"IP Challenge 2013" và những giá trị đỉnh cao

Vừa qua vòng chung kết của “IP Challenge 2013 - Đỉnh cao thương hiệu” do CLB Sở hữu trí tuệ (IPC) Trường ĐH Ngoại thương tổ chức đã khép lại thành công tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Cuộc thi kết thúc nhưng để lại được nhiều dư âm trong lòng khán giả, đặc biệt là những người quan tâm tới lĩnh vực thương hiệu và sở hữu trí tuệ. Tuy chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 2 tháng nhưng những giá trị mà cuộc thi mang lại thực sự không hề nhỏ.

Từ một sân chơi trí tuệ

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 của Cục Sở hữu trí tuệ, “IP Chalenge 2013 - Đỉnh cao thương hiệu” ra đời với mục đích trước tiên là mở ra một sân chơi trí tuệ theo đúng nghĩa để các bạn sinh viên có cơ hội tìm hiểu sâu, rèn luyện và trau dồi tri thức phong phú, bài bản hơn trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu và SHTT. Đối tượng tham gia cuộc thi được mở rộng ra nhiều trường ĐH trên địa bàn Hà Nội. Được sự cố vấn của các chuyên gia, các thầy cô giáo, câu lạc bộ IPC đã xây dựng nội dung 3 vòng thi hết sức hấp dẫn và thực tế. Từ những kiến thức lý thuyết ở vòng đầu tiên, các thí sinh sẽ có cơ hội áp dụng, thực hành những điều đã học, đã biết vào thực tiễn kinh doanh tại chính các doanh nghiệp.
 
Đội giành giải Nhất cuộc thi
Đội giành giải Nhất cuộc thi.

Đến mô hình xã hội hoá giáo dục

Một trong những mục tiêu quan trọng của cuộc thi chính là chia sẻ trách nhiệm giáo dục của trường ĐH với cộng đồng.Hay nói cách khác, chính là xây dựng một mô hình xã hội hoá giáo dục thành công và có tính ứng dụng cao.

Xã hội hoá giáo dục là điều kiện cần thiết và tất yếu để phát triển giáo dục và đào tạo ở nước ta.Trên tinh thần đó, “IP Challenge 2013” là một trong những hoạt động thể hiện sự quan tâm và vai trò của Cục Sở hữu trí tuệ với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về SHTT và Trường Đại học Ngoại thương. Đồng thời cuộc thi đã tạo dựng được một cầu nối liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp, sinh viên và các nhà tư vấn thông qua việc giải quyết các vấn đề thực tiễn về SHTT trong Chiến lược phát triển thương hiệu của doanh nghiệp.

Tính “xã hội hoá giáo dục” của cuộc thi được thể hiện rõ nét nhất ở vòng thi thứ 3 “Nhà tư vấn chiến lược” khi các đội chơi có cơ hội đến làm việc trực tiếp với doanh nghiệp. Trải nghiệm thực tế chính là một trong những giá trị mà ban tổ chức cuộc thi hướng đến bởi, bởi tình huống đưa ra được lựa chọn từ thực tiễn tình hình kinh doanh của doanh nghiệp chứ không phải tình huống giả định. Đồng hành cùng với các thí sinh trong vòng thi này là 4 doanh nghiệp: Công ty cổ phần Briston Group, Công ty TNHH Hồng Lam, nhãn hàng nước giải khát Pushmax - Tập đoàn Đại Việt và Công ty TNHH Sinh Phú. Qua các buổi tham quan doanh nghiệp, làm việc với đại diện các công ty, cùng sự tham vấn của các chuyên gia và các thầy cô giáo trong lĩnh vực thương hiệu - SHTT, 4 đội chơi lọt vào đêm chung kết đã đưa ra những đề xuất để giải quyết vấn đề rất hiệu quả. Dù ở mức độ khác nhau, các doanh nghiệp được tư vấn đều nhận thấy tính mới và hữu ích trong đề xuất của các đội.

Bà Nguyễn Thị Hương Giang - Giám đốc Maketing và truyền thông Ngân hàng quốc tế VIB - đại diện nhà tài trợ kim cương của cuộc thi chia sẻ: “Chương trình quả thật là một sân chơi trí tuệ bổ ích dành cho các bạn sinh viên, là cầu nối giữa doanh nghiệp và các bạn sinh viên và cũng là cơ hội để cho những doanh nghiệp thể hiện được trách nhiệm xã hội của mình…”.

Rất nhiều người quan tâm tới cuộc thi đều đồng tình với ý kiến cho rằng, điểm khác biệt lớn nhất của “IP Challenge 2013” là ở chỗ dù đây là một cuộc thi nhưng thực chất là tạo môi trường để sinh viên va chạm thực tế và các giới cùng tham gia vào sự nghiệp giáo dục. Đặc biệt là trong xu thế hiện nay, khi quá trình đào tạo thực tiễn cho sinh viên đang ngày càng được coi trọng thì những mô hình tương tự rất cần được nhân rộng, hứa hẹn một xu hướng đào tạo mới. Rõ ràng rằng lợi ích của sinh viên là được thực hành, làm quen với thực tiễn kinh doanh khác nhiều so với sách vở. Các doanh nghiệp có thể tận dụng được tri thức và cái nhìn mới của những người trẻ vào hoạt động của công ty mình nếu biết phát huy khả năng tối đa của họ.Các chuyên gia, các nhà tư vấn cũng dễ tiếp cận hơn với lớp sinh viên mới năng động.
 
Bà Nguyễn Thị Hương Giang - Giám đốc Maketing và truyền thông Ngân hàng quốc tế VIB
Bà Nguyễn Thị Hương Giang - Giám đốc Maketing và truyền thông Ngân hàng quốc tế VIB.
 
Và những giá trị cốt lõi

“IP Challenge 2013” đã khép lại sau đêm chung kết diễn ra hết sức thành công. Không chỉ dừng lại ở một cuộc thi, “Đỉnh cao trí tuệ” năm nay - dù diễn ra lần đầu tiên, đã cho thấy sự bài bản và có chiều sâu trong cách thức và nội dung tổ chức. Những người có mặt tại đêm chung kết để chứng kiến thành quả gần hai tháng đi cùng cuộc thi của các thí sinh đều nhận thấy rằng, khả năng kết hợp “học - hành - nghề - nghiệp” theo mô hình EduMind thực sự có thể tạo nên điều kì diệu. Chương trình mang lại cơ hội cho sinh viên được học tập, được thực hành và được trải nghiệm cùng các chuyên gia giàu kinh nghiệm thâm nhập vào thực tế doanh nghiệp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm