Khai mạc hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XIX
(Dân trí)-Sáng nay 1/8, Hội thi Tin học trẻ toàn quốc đã khai mạc tại TP Vinh, Nghệ An. Hội thi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ TTTT, Bộ GD-ĐT, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Tin học Việt Nam tổ chức.
Các thí sinh sẽ đua tài theo 3 cấp học: Tiểu học (Bảng A), Trung học cơ sở (Bảng B) và Trung học phổ thông (Bảng C) để tranh 36 giải thưởng cho phần thi chung và 15 giải thưởng cho phần thi phần mềm sáng tạo.
Theo ghi nhận từ Ban tổ chức, số lượng và chất lượng thí sinh tham dự Hội thi cấp cơ sở từng được nâng lên theo sự phát triển chung của CNTT. Nhiều tỉnh, thành, ngành đã tiến hành tổ chức rất tốt Hội thi cấp quận, huyện, cụm, điển hình như: TP Hồ Chí Minh có 547 thí sinh thuộc 23 quận, huyện tham dự được tuyển chọn từ 5.000 thí sinh của vòng thi cấp quận, huyện và 1.200 thí sinh tham gia vòng thi sơ khảo trực tuyến, nét mới tại Hội thi của Thành phố năm nay là khối THPT các thí sinh thi lập trình điều khiển robot bằng ngôn ngữ Pascal với phần mềm Srobot và tổ chức thi trực tuyến đề mở dành cho khối tiểu học Bảng A.
Tại TP Đà Nẵng, Hội thi cấp thành phố thu hút 718 thí sinh dự thi, trong đó có 379 học sinh khối tiểu học, 206 học sinh trung học cơ sở và 133 học sinh trung học phổ thông với 122 phần mềm sáng tạo và thêm nội dung chấm, chọn và xét giải các diễn đàn trên mạng Internet; Hội thi tin học trẻ thành phố Hà Nội có sự tham gia của 264 thí sinh- những thí sinh đạt giải cao tại Hội thi cấp quận, huyện, thị xã-ở các khối tiểu học, THCS và THPT đến từ 22 quận, huyện, thị xã và Cung thiếu nhi Hà Nội.
Cần Thơ có 187 thí sinh; Bình Thuận có 212 thí sinh tham gia; Nghệ An có 182 thí sinh; Bến Tre có 179 thí sinh dự thi; Kiên Giang có 166 thí sinh dự thi; Đắk Lắk có 144 thí sinh dự thi; Bắc Ninh có 116 thí sinh dự thi; Sóc Trăng có 86 thí sinh dự thi; Bắc Kạn có 51 thí sinh dự thi, …. Đối với phần thi phần mềm sáng tạo năm nay đa số nội dung đều thiết thực với cuộc sống xã hội, với 107 phần mềm của 24 tỉnh, thành tham gia, trong đó: Bảng D1 (Tiểu học): 41; Bảng D2 (THCS): 34 và Bảng D3 (THPT): 32.
Trước đó, ngày 18/7/2013, Hội đồng sơ khảo đã tiến hành chấm các sản phẩm tham gia dự thi. Kết quả có 25 phần mềm hội đủ các điều kiện, tiêu chí đặt ra về tính sáng tạo, tính thực tiễn, giao diện thân thiện, khả năng ứng dụng vào thực tế. Ngoài chủ đề về học tập của khối D1, D2, đáng chú ý tại bảng D2 có 3 em thí sinh thuộc Đoàn TP. HCM xây dựng “Website Biển đảo quê hương”, đặc biệt là thí sinh của TP. Hồ Chí Minh sử dụng ngôn ngữ lập trình C để giả lập “Máy tính Hóa học”, Bảng D3 với 2 phần mềm “Cam Measure” của em Đoàn Đình Cường Đoàn Đà Nẵng và phần mềm “kBOT-Wifi Robot-Robot tin học lập trình điều khiển qua Wifi” của thí sinh Ngô Huỳnh Ngọc Khánh thuộc đoàn Phú Yên dùng hệ điều hành Android cho thiết bị di động theo định hướng được Ban tổ chức khuyến khích… Các địa phương có nhiều phần mềm lọt vào vòng thi chung kết là Đà Nẵng: 06 phần mềm; Hậu Giang: 4 phần mềm, TPHCM: 4 phần mềm… Trong đó sẽ có 03 sản phẩm sử dụng phần mềm nhúng sẽ được Công ty TNHH Intel Việt Nam tài trợ 3 máy tính bảng.
Về nội dung thi, năm nay đề thi tập trung vào đánh giá năng lực thực hành, không nặng và dàn trải về lý thuyết, đề thi và cách thức làm bài được Ban tổ chức Hội thi thông báo và hướng dẫn trước cho các địa phương để các địa phương có phương án phổ biến, hướng dẫn cho các thí sinh chuẩn bị cho phần thi này được tốt. Chủ đề thi năm nay là Trò chơi đối kháng “Bi đổi màu”, vòng chung kết được tổ chức theo hình thức sân khấu khoá bằng đấu loại trực tiếp giữa các đội tuyển, vì vậy sẽ diễn ra rất gay cấn, hấp dẫn và công bằng, đây cũng là vòng thi hấp dẫn nhất Hội thi được tất cả các thí sinh chờ đón.
Ngoài giờ phút thi tài căng thẳng, Hội thi năm nay tiếp tục dành cho các thí sinh những chương trình hoạt động văn hóa, dã ngoại hấp dẫn và bổ ích như: tham quan quê hương Bác Hồ, hoạt động giao lưu, liên hoan giữa đoàn thí sinh với tuổi trẻ và đại biểu tỉnh Nghệ An...