Kết quả lọc ảo lần 1: Lý do các trường top đầu dự kiến giảm điểm chuẩn
(Dân trí) - Theo nhận định của các chuyên gia, có nhiều lý do dẫn đến điểm chuẩn vào các trường top đầu cơ bản ổn định, ít có biến động so với năm 2022.
Các trường đại học đã bước vào ngày lọc ảo thứ hai trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2023.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, trong ngày lọc ảo đầu tiên, nhiều trường top đầu đưa ra mức điểm chuẩn "khiêm tốn". Đa số mức điểm bằng với năm 2022, thậm chí có giảm nhẹ.
Chia sẻ lý do về dự báo điểm chuẩn hầu hết top đầu sẽ giữ ổn định, thậm chí một số ngành giảm nhẹ, ThS Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TPHCM - cho rằng cách thức tính điểm ưu tiên mới được Bộ GD&ĐT áp dụng năm nay sẽ có ảnh hưởng lớn tới những thí sinh điểm cao.
Những thí sinh có điểm xét tuyển (đã tính điểm ưu tiên) từ 25 đến 30 sẽ ít hơn các năm trước do mức cộng giảm dần.
Bên cạnh đó, phổ điểm các khối thi cũng giảm nhẹ nên số lượng thí sinh điểm cao ít hơn năm 2022.
Về phía Trường ĐH Kinh tế - Luật (UEL), trong ngày lọc ảo đầu tiên, mức điểm như dự đoán ban đầu. Dù số lượng nguyện vọng tăng gần gấp đôi so với năm 2022 lên mức 24.000, nhưng điểm chuẩn hầu hết tương đương năm 2022, một số ngành giảm nhẹ.
Ngoài nguyên nhân chung dẫn tới điểm chuẩn không tăng, ông Tiến còn cho hay năm nay UEL đã bỏ chương trình chất lượng cao, chỉ tuyển chương trình chuẩn tiếng Anh và tiếng Việt nên số chỉ tiêu cũng tăng lên.
Các ngành thu hút được nhiều thí sinh gồm: Digital marketing, thương mại điện tử, kinh doanh quốc tế, kinh tế quốc tế, luật thương mại quốc tế, tài chính ngân hàng...
"Với các trường top đầu, cơ bản đã lấy ở phân khúc trên nên sẽ ít biến động", ông Tiến cho hay.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM - nhận định điểm chuẩn xét bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT của trường top đầu sẽ giảm.
Điểm chuẩn các ngành kỹ thuật xét tuyển bằng tổ hợp A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, lý, Anh), C01 (toán, văn, lý) và D01 (toán, văn, Anh) sẽ giảm nhẹ.
Với các ngành xét tuyển bằng tổ hợp B00 (toán, hóa, sinh) điểm chuẩn sẽ ổn định như năm ngoái hoặc tăng 0,5-1 điểm.
Ở Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Ngoại thương với các ngành "hot" có điểm chuẩn năm 2022 trên 28 cũng được dự báo khó tăng cao hơn.
Điểm chuẩn vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng được nhận định có thể giảm hơn so với năm ngoái. Nguyên nhân do điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay ở nhiều môn thuộc tổ hợp xã hội giảm. Trong khi đó, nhà trường được giao chỉ tiêu tăng đến 20%.
Đánh giá từ phổ điểm thi năm 2022, GS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội dự báo về cơ bản, điểm xét tuyển vào ĐH năm nay sẽ không có biến động lớn. Một số môn có sự phân hóa rất tốt, giúp các trường ĐH yên tâm hơn với kết quả thi này.
Điểm có thể sẽ không tăng đối với khối ngành khoa học tự nhiên. Thậm chí, nếu tỷ lệ phần trăm chỉ tiêu của các phương thức tuyển sinh khác tăng lên sẽ dẫn đến điểm xét tuyển bằng thi tốt nghiệp THPT giảm 0,5-1 điểm.
Kết quả phân tích mức điểm cao, ở môn toán có điểm 8 trở lên năm nay chỉ chiếm hơn 15%, giảm so với 21% của năm ngoái. Môn vật lý cũng tương tự khi giảm từ 22,74% xuống còn 21,3%.
Số điểm giỏi ở môn hóa cũng thấp hơn so với năm ngoái khi giảm từ 27,8% xuống còn 22,6%. Riêng điểm môn ngữ văn và môn tiếng Anh có tăng nhẹ số điểm giỏi.
Trong khi đó, ở khối sức khỏe, điểm chuẩn chắc chắn sẽ tăng do mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT và một số cơ sở giáo dục đã tăng so với năm 2022. Điểm chuẩn của Trường ĐH Y Hà Nội dự kiến sẽ có dịch chuyển cao hơn so với năm trước, khoảng từ 1-1,25 điểm.
Tương tự, điểm chuẩn vào một số ngành của Trường ĐH Y Dược TPHCM dự kiến sẽ tăng trong khoảng 0,5 điểm so với năm 2022.
Cách tính điểm ưu tiên giảm
Điểm mới đáng lưu ý trong công tác tuyển sinh năm 2022 là chính sách ưu tiên đã được quy định trong Quy chế tuyển sinh năm 2022 nhưng bắt đầu áp dụng từ năm 2023.
Theo đó, chính sách ưu tiên đối tượng, khu vực trong tuyển sinh năm 2023 sẽ giảm tuyến tính.
Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang điểm 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau:
Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên quy định tại khoản 1, 2 Điều 8 Quy chế.
Sau nhiều lần thay đổi, mức độ điểm ưu tiên giảm dần theo thời gian. Trước năm 2003, thí sinh được cộng nhiều nhất 3 điểm ưu tiên khu vực. Từ năm 2004 đến 2017, tối đa là 1,5 điểm. Và từ 2018, điểm ưu tiên khu vực cao nhất là 0,75.
Theo Quy chế tuyển sinh 2022, mức cộng điểm ưu tiên để xét tuyển đại học theo khu vực cao nhất là 0,75 điểm. Từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp và một năm kế tiếp.