Bạn đọc viết:
Họp phụ huynh: Cần những “luồng gió mới”
(Dân trí) - Tôi cho rằng để mỗi cuộc họp phụ huynh thực sự hiệu quả và có ý nghĩa thực tiễn, bản thân giáo viên phải “làm mới” nội dung họp hành thay vì những thông báo năm nào cũng giống nhau…
Đều đặn mỗi năm hai kỳ, từ mẫu giáo cho đến tiểu học, trung học, phổ thông, phụ huynh đều được nhà trường trân trọng mời đến dự họp để thống nhất các nội dung triển khai trong năm học mới. Nhận tờ giấy báo họp phụ huynh, tôi và có lẽ cả các phụ huynh nữa đều nghĩ ngay đến việc chuẩn bị tiền mang theo để đóng góp, bởi điệp khúc “đi họp để đóng tiền” đã quen thuộc rồi.
Mở đầu mỗi buổi họp phụ huynh, giáo viên luôn báo cáo tình hình hoạt động và thành tích của trường trong năm học trước, định hướng phấn đấu của trường, của lớp trong năm học này, các khoản đóng góp theo quy định như học phí, tiền chăm sóc bán trú, tiền cơ sở vật chất đầu năm, tiền sổ liên lạc điện tử… Đây là những nội dung mà rất ít phụ huynh quan tâm để ý, thế nên việc cô trình bày cũng chỉ mang tính hình thức, việc nghe hay tranh thủ bàn việc riêng là của phụ huynh.
Sau phần trình bày của cô giáo, sẽ đến phần phụ huynh nêu ý kiến, nhưng hầu hết mọi người đều im lặng, thể hiện sự “nhất trí” với mọi vấn đề giáo viên nêu ra. Cuộc họp nhanh chóng chuyển sang nội dung được chờ đợi nhất là ra mắt Ban đại diện cha mẹ học sinh và thông báo các khoản thu.
Đúng ra Ban đại điện Cha mẹ học sinh sẽ phải được thành lập trong cuộc họp do bình bầu và biểu quyết nhưng giáo viên thường thay phụ huynh làm việc đó. Trong những tuần học đầu năm, phụ huynh nào quan tâm, có thời gian đưa đón con và gặp gỡ trao đổi với giáo viên thường xuyên, có điều kiện và nhiệt tình sẽ được cô chủ nhiệm “phát hiện” và nhắm vào vị trí Trưởng ban, ủy viên.
Việc thành lập Ban đại diện Cha mẹ học sinh theo hình thức này ngay từ đầu đã thiếu dân chủ và khách quan. Cũng bởi chẳng mấy phụ huynh muốn “ôm rơm nặng bụng” nên đều nhất trí thông qua.
Thế nên mới có tình trạng ở nhiều nơi Ban đại diện Cha mẹ học sinh là những cánh tay nối dài thực hiện thu chi cho nhà trường. Và cũng không lạ gì khi nhiều Ban đại diện Cha mẹ học sinh của lớp luôn hướng đến lợi ích của nhà trường chứ không phải của phụ huynh, học sinh. Họ thường vận động phụ huynh ủng hộ các khoản thu hay kế hoạch của nhà trường hơn là xin ý kiến đóng góp đa chiều từ phụ huynh. Có thể nói, tất tần tật các khoản thu “ngoài quy định” đều được đẩy sang phía Ban đại diện Cha mẹ học sinh để đạt được các tiêu chí “đồng thuận”, “tự nguyện”.
Bản thân phụ huynh khi tham gia các cuộc họp vẫn còn bị động và “lắng nghe” là chính. Hầu hết chúng ta không nêu ý kiến phản biện để làm sáng tỏ các vấn đề thu - chi được nêu ra từ phía cô giáo và hội phụ huynh. Vì sao ư? Một phần bởi chúng ta cho rằng ý kiến của mình sẽ không thay đổi được gì. Một phần là do tâm lý e ngại rằng, nếu gây ấn tượng không tốt với cô giáo thì sẽ ảnh hưởng tới việc học của con… Tôi chưa từng thấy phụ huynh nào thắc mắc trên lớp rằng sao phải đóng tiền quỹ lớp nhiều thế? Sao không phải là 300.000 đồng mà là 500.000 đồng?
Tuy nhiên, trong bức tranh cũ kỹ, rập khuân về quy trình họp phụ huynh tôi đã chứng kiến nhiều năm qua cũng đã có một số đổi mới rất đáng được nhân rộng.
Tôi nhớ mãi buổi họp phụ huynh năm con trai học lớp 4 - lớp được coi là khó nhất của bậc tiểu học. Trong buổi họp hôm đó, cô giáo chủ nhiệm đã xin phép các phụ huynh bổ sung thêm một phần nội dung, đó là giới thiệu qua về kiến thức lớp 4 và những lưu ý về phương pháp giảng dạy, kèm cặp con học ở nhà. Những thông tin về thành tích trường, lớp được cô thông báo nhanh gọn để tập trung vào vấn đề này. Phòng họp im lặng, tất cả chúng tôi ngồi nghe cô giáo hướng dẫn và thực hiện một số bài tập Toán, Tiếng Việt mẫu.
Quả thật, kiến thức và phương pháp học đã thay đổi rất nhiều, khi nghe cô giáo hướng dẫn nhiều người xuýt xoa “khó thế này mẹ cũng chịu”. Có phụ huynh sợ không nhớ hết những điều cô lưu ý đã chụp ảnh và ghi chép lại cẩn thận. Cả hai kỳ họp phụ huynh năm đó cô giáo chủ nhiệm đều dành phần lớn thời gian để giới thiệu chương trình học, giúp phụ huynh có phương pháp kèm cặp con hiệu quả. Thế nên, dù buổi họp có kéo dài chúng tôi đều cảm thấy vui vẻ và bổ ích.
Mới đây, trong cuộc họp phụ huynh cho cậu con trai lớp 1, tôi đã thấy cô chủ nhiệm say sưa nói với phụ huynh về các biện pháp thi đua để động viên các con hăng hái học tập như in ảnh của các con để dán lên bảng thi đua khi có thành tích tốt, làm cho mỗi con một cuốn sổ thi đua riêng để các con và phụ huynh biết tình hình của con mỗi ngày, tặng quà cho các con ngoan và tiến bộ mỗi tháng,... Mặc dù thời gian dạy dỗ chưa lâu nhưng cô cũng đã chỉ ra tương đối cụ thể, chính xác tình hình của mỗi học sinh để phụ huynh phối hợp kèm cặp. Các bố, các mẹ cũng tích cực chia sẻ và đóng góp ý kiến với giáo viên để thống nhất phương pháp dạy trên lớp và ở nhà cho hiệu quả.
Những việc làm đó tuy nhỏ nhưng đã cho thấy cô giáo phải dành nhiều thời gian và công sức nghiên cứu, tìm tòi để giúp các con yêu thích việc học, nhanh chóng hình thành thói quen học tập ở môi trường mới. Đó là những điều chúng tôi muốn nhận được từ các cuộc họp phụ huynh.
Qua những trải nghiệm của mình, tôi cho rằng để mỗi cuộc họp phụ huynh thực sự hiệu quả và có ý nghĩa thực tiễn, bản thân giáo viên phải “làm mới” nội dung họp hành thay vì những thông báo năm nào cũng giống nhau. Khi các giáo viên chủ động đổi mới, khơi gợi những ý kiến đóng góp của phụ huynh thì sẽ nhận lại sự hợp tác tích cực chứ không chỉ là những cái gật đầu “nhất trí” qua loa, để rồi vẫn còn những “con sóng ngầm” đâu đó.
Đỗ Quyên
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!