Khi con chỉ giỏi tiếng Anh trên… giấy
Nhiều cha mẹ không tiếc tiền đầu tư cho con theo học những trung tâm tiếng Anh đắt tiền nhưng cũng không ít bậc phụ huynh phải “sốc” nặng khi biết hóa ra con mình chỉ “giỏi” tiếng Anh trên giấy.
Học tiếng Anh 10 năm vẫn không dám giao tiếp với người nước ngoài
Năm ngoái vợ chồng anh Dũng (Thụy Khuê, Hà Nội) đi nghỉ hè ở Singapore, mục đích vừa để nghỉ ngơi vừa giúp các con có cơ hội “học” giao tiếp Tiếng Anh ngay trong mùa hè. Trước khi đi vợ chồng anh rất tự tin vì điểm Tiếng Anh trên lớp của các con khá cao nên quyết định không chọn đi theo tour mà muốn cả gia đình tự khám phá. Tuy nhiên, mới ngay ở cửa hải quan, khi bị hỏi vài câu Tiếng Anh các con anh đều gãi đầu gãi tai.
Anh Dũng còn kể thêm: “Chưa kể trong suốt quá trình đi chơi không đứa nào chịu “hé răng” khi cần mua bán, hỏi đường, toàn tìm cách lờ đi để bố mẹ lo, khiến vợ chồng tôi rất nản. Lúc ấy tôi và vợ mới ngã ngửa thì ra các con học trên trường vẫn chỉ là lý thuyết, đến khi thực hành thì đều như “gà mắc tóc”
Cách dạy rập khuôn và thiếu tính sáng tạo này đã tạo ra một lớp học sinh thụ động trong tiếp nhận và tư duy ngôn ngữ mới. Tình trạng học Tiếng Anh 12 năm từ cấp tiểu học đến hết cấp phổ thông mà vẫn không thể sử dụng thành thạo thứ ngôn ngữ này đã trở thành một điều “hết sức bình thường” với nhiều học sinh Việt Nam.
Chị Mai Hạnh (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Con gái tôi đang học lớp 6 tại một trường công lập, cháu hoàn toàn không có hứng thú với môn Tiếng Anh mặc dù tôi đã rất cố gắng cho cháu đi học thêm, bồi dưỡng tại các trung tâm tiếng Anh lớn. Có lẽ, tôi cần nghiên cứu việc cho cháu học tại trường quốc tế nào đó vào năm sau, chứ thời buổi này không biết Tiếng Anh thì…chết!”
Để tiếng Anh không chỉ là một môn học
Lựa chọn cho con theo học trường quốc tế, cho con đi du học sớm… có thể là một cách giải quyết nhưng không phải là đáp án dành cho đại đa số các gia đình tại Việt Nam bởi chi phí quá lớn. Vấn đề có lẽ chỉ có thể được giải quyết từ gốc rễ: thay đổi phương pháp giảng dạy tiếng Anh trong các nhà trường hiện nay.
Cô giáo Nguyễn Kim Thúy với 30 năm kinh nghiệm giảng dạy bộ môn tiếng Anh, hiện đang là giáo viên Trường Phổ thông Liên cấp Vinschool chia sẻ: “Với bất kỳ ai, học ngoại ngữ không phải là chuyện trong ngày một ngày hai. Ở lứa tuổi còn nhỏ, các em dễ dàng cảm thấy nản chí và gây ra phản ứng bất hợp tác. Muốn con học Tiếng Anh hiệu quả cần có một lộ trình bài bản.”
Cô Thúy quan niệm “Tiếng Anh là đời sống”, vì thế cần đưa tiếng Anh vào các hoạt động đời sống thực tiễn, chuyển tải kiến thức bằng những phương pháp kể truyện, phân tích bài học, kèm theo nhiều hoạt động ngoại khóa như: hát, đóng kịch, thuyết trình, diễn vai, làm phim ngắn... để học sinh cảm thấy yêu thích và đạt được hiệu quả cao nhất trong học tâp.
“Tham gia hoạt động ngoại khóa, giao lưu tìm hiểu ẩm thực văn hóa nước ngoài, những hoạt động xã hội giàu ý nghĩa hay tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh.... là cần thiết để tiếng Anh thẩm thấu và trở thành một phần tư duy, một phần cuộc sống thật tự nhiên và gần gũi là điều tiên quyết để thực sự làm chủ ngôn ngữ này”, cô Kim Thúy cho biết.
Hiện nay không nhiều trường có chương trình học với tư duy mới mẻ và phù hợp với thực tế xã hội như vậy. Bên cạnh đó, đội ngũ các giáo viên giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn chuẩn quốc tế cũng đang rất thiếu ở Việt Nam. Ngay tại Hà Nội, trong một cuộc điều tra chỉ có 18% giáo viên đạt trình độ B2 tương đương với đạt điểm 5 – 6.5 IELTS.
Trước thực trạng trên, nhiều nhà trường đang rất nỗ lực thay đổi phương pháp giảng dạy bộ môn này. Một trong những mô hình giảng dạy tiếng Anh hứa hẹn thành công đang được Trường Phổ thông Liên cấp Vinschool chú trọng xây dựng trong năm học mới. Theo đó, chương trình giảng dạy bài bản thể hiện qua việc ngay từ khi mới nhập học, các em sẽ tham gia kỳ kiểm tra tiếng Anh xếp lớp, đảm bảo được học cùng các bạn có trình độ tiếng Anh tương đồng. Hướng tới mục tiêu thực tế, hiệu quả; việc được thuyết trình, nghe các bài giảng (30-40 phút) bằng tiếng Anh là rất cần thiết để nâng cao sự tự tin và tính hệ thống trong học tập. Học sinh cũng được hướng dẫn ghi chép các lưu ý nhanh cũng như biết cách tham gia các các thảo luận, chủ động phản biện ý kiến để gia tăng khả năng giao tiếp.
Chương trình tiếng Anh của Vinschool là thống nhất trên toàn hệ thống, giáo viên nước ngoài sẽ được phân công giúp học sinh thực hành giao tiếp tiếng Anh, luyện nghe nói, phát âm chuẩn. Trong khi đó, giáo viên Việt Nam sẽ hỗ trợ để học sinh nắm chắc ngữ pháp, thi hiệu quả.
“Cơ sở vật chất và công nghệ giảng dạy của Vinschool thực sự vượt trội, tạo điều kiện tối đa cho học tập. Mặt khác, Nhà trường cũng mong muốn phụ huynh cùng tham gia các hoạt động ngoại khóa (đóng kịch, hát, hoạt cảnh, bảo vệ dự án...) để chứng kiến sự tiến bộ của các con trong thực tế sử dụng tiếng Anh.”, cô Michelle Dinh Jones, Giám đốc Chương trình tiếng Anh của Hệ thống giáo dục Vinschool cho biết.
Ngoài ra, để theo đúng xu hướng thế giới, Vinschool là đơn vị đầu tiên ở khu vực miền Bắc ký kết hợp tác với Hội đồng khảo thí tiếng Anh Cambridge nhằm chuẩn hoá chương trình giảng dạy tiếng Anh. Một mặt chuẩn hóa chất lượng giáo viên mặt khác giúp học sinh sau khi hoàn thành chương trình tại Vinschool từ bậc Tiểu học đến hết THPT có đủ khả năng theo học tại các trường đại học quốc tế.
“Với mô hình trường học kiểu mới như Vinschool, chúng tôi muốn kích thích khả năng học, sáng tạo và tiếp thu của học sinh không chỉ đơn thuần qua kiến thức hay những bài giảng thuần túy, mà còn qua những hoạt động ngoại khóa. Chúng tôi sẽ nỗ lực để xây dựng các bài học sinh động, có tính ứng dụng thực tế cao theo các chủ đề phong phú, phù hợp với các lứa tuổi và trình độ học sinh khác nhau.” Cô Kim Thúy khẳng định.
Tiếng Anh là “tấm hộ chiếu toàn cầu” mà mỗi em học sinh cần được sở hữu để có thể mở rộng cơ hội thành công trong thế giới hội nhập ngày nay. Việc trao gửi cho các em tấm hộ chiếu toàn năng đó trên ghế nhà trường, là trách nhiệm của thầy cô giáo cũng như là sự lựa chọn, định hướng thông minh của phụ huynh.