HUTECH Startup Wings - giảng đường "tiếp lửa" khởi nghiệp cho sinh viên
(Dân trí) - Khởi nghiệp ở độ tuổi sinh viên không còn là điều mới lạ. Tuy nhiên trên con đường khởi nghiệp với không ít thách thức, các bạn sinh viên rất cần sự khuyến khích, đồng hành và hỗ trợ từ chính trường đại học của mình.
Sở hữu mô hình đào tạo thực tiễn và mạng lưới hợp tác doanh nghiệp chặt chẽ tạo nguồn đầu tư cho các dự án khởi nghiệp sinh viên, trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) được đánh giá là một trong những "vườn ươm" khởi nghiệp hiệu quả hàng đầu, đặc biệt với cuộc thi khởi nghiệp thường niên HUTECH Startup Wings.
Khởi nghiệp từ đồ án - hướng đi triển vọng từ chương trình đào tạo thực tiễn
Với nhiều sinh viên ngành công nghệ - kỹ thuật, sinh học, thực phẩm, môi trường,... tại HUTECH, khởi nghiệp từ đồ án là một lựa chọn đầy tiềm năng. Gần đây nhất, nữ sinh ngành Công nghệ sinh học Đỗ Thị Bảo Hà giành chiến thắng cuộc thi khởi nghiệp HUTECH Startup Wings 2021 với dự án Nước uống thảo dược Golden Herbal Pharma - thành quả của hơn một năm nghiên cứu. Sản phẩm được đánh giá cao với công dụng hỗ trợ điều trị tiểu đường, thanh nhiệt, giải độc, ổn định huyết áp,... Đặc biệt, sản phẩm được kiểm nghiệm bởi Sở Khoa học & Công nghệ, cho thấy chất lượng và sự nghiêm túc của một sản phẩm "made by sinh viên".
Để hướng sinh viên đến những giá trị thực tiễn, ngoài chương trình đào tạo được cập nhật thường xuyên, HUTECH còn hỗ trợ tư vấn, định hướng cho sinh viên lựa chọn các đề tài giàu tính thực tiễn, có khả năng thương mại hóa, đồng thời tạo điều kiện nghiên cứu chuyên sâu trong hệ thống thí nghiệm tại trường. Bảo Hà cho biết: "Với một sinh viên như em thì việc tìm kiếm không gian nghiên cứu sản phẩm là không dễ, nhưng Trường và các thầy cô đã tạo điều kiện cho em được sử dụng phòng thí nghiệm để thử nghiệm sản phẩm và mang sản phẩm đi kiểm nghiệm, giúp dự án đảm bảo chất lượng và tiến độ".
Một giải pháp định hướng nổi bật khác là thường xuyên tham quan doanh nghiệp, tìm hiểu những vấn đề thị trường đặt ra. Nguyễn Trần Trung Hiếu (sinh viên ngành Kỹ thuật môi trường, chủ nhân dự án Phân hữu cơ từ vỏ chôm chôm đạt giải Khuyến khích HUTECH Startup Wings 2020) chia sẻ: "Ý tưởng đến từ một lần tham quan các cơ sở sản xuất mứt chôm chôm tại Bến Tre, mình được biết một cơ sở thải đến 500kg vỏ mỗi ngày, vừa tốn chi phí thu gom, vừa có thể gây ô nhiễm. Đồ án của mình nhằm giải quyết vấn đề này, rồi khi tham gia HUTECH Startup Wings, quyết định phát triển mặt thương mại hóa để có thể đưa sản phẩm ra thị trường".
Sản phẩm "handmade" & những ý tưởng kinh doanh độc đáo
Cũng xuất phát từ "bài toán" thực tiễn, Lê Ngọc Biết (sinh viên ngành Marketing HUTECH) tận dụng nguồn vảy cá bỏ đi để ghép thành các bức tranh và tạo hình hoa sống động - sản phẩm độc đáo giúp bạn xây dựng thành công thương hiệu Tranh và hoa vảy cá VAVA. Hay Nguyễn Thị Mỹ Dung (sinh viên ngành Luật kinh tế) chọn khởi nghiệp với Sen đá từ đất sét New Queen, một món quà lưu niệm "đốn tim" người dùng bằng đường nét, màu sắc và tạo hình "một chín một mười" với cây thật.
Từng giành giải Quán quân HUTECH Startup Wings 2020, Mỹ Dung cho biết: "Khi đến với một sân chơi khởi nghiệp, em nhận ra việc khởi nghiệp không nhất thiết phải cứ là những sản phẩm, dự án thật lớn lao mà hoàn toàn có thể là những ý tưởng nhỏ bé, đơn giản nhưng đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và có tiềm năng phát triển, phục vụ cộng đồng". Ngôi vị Quán quân mang đến nhiều lựa chọn phát triển dự án, nhưng Dung chọn hướng đi của một sản phẩm thủ công để giữ tính độc đáo vốn có.
Hướng đến đối tượng khách hàng trẻ mong muốn khẳng định bản sắc cá nhân, Đỗ Thị Ánh Nguyệt (sinh viên năm 2 ngành Quản trị kinh doanh) tham dự HUTECH Startup Wings với Triple L - Đèn neon flex trang trí. "Neon Flex có thể uốn dẻo theo yêu cầu rất phù hợp với các fanclub hoặc ứng dụng trang trí các quán cafe, homestay,... Tham gia cuộc thi là cơ hội để em học hỏi thêm kinh nghiệm từ các doanh nhân, gặp gỡ các nhà đầu tư, thêm cơ hội đưa sản phẩm đến với đông đảo khách hàng". Tuy chỉ đạt giải Khuyến khích, dự án của Nguyệt cũng đã kịp ghi ấn tượng mạnh mẽ với các nhà đầu tư và được ông Huỳnh Thanh Vạn (Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Bình Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Sfurniture) lựa chọn đầu tư 400 triệu đồng.
Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là ở độ tuổi sinh viên. Giải thưởng từ một cuộc thi có thể không bảo chứng cho thành công của một startup, nhưng sinh viên luôn cần "thử lửa" cho ý tưởng của mình trước khi kỳ vọng vào thành công trên thị trường.