Khi bố mẹ làm thay việc của trẻ
(Dân trí) - Nhiều công việc hàng ngày phù hợp với độ tuổi, trẻ có thể tự làm và rất thích thú nhưng có em lại không có cơ hội để tự lập khi bị người lớn giành làm. Nhiều khi bố mẹ yêu thương không đúng cách lại thành ra... hại con.
Mỗi lần chị Yến (ngụ ở P.4, Q. Tân Bình, TPHCM) chuẩn bị cho cậu con 5 tuổi đi học là thì y như rằng mẹ con "khục khặc". Những việc chị vẫn thường làm như lấy kem đánh răng, quần áo, soạn ba lô, đi giày dép cho con… đều bị cháu giằng lấy đòi tự làm.
Có lần, chị để con tự làm nhưng thấy cháu bày bừa, lại chậm giờ đi học nên chị cấm tiệt, tự mình làm hết cho con dù cháu đã nói: “Cô dặn con những việc này về nhà phải tự làm mới thành người lớn được”. Thế mà chị vẫn quát con vì "đòi hỏi" đó của cháu.
Chị Yến ở nhà nội trợ, có nhiều thời gian nên mọi việc chị muốn được tự tay làm hết cho cháu. Hơn nữa, quan điểm của chị, cháu còn nhỏ, làm gì cũng không đến nơi nên chị làm cho nhanh gọn hơn chứ để con mày mò chị không yên tâm.
Trường hợp bố mẹ thay con làm hết mọi thứ như chị Yến không phải là cá biệt. Không ít giáo viên (GV) mầm non than thở rằng, theo cách giáo dục đổi mới, trẻ được khuyến khích tự làm những việc chăm sóc cá nhân như tự rửa tay, lấy cơm, tự xúc ăn, mang giày dép, lấy quần áo… rèn tính tự lập chứ không để cô làm thay như trước.
Thế nhưng, khi đến đón con, không ít phụ huynh (PH) “xông” vào tận lớp để lấy ba lô, giày dép… rồi ẵm lấy trẻ. Nhiều trẻ khóc lóc đòi xuống được tự đi trong sân trường, bố mẹ cũng không cho vì sợ con ngã, sợ bẩn quần áo. Khi các em vui chơi các trò vận động đơn giản, nhiều PH cũng dè chừng vì tâm lý sợ con bị làm sao.
Trẻ thích thú khi được tự tay lấy cơm cho mình.
Bên cạnh đó, vẫn còn số ít GV ngại để trẻ tự làm những việc nhỏ như chăm sóc cá nhân, làm đồ chơi vì sợ các em làm lâu, hoặc làm không đẹp, hỏng… nên các cô lại chịu khó làm thay.
Không chỉ ở trẻ nhỏ, nhiều học trò ở phổ thông, đặc biệt ở những thành phố lớn, gia đình có điều kiện, nhiều em cũng được bố mẹ lo cho từ A đến Z vì nghĩ con mình chỉ cần tập trung cho việc học. Thậm chí, nhiều em dù đã lớn nhưng vẫn được bố mẹ chải tóc, lấy quần áo, lấy giày dép…phục vụ tận nơi vì bố mẹ quen cưng chiều con và trẻ cũng đã phụ thuộc vào sự chăm sóc của bố mẹ từ nhỏ.
Không chỉ thế, nhiều PH còn sẵn sàng “thế thân” cho con trong những tình huống rất khó chấp nhận. Như con đi lao động, trực nhật… có bố mẹ đến làm thay. Có lớp học, PH còn đồng tình đóng tiền để thuê người đến làm trực nhật thay con với lý do để con tập trung học. Trong khi mỗi buổi trực nhật chỉ một vài phút với những công việc đơn giản như quét lớp, giặt khăn tay, lay bảng…
Thương con thành hại con
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó phòng Giáo dục Q.3, TPHCM cho hay, chương trình đổi mới giáo dục mầm non mới là trẻ được tạo cơ hội để tự chăm sóc bản thân cũng như tìm tòi, khám phá qua những việc hàng ngày như được chọn món ăn, xếp quần áo, mang giày dép, làm đồ chơi…. Hầu hết trẻ rất thích thú với công việc này nên làm gì các em các em cũng rất hăng say.
Thế nhưng, nhiều PH lại tước đi của trẻ cơ hội này và không để ý cảm xúc của của con khi “ôm” hết việc vào mình. Bà Nguyệt nói: “Chúng tôi cũng nhắc nhở với PH nên khuyến khích cho trẻ tự làm những việc phù hợp với độ tuổi. Để trẻ tự lập hơn cũng như hình thành cho các em những kỹ năng sống cơ bản”.
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ ở độ tuổi lên 3 có biến chuyển rất lớn trong sự hình thành giữa nhu cầu và năng lực với những kỹ năng cơ bản về ngôn ngữ, hành động nên muốn khám phá những công việc của người lớn. Tuy nhiên với khả năng có hạn của mình, trẻ chưa làm được và việc bị bố mẹ ngăn cản càng làm cho trẻ bị ức chế.
Nhiều PH không biết rằng, chính những việc trong khả năng của trẻ như đi tự đi giày dép, mặc quần áo, tự đút cơm… không chỉ giải tỏa ức chế cho trẻ mà qua đó, trẻ có cơ hội để khám phá cuộc sống cũng như rèn luyện tính tự lập.
Hơn nữa, trẻ được bố mẹ bao bọc, cưng chiều quá dễ sống ích kỷ, chỉ biết đến mình khi quen đòi hỏi người khác đáp ứng nhu cầu của mình nên khó hòa đồng, hay bị người xung quanh xa lánh.
Bà Vũ Cẩm Vân, chuyên viên tư vấn tâm lý Hội quán các bà mẹ, cho hay nhiều bố mẹ quá bao bọc con, làm thay con quá nhiều nên trẻ trở nên thụ động, dựa dẫm… Do thiếu tự lập nên khi vào đời trẻ sẽ rất khó khăn để thích nghi với môi trường mới hoặc sẽ khó đương đầu khi gặp thất bại trong cuộc sống.
Bà Vân đã gặp nhiều trường hợp các em đi du học nhưng bị trầm cảm vì không có bố mẹ bên cạnh,không ai chăm sóc nên buộc phải về nước. Cũng chỉ vì từ nhỏ, các em đã được bố mẹ làm thay hết mọi thứ mà không được rèn thói quen tự chăm sóc mình.
“Rất thương các em vì đến tô mỳ không biết pha, quần áo không biết giặt, sách vở không biết xếp… thì sống một mình sao được? Đây là thiệt thòi cho các em. Tình thương của nhiều ông bố bà mẹ nhưng thái quá, thương không đúng cách lại thành hại con”, bà Cẩm Vân xót xa.
Hoài Nam