Hậu Giang:
Hơn 2 năm xây dựng, trường học chỉ có cổng và hàng rào
(Dân trí) - Trong khi hàng trăm em học sinh phải học ở điểm trường cũ đang xuống cấp thì điểm trường mới chỉ xây được cổng và hàng rào rồi để đó hơn 2 năm nay. Đó là hiện trạng của Trường Tiểu học Thị trấn Một Ngàn A (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang).
...và xuống cấp.
Trong khi đó, dự án xây trường mới thay trường cũ đã được triển khai từ nhiều năm trước nhưng đến nay hầu như vẫn còn dậm chân tại chỗ. Đáng nói hơn, điểm trường xây mới tại ấp Nhơn Thuận A (cách điểm trường cũ trên dưới 2,5km) không hiểu sao đã được làm cổng và hàng rào nhưng rồi để đó hơn 2 năm nay.
Tiếp xúc với PV Dân trí, một người dân ở ấp Nhơn Thuận A (thị trấn Một Ngàn) cho biết, nhiều con em các hộ gia đình ở đây phải đi từ nhà đến điểm trường đang học đến 2 - 3km, việc đưa đi rước về rất bất tiện. Trong khi đó, nếu đi học ở điểm trường mới thì chỉ cần vài chục bước chân.
Tại điểm xây dựng mới Trường Tiểu học Thị trấn Một Ngàn A ở ấp Nhơn Thuận A, qua quan sát của PV Dân trí, cho thấy khu đất xây trường mới tiếp giáp với tuyến lộ công vụ của huyện khá rộng rãi. Trên khu đất này hiện có một cổng trường mang biển tên “Trường Tiểu học Thị trấn Một Ngàn A” trông rất đẹp mắt. Ngoài ra, khu đất cũng được bao bọc xung quanh bởi hàng rào bằng bêtông, sắt khá chắc chắn. Tuy nhiên, phía bên trong hàng rào thì chỉ là một bãi đất trống, cỏ hoang mọc um tùm.
Nhiều người dân cho biết, mặt bằng, cổng và hàng rào của điểm trường được ngành chức năng của huyện làm từ hơn 2 năm trước đây rồi không thấy triển khai làm gì nữa cho đến giờ. Trường học trên diện tích hơn 5.000m2 mà chỉ có cổng, hàng rào, bên trong toàn cỏ cây hoang thì có gì đó hết sức lãng phí.
Trước thực trạng trên, khi trao đổi với PV Dân trí, ông Lý Thành Nguyên - cán bộ phụ trách Cơ sở vật chất - sách - thiết bị trường học (thuộc Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành A)- nhìn nhận: “Nhìn hiện trạng của điểm trường mới thì thấy cũng kỳ kỳ, không hay lắm”.
Theo ông Nguyên, dự án xây mới Trường Tiểu học Thị trấn Một Ngàn A nằm trong chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2008 - 2012 của Chính Phủ. Với dự án này thì nguồn vốn đưa về tỉnh để đầu tư xây trường lớp (khoảng 18 phòng), còn mặt bằng thì huyện lo. Sau khi xem xét, mặt bằng của trường cũ không đủ để xây dựng nên huyện đã chọn mặt bằng mới tại ấp Nhơn Thuận A hiện nay.
Cũng theo ông Nguyên, sau khi chọn xong địa điểm, huyện bắt đầu thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng những hạng mục thuộc trách nhiệm của địa phương. Tuy nhiên, khoảng năm 2011 thì chương trình kiên cố hóa trường lớp hết vốn nên dự án phải tạm ngưng lại cho đến nay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Bình - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Châu Thành A cũng nhìn nhận: “Hiện trạng của điểm trường mới có cổng và hàng rào đã hơn 2 năm nay. Qua phản ánh được biết người dân địa phương cũng có bức xúc chuyện này”.
Trước câu hỏi của PV, nếu không có dự ứng nguồn vốn trước thì có cần thiết phải xây dựng cổng và hàng rào như hiện nay? Ông Bình cho rằng, do lúc triển khai chương trình có vốn, có mặt bằng nên phần việc nào của huyện thì huyện phải làm chứ không phải làm xong rồi bỏ đó. “Do dự án hoàn toàn lệ thuộc vào vốn của chương trình kiên cố hóa trường lớp nên huyện cũng không thể làm gì thêm được”, ông Bình lý giải.
Ông Bình cũng cho biết thêm, trước tình hình nhu cầu học tập của học sinh hiện nay thì lãnh đạo huyện và ngành giáo dục cũng đã báo cáo, tham mưu lên tỉnh, Trung ương tiếp tục xem xét cho triển khai tiếp chương trình để có nguồn vốn xây dựng.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, được biết, hiện trạng như hiện nay của điểm trường chỉ mới có cổng và hàng rào này đã được đầu tư xây dựng trên dưới 1 tỷ đồng.
Clip trường học chỉ có cổng và hàng rào ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang:
Chia sẻ với PV Dân trí, cô Trần Thị Út - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Một Ngàn A cho biết, việc xây dựng trường là của ngành chức năng cấp huyện và tỉnh, nhà trường không có ý kiến gì.
“Trước tình hình cơ sở vật chất của trường cũ hiện nay còn thiếu thốn và đang xuống cấp, chúng tôi chỉ mong muốn dự án trường mới được triển khai sớm để thầy trò có nơi dạy và học tốt hơn”, cô Út bày tỏ.
Huỳnh Hải