Hụt hẫng...

Giọng buồn buồn, chị bạn của tôi nói: "Điểm thi học kỳ I môn Vật lý của con gái mình chỉ có 3,5 điểm. Cháu đang bị khủng hoảng tinh thần vì đã có hai bài kiểm tra trên lớp bị điểm 2. Mỗi ngày mình phải động viên, an ủi cháu chứ nếu không thì...".

Tôi hết sức bất ngờ trước kết quả học tập của con chị bạn. Mới năm trước cháu học lớp 9 và luôn là niềm tự hào của chị: học ở trường trọng điểm của huyện, năm nào cũng đứng nhất lớp, được xét tuyển vào trường THPT với số điểm tròn trịa 60. Chị hết lời ca ngợi thầy cô ở trường ấy dạy giỏi và khuyến khích tôi xin cho con học ở đây.

 

Chị nói tiếp: "Cho con học thêm nhiều môn, thấy bài tập nào cháu giải cũng được nên tôi rất mừng. Đến bây giờ tôi mới vỡ lẽ: các thầy cô dạy thêm hầu như nắm được ý đồ của người ra đề thi, hướng các cháu giải nhiều bài tập dạng ấy như một cái máy, không chú ý dạy những kiến thức cơ bản để làm nền tảng. Chủ yếu cho các cháu đạt điểm cao để lấy uy tín mà dạy thêm. Vì vậy, khi lên THPT, với chương trình mới, cách ra đề mới, các cháu bị hụt hẫng khi không biết vận dụng kiến thức để làm bài. Ngược lại, những cháu trước đây học ở xã, không có điều kiện học thêm bây giờ lại biết vận dụng kiến thức khi làm bài".

 

Tôi hiểu nỗi bức xúc của chị cũng giống như bao bà mẹ có hoàn cảnh tương tự, nhưng biết làm sao được khi kết quả học tập của các em đang là "thành tích" để người lớn báo cáo. Từ "hào quang" rực rỡ ở lớp dưới, khi lên THPT, nhiều em đã bị hụt hẫng, suy sụp mà chẳng thấy ai quan tâm đến.

 

Chị bạn kiên quyết: "Mình bàn với ông xã rồi, sẽ chuyển thằng con đang học lớp 7 về xã nhà học. Ở đâu cũng dạy chung một chương trình mà. Trước đây đọc báo, mình chưa tin, bây giờ mình lại lâm vào hoàn cảnh tương tự".

 

Những nhận định của chị có là nỗi trăn trở của ngành giáo dục ?

 

L.Q.H

(Giáo viên, huyện Cai Lậy, Tiền Giang)

Theo Thanh Niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm