Intel hợp tác với Bộ GD-ĐT đào tạo 80.000 giáo viên Ngoại ngữ
(Dân trí) - Vừa qua Bộ GD-ĐT và công ty Intel Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy ứng dụng Công nghệ thông tin trong việc dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam. Đây là điểm khởi đầu quan trọng để thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia năm 2020.
Với mục đích ký kết nhằm nâng cao khả năng vận dụng CNTT&TT cho đội ngũ giáo viên ngoại ngữ, Bộ GD-ĐT cùng Intel Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, giúp đội ngũ cán bộ giảng viên các môn ngoại ngữ nắm bắt và ứng dụng các công cụ CNTT&TT một cách hiệu quả, nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ hiện nay tại Việt Nam.
Trao đổi với Dân trí, ông John Davies - Tổng Giám đốc chương trình Intel World Ahead, Tập đoàn Intel chia sẻ: “Việt Nam là một nước đang phát triển và phát triển rất nhanh, hiện tại cơ hội cho người dân và đặc biệt là sinh viên tiếp cận với công nghệ, internet, máy tính ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục tại Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn ban đầu. Hầu hết các trường học đều có phòng máy tính cho học sinh, nhưng nhiều học sinh mới dùng chung một máy tính nên việc học chưa thực sự hiệu quả. Để việc dạy và học ngoại ngữ đạt hiệu quả cao nhất thì mỗi học sinh cần có một máy tính để phục vụ việc học của riêng mình. Tuy nhiên, để đạt đến giai đoạn này sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí. Do đó, mục đích của hợp tác lần này giữa Intel và Bộ GD-ĐT là tìm cách để sử dụng được những cơ sở vật chất đã tồn tại một cách hiệu quả, đặc biệt là những phòng máy đã có sẵn phục vụ cho việc dạy và học ngoại ngữ”.
Về chương trình thực hiện thí điểm đưa CNTT vào giảng dạy ngoại ngữ tại Việt Nam, ông Mai Sean Cang - Tổng Giám đốc Intel Việt Nam cho hay: “Từ trước tới nay, giáo dục Việt Nam chưa có mô hình kết nối liên tục 3 bên giữa gia đình - nhà trường - phụ huynh. Intel sẽ hỗ trợ hệ thống server và mô hình học tập trực tuyến e-learning, tăng cường tương tác giữa giáo viên - học sinh trong lớp học, tương tác giữa những học sinh với nhau, đồng thời giúp phụ huynh cũng có thể theo dõi, hướng dẫn quá trình học tập của học sinh.”
Trong chương trình hợp tác này, Intel sẽ hỗ trợ hai phòng lab học ngoại ngữ cho hai trường đại học sư phạm tại Hà Nội và TPHCM để các giáo viên tương lai có thể làm quen với các ứng dụng công nghệ thông tin, rèn luyện kỹ năng dùng phần mềm dạy học, quản lý lớp học theo các mô hình e-learning.
Để nâng cao chất lượng giáo dục dạy và học ngoại ngữ ở các trường học tại Việt Nam, theo ông Mai Sean Cang, điều quan trọng không chỉ là trang bị các phòng lab mới, mà còn là khả năng tận dụng với các phòng máy tính hiện có tại các trường học bằng các giải pháp học tập e-learning mới, để phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ. Các giải pháp này sẽ cho phép giáo viên quản lý hiệu quả lớp học, tăng cường sự tương tác giữa học sinh với giáo viên, học sinh và học sinh và nhà trường với phụ huynh học sinh. Chương trình Intel Teach Getting Started, sáng kiến toàn cầu của Intel, sẽ được điều chỉnh theo nội dung dành riêng cho giáo viên dạy ngoại ngữ bậc tiểu học và được giới thiệu, sử dụng cho các khóa bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên trong khuôn khổ Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 sau khi được nghiên cứu, thẩm định.
Hồng Hạnh