Hợp tác đào tạo nghề: Cơ hội cho nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo ông Vũ Hoài Phương - Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Huế, việc hợp tác đào tạo nghề đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nước ngoài giúp các trường trong nước tiếp cận và chuyển đổi đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hợp tác đào tạo nghề: Cơ hội cho nguồn nhân lực chất lượng cao - 1

12 nghề chất lượng cao được đào tạo thí điểm theo chương trình chuyển giao từ Australia đều là những nghề xã hội đang có nhu cầu lớn. 

Là một trong số 724 sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo nghề chất lượng cao, cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao của Australia, Hoàng Văn Hà, sinh viên Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội ra trường với 2 tấm bằng trong tay đang có nhiều cơ hội làm việc với mức lương khởi điểm từ hàng chục triệu đồng/tháng. Trong đó, một bằng do chính cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp, một bằng do Học viện Chisholm của Australia cấp. Bên cạnh đó, học viên còn sở hữu trình độ tiếng Anh tương đương B1 đến B2 theo khung năng lực ngoại ngữ chung châu Âu, có kỹ năng nghề phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp cần.

Khẳng định mình hoàn toàn tự tin khi tham gia thị trường lao động, em Hoàng Văn Hà cho biết: “Trong quá trình học, chúng em được học các thiết bị của Úc chuyển giao cho Việt Nam, đó đều là các thiết bị tiên tiến. Ngoài ra trong suốt quá trình học còn được đi tới các doanh nghiệp thực hành, được các chuyên gia của Úc hướng dẫn… Sau khi ra trường, nhà trường tạo điều kiện tối đa cho công tác tìm kiếm việc làm, đảm bảo đầu ra cho sinh viên” .

Trong khi đó, sinh viên Nguyễn Tiến Thịnh (Trường CĐ Cơ điện Bắc Ninh) cho biết mặc dù vừa được cầm bằng tốt nghiệp nhưng đã nhận được nhiều lời mời đi làm của các doanh nghiệp: “Khi thi đầu vào, chương trình đã yêu cầu chúng ta đạt chứng chỉ ngoại ngữ B1 châu Âu. Sau khi học 2,5 năm chuyên ngành thì tiếng Anh của chúng em có thể tự tin xin việc cả ở Australia và Việt Nam. Nếu sang châu Âu, cần học thêm chứng chỉ là có thể sử dụng bằng này luôn. Đó là cơ hội lớn đối với những sinh viên vừa ra trường như em”.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH), tổng kết chương trình đào tạo thí điểm 12 nghề chất lượng cao cấp quốc tế theo chương trình chuyển giao của Australia đã giúp cho 25 cơ sở GDNN tiếp cận và làm chủ được công nghệ đào tạo tiên tiến của Australia. Trong đó hơn 350 nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Ông Vũ Hoài Phương cho rằng, điều này giúp nâng cao đáng kể chất lượng đào tạo nghề cho các trường. “Cái mới nhất của chương trình là tiếp cận và đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi một số trường còn đang loay hoay thì chương trình này giúp chúng ta biết phải chuyển đổi theo hướng nào, đó là kết quả rất lớn”- ông Vũ Hoài Phương nhấn mạnh.

Với quy trình được đào tạo được giám sát chặt chẽ bởi các chuyên gia của Australia, ông Stephen Marks- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Học viện Chisholm, Australia nhấn mạnh sự nỗ lực của các cơ sở GDNN đã cung ứng cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao: “Suốt 6 năm qua, chúng tôi cùng Tổng cục GDNN thiết kế chính sách chương trình đào tạo nghề chất lượng cao cấp độ quốc tế phù hợp với Việt Nam để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chúng tôi đã đào tạo được 350 giảng viên cả trong lĩnh vực đào tạo nghề và đào tạo năng lực. Trong những năm qua các chuyên gia của Australia đã làm việc với từng trường CĐ một và kết quả ngày hôm nay là hoàn toàn xứng đáng”.

Trước đó, phía Australia đã thực hiện chuyển giao 12 bộ chương trình của 12 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế từ Học viện Chisholm, bang Victoria, Australia. Bộ LĐTBXH đã tổ chức đưa giáo viên chuyên môn 12 nghề của 25 trường đi đào tạo, bồi dưỡng tại Australia để đảm bảo chất lượng đào tạo theo các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của Học viện Chisholm và Chính phủ Australia. Đến nay, đã có khoảng 350 giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm theo quy định của Australia; trong đó có nhiều giáo viên đã được Học viện Chisholm kiểm định, đánh giá và đã hoàn thiện đầy đủ hồ sơ năng lực để tham gia giảng dạy các lớp đào tạo thí điểm theo quy định của Học viện Chisholm. Về cơ bản các trường đã đáp ứng đủ số lượng giáo viên giảng dạy chuyên môn cho đào tạo thí điểm.

Chương trình đào tạo thí điểm được thực hiện từ tháng 9/2016 để bắt đầu học bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên đạt chuẩn đầu vào B1 theo Khung năng lực ngoại ngữ chung châu Âu và tổ chức học các môn học chung theo quy định của Việt Nam. Kết quả đạt được, ngay sau khi tốt nghiệp có 477 trên tổng số 724 sinh viên được các tập đoàn nước ngoài, doanh nghiệp lớn tuyển dụng. Trong đó có 214 em làm việc trong các công ty liên doanh nước ngoài, 204 em làm việc tại các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp khác của Việt Nam, 19 sinh viên tự khởi nghiệp, 40 sinh viên đang làm thủ tục ra nước ngoài làm việc.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân khẳng định đây là bước thành công lớn cần tiếp tục nhân rộng: “Thành công lớn nhất là sự lan tỏa của công nghệ này và trên diện rộng và trở thành chương trình đào tạo các trường làm chủ được với sự hỗ trợ tiếp tục của các đối tác quốc tế, đặc biệt là Chisholm. Các trường được tự chủ trong việc tiếp tục tuyển sinh sau này”.

12 nghề chất lượng cao được đào tạo thí điểm theo chương trình chuyển giao từ Australia đều là những nghề xã hội đang có nhu cầu lớn như quản trị nhà hàng khách sạn, cơ điện tử, công nghệ thông tin, sinh viên tham gia chương trình đào tạo này có mức thu nhập từ 10 triệu đồng/tháng là con số nhiều người mơ ước.

Theo Lam Nhi

Đại Đoàn Kết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm