Khám phá trường học lớn nhất thế giới
(Dân trí) - Trường City Montessori (CMS) tại Ấn Độ được coi là trường học có quy mô lớn nhất trên thế giới với khoảng 52.000 học sinh và hơn 1.000 lớp học.
Việc giảng dạy hàng chục nghìn em học sinh như vậy hoàn toàn không phải là việc đơn giản song nhà trường vẫn đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Điều này được thể hiện qua việc có gần nửa số học sinh của trường đạt kết quả cao trong các kỳ kiểm tra quốc gia.
Trường CMS, tọa lạc tại thành phố Lucknow, thuộc bang Uttah Pradesh, được Sách kỷ lục Guinness xác nhận là trường học lớn nhất thế giới với tổng số học sinh từ bậc mẫu giáo tới cấp tiểu học và trung học lên tới con số 52.000 được phân chia và học tập tại 20 khu ký túc trong khuôn viên trường.
Với quy mô lớn như vậy. không quá khó hiểu nếu mỗi lớp học trong trường thường có rất đông học sinh. Trường CMS hiện có 1050 lớp học với khoảng 45 học sinh/lớp và đây là một con số khá cao so với mặt bằng chung trên thế giới.
Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh vẫn muốn cho con em mình vào theo học tại ngôi trường nổi tiếng này mặc dù ban lãnh đạo trường đã phải từ chối rất nhiều đơn xin học và thậm chí là đưa những phụ huynh này tới tham quan trường để cho họ thấy được tình trạng đông đúc và gần như quá tải của trường.
Học sinh của trường
Thời điểm hiện tại là như vậy tuy nhiên ít người biết rằng lúc mới thành lập vào năm 1959 bởi Jagdish Gandhi và vợ của mình là Giáo sư Bharti, trường CMS chỉ là một ngôi trường nhỏ với vỏn vẹn 5 học sinh. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, trường CMS đã dần nâng cao quy mô cũng như chất lượng dạy và học để trở thành một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu tại Ấn Độ.
Một lớp học
Vậy điều gì đã khiến cho trường CMS vươn lên trở thành một trong những trường hàng đầu tại Ấn Độ. Điểm đầu tiên có thể kể đến chính là việc nhà trường đã khẳng định rằng việc quy mô cũng như các lớp học đều trong tình trạng đông học sinh hoàn toàn không hề ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy.
Điều này được thể hiện qua phương thức dạy học có bài bản cùng với trang thiết bị cơ sở vật chất luôn được đầu tư và đổi mới. Với những lớp có quá đông học sinh, nhà trường còn bố trí thêm một giáo viên trợ giảng để giúp đỡ giáo viên chính trong việc chấm điểm, quản lý học sinh cũng như giải đáp các thắc mắc của học sinh trong giờ học.
Tại những khu ký túc lớn, để giảm tải gánh nặng quản lý của hiệu trưởng, trường cũng phân công bố trí những trợ lý hiệu trưởng theo từng bậc học. Bên cạnh đó, cứ mỗi 35 giáo viên lại có 2 điều phối viên phụ trách để giải quyết những vấn để nảy sinh một cách nhanh chóng.
Giáo viên của trường
Ngoài ra, CMS còn đặc biệt chú trọng vào chính sách khuyến khích và hỗ trợ giáo viên. Những giáo viên tại CMS luôn được khuyến khích phát huy hết khả năng sáng tạo, với sự hỗ trợ của thiết bị dạy học hiện đại để đem đến những bài giảng có chất lượng.
Chế độ lương thưởng của giáo viên tại CMS cũng rất rõ ràng và được trả tương xứng theo năng lực và công sức cống hiến của mỗi giáo viên. Theo đó, với nhưng giáo viên phụ trách những lớp học có trên 45 học sinh đều được thưởng thêm 1% tiền lương cho mỗi em học sinh vượt quá mức quy định. Trường cũng dành mỗi năm khoảng 10 triệu rupee (tương đương 150.000 đô-la Mỹ) để thưởng cho những giáo viên có học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi quốc gia.
Không chỉ dừng lại ở giảng dạy kiến thức, nhà trường còn chú trọng rèn luyện đạo đức cho học sinh. Lễ hội văn hóa và tôn giáo được tổ chức thường niên để học sinh có cơ hội giao lưu và học hỏi. Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường sẽ giảm 40% tiền học phí và con số được giảm tiền học lên tới ¼ tổng số học sinh trong trường.
Mặc dù là trường có những điều kiện học tập vô cùng tốt song học phí của CMS lại ở mức thấp so với bình quân tiền học tại Ấn Độ là khoảng 1175 đô-la Mỹ/năm. Nếu so với các trường điểm khác tại thành phố thì học phí tại CMS rẻ hơn tới 25% và ở mức khoảng 450-1050 đô-la Mỹ/năm.
Ông Jagdish Gandhi người sáng lập trường
Cho tới nay, tôn chỉ giáo dục của CMS và cũng là của người sáng lập, ông Jagdish Gandhi, vẫn chưa thay đổi khi mong muốn thay đổi thế giới thông qua giáo dục. Theo ông Gandhi, điều này còn quan trọng hơn cả những thành công trong việc đạt các kết quả học tập ấn tượng. Theo đó, việc giảng dạy kiến thức là quan trọng song chúng ta không nên quên rằng những học sinh cũng cần được phát triển toàn diện về cả tinh thần và đạo đức.
Ninh Nhật (theo Guardian)