“Hộp thư xanh” của cô giáo dạy Anh văn

Thắc mắc các em gửi về hộp thư xanh rất nhiều: về cách giảng dạy của thầy cô, bạn bè đánh nhau nhờ thầy cô can thiệp, hay nhờ tư vấn về cách làm đẹp…

“Hộp thư xanh tại Trường THPT An Nhơn Tây (Củ Chi) ra đời do nhà trường muốn nắm bắt tâm lý học trò để giúp các em hiểu thêm về bản thân, giải tỏa những thắc mắc của lứa tuổi học trò về tình cảm, giới tính, xung đột từ gia đình… Đó là những điều các em không thể giãi bày với người thân” - cô Vũ Ngọc Oanh Vũ, giáo viên Anh văn của trường, cho biết.

Tư vấn cả chuyện thầm kín

Cô Oanh Vũ công tác tại trường từ năm 2002. “Năm đó, tôi là giáo viên chủ nhiệm lớp 10. Các em xem tôi như chị, gần gũi trò chuyện, xin lời khuyên suốt. Thế là tôi đề xuất với Đoàn trường cho mở hộp thư xanh học đường đặt tại văn phòng Đoàn trường. Một mình tôi phụ trách chung…” - cô Vũ tâm sự.

Theo cô Vũ, ở lứa tuổi THPT, học sinh thích khám phá những điều thầm kín. Người lớn hay cấm đoán nhưng không giải thích cặn kẽ và hướng dẫn các em tìm hiểu bản thân và thế giới xung quanh như thế nào cho đúng, cho phù hợp với lứa tuổi. Như là quy luật, càng cấm thì các em càng tò mò. Xung quanh trường nhiều điểm Internet mọc lên như nấm, những phim đen các em cũng tìm xem, chuyền nhau xem và làm theo.

“Hộp thư xanh” của cô giáo dạy Anh văn - 1
Cô Oanh Vũ (giữa) vui vẻ bên học trò đã từng được cô tư vấn.

Cô Vũ kể: “Cách đây bốn năm, một học sinh lớp 11 sau giờ học đến tìm tôi thì thầm: “Cô ơi! Em “trễ” rồi, thấy trong người khó chịu lắm”. Hết giờ học, tôi hẹn em đến nhà để kiểm tra. Kết quả đúng là em có thai. Em ôm tôi khóc sướt mướt. Em cho biết mẹ bệnh tim nên không thể nói chuyện này cho gia đình. Rồi em nhờ tôi tư vấn cách phá thai. Định thần lại, tôi khuyên em bình tĩnh. Tôi báo sự việc với ban giám hiệu rồi nhờ một người thân của em đứng ra giải quyết cùng tôi và giữ bí mật tuyệt đối để em không xấu hổ làm chuyện dại dột. Khi mọi chuyện tạm lắng, tôi phân tích cái lợi, cái hại khi làm mẹ bất đắc dĩ. Em gật gù nghe và hứa sẽ học hành đàng hoàng. Năm học sau em tốt nghiệp THPT. Hiện tại em vẫn giữ liên lạc với tôi, nhờ tôi tư vấn về việc nuôi con nhỏ…”.

Với em N.T.H.T, lớp 11, “cô Vũ là điểm tựa an toàn của em”. T. kể: “Khi em vào lớp 10, có một bạn nam rất ga-lăng ngỏ lời yêu thương làm em xiêu lòng. Ngày nào em cũng như người mất hồn, ngẩn ngơ nhớ bạn ấy. Không biết làm thế nào để vượt qua giai đoạn này, em viết thư nhờ cô Vũ tư vấn. Cô bảo đó là những rung động tâm hồn đầu đời chứ không phải là tình yêu. Rồi cô phân tích phải học tốt, phấn đấu vào ĐH, có công ăn việc làm để mình tự chủ. Nghe cô nói có lý, em cố gắng học và không nghĩ đến những chuyện yêu đương con nít nữa…”.

Chuyện về lá thư “tuyệt mệnh”

Năm ngoái, một hôm sau giờ dạy, cô Vũ xuống mở thùng thư thì thấy duy nhất lá thư của một nữ sinh lớp 12. Thư viết: “… Ba mẹ em cứ cãi nhau hoài, mẹ mắng ba là kẻ phản bội. Em đang tập trung để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp. Ngồi trong lớp mà em cứ bị ám ảnh tiếng mắng nhiếc của ba mẹ, không sao tập trung được. Tan trường, em chẳng muốn về nhà. Em chán đời lắm, muốn giải thoát cho mình!”. Đọc xong, cô Vũ toát mồ hôi. May mắn dưới thư có để lại số điện thoại. Thế là cô trò ngồi nói chuyện với nhau. Sau đó, cô mất hết một tuần an ủi, vỗ về và liên lạc với gia đình em này để cho biết sự thất vọng, chán nản của em…

Nhiều nam sinh thắc mắc với cô cả những chuyện thầm kín. Có em hỏi xong còn hỏi ngược lại: “Em hỏi cô có ngại không?”. Cô cười và trả lời: “Cô có gia đình rồi, không có gì ngại hết!”. Thế là các em nam hỏi tới tấp khiến cô “ngộp”. Những chuyện mày râu như thế, cô Vũ phải nhờ chồng “tiếp sức”.

Có những trường hợp rất gay cấn, đòi hỏi thử thách và bản lĩnh của người thầy. Năm ngoái, cô nhận được thư của một nam sinh lớp 10, em ấy khẳng định mình là gay, đang thầm thương trộm nhớ một bạn nam trong lớp. Em hỏi có cần công khai chuyện tình cảm của mình cho bạn biết không, hay giấu cả đời để đau khổ. Đọc thư xong cô Vũ lên mạng tìm những kiến thức tư vấn về thế giới thứ ba của tuổi học trò để định hướng. Cô giải thích và hướng em đến những hoạt động vui chơi tập thể để quên chuyện yêu đương đó đi và chuyên cần học tập. Cô gửi mail cho em về những trường hợp tương tự em được tư vấn. Ở lớp, thỉnh thoảng cô nói chuyện riêng hay chat qua mạng để khuyên em. Sau một thời gian tham gia các hoạt động vui chơi nhóm, nam sinh này quên hẳn chuyện tình cảm của mình và học hành tốt hẳn lên.

Nhu cầu học sinh được tư vấn rất cao

Nhờ hộp thư xanh, nhiều năm nay tập thể giáo viên, giám thị, bảo vệ của trường ngăn chặn được nhiều vụ bạo lực học đường. Học sinh chung lớp biết rất rõ chuyện nội bộ và dũng cảm báo cáo sự việc cho thầy cô qua hộp thư. Nếu thư nào nêu thắc mắc, phàn nàn giáo viên bộ môn nào thì cô Vũ chuyển cho giáo viên đó xem và tìm cách dung hòa. Thư nào liên quan đến chuyện tình cảm, chuyện gia đình riêng tư thì cô xử lý. Thư nào tố cáo đánh nhau thì cô chuyển cho giám thị, bảo vệ theo dõi. Cứ thế, học trò ngày càng thân thiết với cô Vũ, gần như em nào cũng add nick Yahoo Messenger của cô để khi cần thì gửi tin nhắn offline nhờ cô tư vấn.

Sắp tới, công đoàn sẽ xem xét hỗ trợ chi phí cho các cô hoạt động. - Thầy Bùi Hùng Chiến, Hiệu trưởng Trường THPT An Nhơn Tây

 
Theo Đặng Nguyễn
Pháp luật TPHCM