Khánh Hòa xây dựng mới nhiều trường học
(Dân trí) - Để chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD-ĐT Khánh Hòa cùng các địa phương trong tỉnh đã ráo riết triển khai việc nâng cấp, xây dựng trường lớp, đồng thời có kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng cho HS và bổ sung đội ngũ giáo viên.
Năm học 2012 - 2013, toàn tỉnh Khánh Hòa có 31 trường THPT, 104 trường THCS, 188 trường tiểu học (TH) và 176 trường mầm non (MN) với hơn 255.700 HS.
Cùng với cơ sở vật chất (CSVC) hiện có, trong năm học mới 2012 - 2013, Phòng GD-ĐT huyện Khánh Sơn sẽ đưa vào sử dụng Trường THCS Sơn Bình tại xã Sơn Bình với quy mô 12 phòng học, tổng kinh phí đầu tư xây dựng gần 4 tỷ đồng. Đây không chỉ là niềm vui của phụ huynh HS, những người làm công tác GD ở Khánh Sơn mà còn là niềm vui của những ai quan tâm đến GD miền núi. Ông Phạm Văn Bửu - Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Bình phấn khởi: “Trường THCS Sơn Bình sẽ tiếp nhận HS của xã Sơn Bình và Sơn Hiệp. Trước đây, các em HS ở 2 xã này phải học ở Trường THCS Sơn Lâm. Để đến trường, nhiều em phải đi bộ gần 10 cây số, dẫn đến tình trạng chán nản, bỏ học. Từ nay, các em sẽ đi học thuận lợi hơn”.
Còn tại huyện Diên Khánh, từ năm học 2012 - 2013, Trường TH Diên Tân giải thể để thành lập Trường TH và THCS Diên Tân; giải thể Trường TH Thị trấn Diên Khánh để sáp nhập vào Trường TH Thị trấn 1. Các trường mới thành lập này, ngoài CSVC hiện có, đã được xây thêm 12 phòng học mới, có đủ bàn ghế và trang thiết bị dạy học để tiếp nhận thêm HS và GV. Ngoài ra, Diên Khánh còn đưa vào sử dụng cơ sở mới ở các trường: MN Diên Lâm (kinh phí xây dựng 9 tỷ đồng), THCS Mạc Đĩnh Chi (10 tỷ đồng), TH Diên Toàn (3 tỷ đồng); Trường MN Diên Lạc (12 tỷ đồng) đang trong giai đoạn hoàn thành, sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 10/2012.
Bà Lê Huyền Điệp - Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP Cam Ranh cho biết, ngoài CSVC hiện có, hiện chỉ có công trình xây mới 10 phòng học của Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Cam Thành Nam) với kinh phí 3,8 tỷ đồng là kịp đưa vào sử dụng trong năm học mới. Các công trình khác như: Trường TH Ba Ngòi (xây mới 12 phòng học, kinh phí xây dựng 5,7 tỷ đồng), Trường TH Cam Phú (xây mới 6 phòng học, kinh phí 2,8 tỷ đồng), Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xây mới 6 phòng học và nhà hành chính, kinh phí 4,9 tỷ đồng)… còn đang trong giai đoạn thi công.
Bên cạnh xây dựng trường lớp, các phòng GD-ĐT còn chỉ đạo các trường tổ chức ôn tập, kiểm tra bổ sung, rèn luyện HS trong Hè để các em bước vào năm học mới một cách tốt nhất. Ông Nguyễn Tấn Lâm - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Khánh Sơn cho biết: “Ngay từ đầu tháng 6/2012, phòng đã chỉ đạo các trường TH trong huyện mở các lớp tập nói tiếng Việt cho HS 6 tuổi người dân tộc thiểu số chuẩn bị vào lớp 1 và HS yếu kém học trong hè. Các trường đã mở 24 lớp tập nói tiếng Việt với 426 HS dân tộc thiểu số, mở 1 lớp phụ đạo cho HS yếu kém chuẩn bị vào lớp 6 tại Trường TH Sơn Bình… Đây là những biện pháp nhằm huy động HS ra lớp và tạo điều kiện cho các em tiếp cận được với chương trình phổ thông.
Tuy đã được đầu tư xây dựng trường, lớp nhưng năm học mới này, HS THCS ở xã Thành Sơn vẫn phải tiếp tục học ở Trường THCS Sơn Lâm (xã Sơn Lâm) vì công trình đang thi công xây dựng. Để đến trường, nhiều HS phải đi đoạn đường khá xa, trên 10 cây số. Không chỉ vậy, Trường THCS Sơn Bình mới xây nhưng CSVC còn thiếu thốn rất nhiều. Hiện khu nhà làm việc của Ban giám hiệu không có bàn ghế, máy vi tính; phòng học, thư viện… cũng thiếu trang thiết bị. Trường TH Thành Sơn, cấp TH ở Trường cấp 1-2 Ba Cụm Nam không đủ phòng học để thực hiện học 2 buổi/ngày, mới chỉ thực hiện được 50% số lớp. Một số trường MN trên địa bàn huyện không đủ phòng học, phải học nhờ các lớp của trường TH và UBND xã. Chính vì thiếu CSVC nên việc tổ chức bán trú cho các trường TH trong năm học 2012 - 2013 rất khó khăn. Được biết, trên địa bàn huyện Khánh Sơn chỉ có Trường TH Sơn Lâm đăng ký tổ chức bán trú 100%.
Còn tại huyện Vạn Ninh, ông Nguyễn Văn Hưng - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: “Hai khu nhà vệ sinh dành cho HS của trường vừa mới xây xong, kịp đưa vào sử dụng trong năm học mới. Riêng dãy phòng học mới gồm 8 phòng được xây theo chương trình nâng cấp của Bộ hiện chưa hoàn tất. Để có chỗ học cho HS khi bước vào năm học mới, nhà trường đã mượn 7 phòng học của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Vạn Ninh cho đến khi xây xong phòng học mới”. Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Thanh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Vạn Ninh lại băn khoăn về đội ngũ cán bộ GV và nhân viên. Các trường trên địa bàn huyện hiện đang thiếu 49 GV và 55 nhân viên, nhất là nhân viên y tế trường học, cán bộ chuyên trách thiết bị - đồ dùng dạy học…
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Khánh Hòa, chuẩn bị các điều kiện và CSVC phục vụ năm học 2012 - 2013, toàn tỉnh đã xây mới 428 phòng học; 12.450m2 phòng chức năng cho các trường MN; xây mới 2 nhà đa năng, 2 văn phòng cho các trường THCS; xây mới 3 văn phòng, 4 thư viện cho các trường TH; xây mới 3 nhà công vụ ở đảo Trí Nguyên… với tổng kinh phí hơn 167 tỷ đồng. Riêng kinh phí mua sắm trang thiết bị, đồ chơi ngoài trời, đồ dùng dạy học gần 43 tỷ đồng.
Để tránh tình trạng HS bỏ học do phải đi học quá xa, Sở GD-ĐT cũng đã phối hợp với 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh xây dựng thêm phòng học, mở các lớp nhô cấp 1+2 ở xã Khánh Phú (Khánh Vĩnh), xã Ba Cụm Nam, Thành Sơn (Khánh Sơn) và phân hiệu trường THPT Lạc Long Quân ở xã Khánh Bình (Khánh Vĩnh).
Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn của các đơn vị trước thềm năm học mới, ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa cho biết, nhìn chung các cấp học đều đảm bảo đủ GV theo quy định. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở các môn học và giữa các địa phương; đặc biệt là tình trạng tuyển dụng GV (MN, TH, THCS) ở nhiều địa phương khá chậm. Còn về CSVC, do một số công trình được bố trí vốn chậm nên một số nơi còn khó khăn về đầu tư CSVC, vẫn có địa phương còn phòng học nhờ, học tạm nhưng “không có trường nào vì thiếu CSVC mà không thể tổ chức khai giảng”, ông Lê Tuấn Tứ khẳng định.
Quang Thịnh