi dự giờ “cứng” hơn cả diễn kịch
(Dân trí) - Những màn kịch, dù luyện tập nhuần nhuyễn thì diễn viên khi lên sân khấu, vẫn có những cảm xúc, ngẫu hứng thổi hồn cho vai diễn. Nhưng nhiều tiết dự giờ của thầy trò thì "lập trình" đúng như một cái máy.
Thầy trò như... robot
Dự giờ tập duyệt, sắp đặt, chỉ định trước đã không phải là chuyện gì xa lạ và từ lâu đã được xem như là một phần trong hoạt động giáo dục. Trong quá trình này, không ít giáo viên tiếp tục có những chiêu "nâng cấp" sự chuẩn bị, máy móc... trong tiết dự giờ mà có thể nói "đạt đến cảnh giới của sự sắp đặt".
Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ chóng mặt clip quay lại tiết dự giờ của cô trò lớp 1 với cảm giác hoảng sợ. Bài học đánh vần chữ "CA", cô giáo dùng học trò như dụng cụ để chơi zích zắc. Cô lần lượt yêu cầu từng học sinh theo thứ tự từ dãy bàn bên phải đứng dậy đọc chữ CA và các em bật đứng dạy đọc như một cái máy lập trình sẵn. Sau đó đổi vị trí ngược lại, cô lại bắt đầu từ em ngồi đầu dãy bàn bên trái đi theo đúng thứ tự cho hết lớp.
Chưa hết, từng em đọc xong thì đến lượt đọc theo đôi, cứ hai em đứng dậy đọc một lần. Rồi đọc theo dãy, dãy bàn bên này đọc, bên kia đọc rồi cả lớp đồng thanh đọc... nghe là nhức cả óc.
Như một cái máy, mọc sinh răm rắp vỗ 3 nhịp tay khi đánh vần chữ "CA". Rồi khi khen bạn, tất cả học sinh trong lớp cũng đúng 3 nhịp tay ngắt quãng, khô khốc, vô hồn không hề có một chút hân hoan, háo hức.
Tiết dự giờ mà nhiều người đã phải ví von như "luyện thú" ấy hóa ra không hề hiếm, trước đó đã có một số clip dự giờ "đo ni đóng giày" như vậy được chia sẻ. Phải nói rằng, dù không một cái thước trên tay nhưng giáo viên như thể đang cầm roi huấn luyện, học trò không có sự linh hoạt mà cứng nhắc, vô hồn như những chiếc máy được ấn nút tự động.
Không đến mức biến học trò thành máy trong mọi cử động như vậy nhưng cũng rất nhiều tiết dự giờ được giáo viên "phù phép" với nhiều chiêu thức khác nhau. Các cách thức chỉ học sinh giơ tay phải, tay trái, chỉ bài trước, sắp xếp học trò quậy nghỉ học... đã là bài quá cũ. Cao tay hơn, nhiều giáo viên có bài "hạ trò, nâng mình".
ThS Phạm Phúc Thịnh, cũng là một người công tác trong ngành giáo dục kể, trước ngày dự giờ môn Toán, con mình là một học sinh giỏi được cô giáo luyện bài theo cách... chỉ chọn các đáp án sai. Sau hỏi ra thì ông cũng phải choáng váng khi biết con được cô "duyệt" chỉ chọn các đáp án sai, rồi từ đó cô sẽ giảng giải, dẫn dắt học trò đến với đáp án đúng.
Trường hợp khác, giáo viên cho học sinh luyện cách giơ tay mức độ cao thấp theo từng nhóm học sinh. Trong tiết dự giờ, cô sẽ chỉ gọi những em giơ tay kiểu rụt rè, lo lắng trên trả lời. Trong khi, đây toàn là những học sinh giỏi của lớp, lại được cô chuẩn bị sẵn đáp án.
Tất cả cùng đuối
Một giáo viên tiểu học ở TPHCM chia sẻ, chắc chắn để có tiết dự giờ như clip trên mạng chia sẻ, học trò và giáo viên sẽ phải luyện tập rất căng, mất nhiều thời gian. Hàng chục học sinh trong lớp - lại là học sinh lớp 1 - thao tác răm rắp không hề là chuyện đơn giản, cô sẽ phải là đủ chiêu thức để uốn các em vào vở kịch vuông vức.
Công sức đổ ra nhiều là vậy nhưng giá trị về giáo dục lại không có, nếu không muốn nói là âm. Mất thời gian, công sức, cô trò diễn kịch trong tiết dự giờ lại còn trao cho các em thông điệp về sự giả dối, máy móc, hình thức. Chưa kể đến việc gây ức chế, bóp nghẹt sự sáng tạo của học trò.
Bức ảnh dự giờ "nặng ngàn tấn" từng được chia sẻ trên mạng xã hội.
Thế nhưng hiện nay, giáo viên này cho hay, điều này nằm trong quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường, giáo viên. Theo đó, nhà trường phải thực hiện hiệu quả các hoạt động dự giờ, thao giảng, hội thảo...; giáo viên phải thực hiện ít nhất 4 tiết dạy hội thảo và 18 tiết dự giờ đồng nghiệp.
Không thể phủ nhận, giáo viên còn chịu những ràng buộc nhất định trong hoạt động dạy học, thì với những tiết dự giờ đi kèm các mục tiêu đánh giá, kiểm tra chất lượng nên giáo viên thường chọn an toàn theo lối mòn.
Thế nhưng, cũng phải nói thay vì quan tâm đến hiệu quả của những tiết dự giờ thì không ít giáo viên và người dự giờ làm việc, thao tác lập trình theo thói quen, tư duy máy móc. Trong khi, họ hoàn toàn có thể sáng tạo những giờ học thú vị để chia sẻ với đồng nghiệp, người đi dự giờ cần đặt hiệu quả, trách nhiệm trong các đánh giá, góp ý của mình.
Và hiện nay, bên cạnh những giáo viên máy móc trong các tiết học, tiết dự giờ thì không ít người thầy đang đổi mới, thổi hồn cho từng bài giảng, từng giờ lên lớp. Để sáng tạo, để thay đổi, trước nhất chính người thầy phải dám thoát khỏi "chiếc áo an toàn và cũ kỹ".
Hoài Nam